Khai thác, mua bán đất hiếm trái phép: Cần quyết liệt bảo vệ tài nguyên quý quốc gia
Những năm qua, dù cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn việc khai thác, mua bán trái phép đất hiếm. Nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất tài nguyên quý của quốc gia.
Ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 02. Trong đó, nêu rõ: “việc khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ".
Thế Nhưng những năm qua tình trạng khai thác, chế biến, mua bán loại khoáng sản quý này vẫn diễn ra rất tinh vi, ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía bắc.
Theo thông tin được đăng trên Báo Lai Châu đầu năm 2023, trước đây, tại khu vực bìa mỏ đất hiếm Đông Pao thuộc địa phận bản Nà Khum, xã Bản Hon huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã diễn ra tình trạng một số người dân trong và ngoài địa bàn lợi dụng đêm khuya dùng cuốc, xẻng khai thác đất hiếm (quặng flourit hay cát tím) gây xôn xao dự luận, ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương.
Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền xã Bản Hon đã phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, huyện ngăn chặn đối tượng vận chuyển đất hiếm ra khỏi địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân hiểu tác hại của việc khai thác, mua bán, vận chuyển đất hiếm trái phép là vi phạm pháp luật. Người dân khai thác đất hiếm trái phép gây thất thoát tài nguyên quốc gia, làm tổn hại môi trường sinh thái và ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự địa phương.
Ngoài ra, xã phân công cán bộ tăng cường tuần tra, kiểm soát tại những điểm người dân dễ khai thác đất hiếm trái phép để ngăn chặn kịp thời. Đến nay, xã đã giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác đất hiếm trái phép ở mỏ đất hiếm Đông Pao.
Tuy nhiên, trong loạt bài phóng sự điều tra “Buôn bán ngầm đất hiếm” do Báo Tuổi trẻ thực hiện vào tháng 6/2023 cho thấy tình trạng khai thác, mua bán trái phép loạt khoáng sản này vẫn diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp.
Cụ thể, trong phóng sự trên, phóng viên Báo Tuổi trẻ đã tiếp cận được người đàn ông tên Pèng ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu, cạnh mỏ đất hiếm Đông Pao. Và được người này cho biết, có khoảng 8 tạ đất hiếm đào ở mỏ Đông Pao, giá 7.000 đồng/kg.
“Trước đây tôi đã gom hàng Đông Pao cho một ông anh đưa đi Trung Quốc. Khách thích test (kiểm tra) chất lượng thì cứ thoải mái vì đây là hàng tốt nhất rồi", ông Pèng nói với phóng viên Báo Tuổi trẻ.
Theo tiết lộ của ông này, ông chỉ là người thu mua nhỏ lẻ từ dân đào trộm. Sau khi thu gom được đủ chuyến (khoảng vài tấn) sẽ bán cho 1 đầu mối khác ở TP Lai Châu.
Để không bị phát hiện ông Pèng cho biết, ngoài gùi từng ít một thì chỉ có thể chờ đến đêm, trăng sáng để đi đào trộm. Mỗi người đào một ít thì tháng cũng dồn được 30 tấn hàng thô, giá 7 triệu đồng/tấn.
Theo tìm hiểu của Báo Tuổi trẻ, giá đất hiếm ở cạnh mỏ Đông Pao chỉ 7.000 đồng/kg nhưng sau khi đưa xuống TP Lai Châu giá đã được đẩy lên gấp 3 lần, lên tới 22.000 đồng/kg, hàng đã tuyển thành dạng bột thì có giá 50.000 đồng/kg, thường được thu bởi người Trung Quốc.
Ngoài ra, ở Lai Châu, Báo Tuổi trẻ còn phản ánh về tình trạng mua bán, khai thác đất hiếm ở khu vực xã Tân Hương, huyện Yên Bình, Yên Bái. Khu vực mỏ này đã được đào “trộm” 2 vạn tấn cho Trung Quốc với giá 24 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, còn một số vị trí đào đất hiếm ở tỉnh Phú Thọ cũng được tờ báo trên nhắc đến trong bài phản ánh.
Để qua mắt lực lượng chức năng, những đường dây mua bán đất hiếm, này có rất nhiều mánh khoé tinh vi. Thậm chí quy định chỉ giao dịch bằng tiền mặt, đô la Mỹ hoặc bằng vàng và bất động sản để ko bị phát hiện.
Trước phản ánh của Báo Tuổi trẻ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị 5 tỉnh gồm: Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ và Thanh Hóa khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh tình trạng buôn bán, khai thác trái phép đất hiếm.
Văn bản nêu rõ, vừa qua các cơ quan báo chí phản ánh về hoạt động buôn bán, khai thác trái phép đất hiếm trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ và Thanh Hóa. Một số đối tượng đã tổ chức khai thác trái phép, tuyển, chiết suất và buôn bán tinh quặng đất hiếm từ khu vực xã Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu) cạnh mỏ đất hiếm Đông Pao và khu vực xã Tân Hương, huyện Yên Bình, Yên Bái với khối lượng quặng tinh sau tuyển lớn. Ngoài ra, hoạt động khai thác trái phép nêu trên của các đối tượng được phản ánh là xuất phát từ việc đào trộm, đào hạ cốt nền có người bảo lãnh.
Trong văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn. Vì vậy, bộ đề nghị UBND các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin phản ánh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm;
UBND tỉnh Lào Cai chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, tuyển, tiêu thụ quặng đất hiếm; tăng cường hơn nữa công tác giám sát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh gửi thông tin về đơn vị này trước ngày 29/7 để tổng hợp, theo dõi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói ông cảm thấy khá bất ngờ khi tình trạng đất hiếm - loại khoáng sản chiến lược, tạo lợi thế phát triển của quốc gia - đang bị đào trộm, rao bán ngầm qua chợ đen.
Bởi từ năm 2012 đã có chỉ thị 02 yêu cầu việc khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, mọi hành vi buôn bán ngầm đất hiếm là bất hợp pháp.
Ông đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh và xử lý nghiêm. Đồng thời làm rõ vì sao các mỏ được cấp phép thì gặp khó khăn, hoặc được cấp phép rồi còn chưa khai thác được mà thị trường ngầm lại sôi động đến như vậy.
"Vậy liệu có ai đằng sau tiếp tay cho những đối tượng trộm cắp khoáng sản quý giá này không? Cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai", ông Hòa đề nghị.
Còn theo Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, một số đối tượng đã lợi dụng vào việc quản lý sơ hở của chính quyền địa phương để khai thác đất hiếm theo kiểu "thổ phỉ", sau đó mang bán sang Trung Quốc. Thậm chí, trước đây có trường hợp người dân còn khoác ba lô chứa quặng đất hiếm bán sang biên giới.
Phó Ban Dân nguyện cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ.
"Việc khai thác, buôn bán đất hiếm trái phép như vậy thể hiện sự yếu kém trong quản lý của địa phương. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ xem có tình trạng bảo kê cho các đối tượng khai thác theo kiểu "thổ phỉ" không? Hay có vấn đề lợi ích nhóm, cùng ăn chia? Cần vào cuộc càng sớm càng tốt để chấm dứt ngay nạn chảy máu tài nguyên này", ông Nhưỡng nói.
T/H