Thứ năm, 02/05/2024 21:03 (GMT+7)
Thứ hai, 25/09/2023 10:57 (GMT+7)

Khai thác, xuất khẩu đất hiếm: Làm sao để xứng với tiềm năng?

Theo dõi KTMT trên

Trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam ước tính đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Nhưng những năm qua, việc khai thác và xuất khẩu loại khoáng sản đặc biệt này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

“Át chủ bài” giúp Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng

Theo thông tin của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió…

Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của cả thế kỷ XXII. Theo một số nghiên cứu, thị trường đất hiếm thế giới có trị giá khoảng 8,1 tỷ USD và sẽ tăng lên đến 14,4 tỷ USD vào năm 2025.

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao. Với trữ lượng tài nguyên này, Việt Nam có những cơ hội, lợi thế để khai thác, hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng.

Ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, hiện nay trữ lượng đất hiếm trên trái đất đạt khoảng 120 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng nhiều nhất với 44 triệu tấn, thứ 2 là Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn)…

Khai thác, xuất khẩu đất hiếm: Làm sao để xứng với tiềm năng? - Ảnh 1

Biểu đồ Top 7 quốc gia có trữ lượng đất hiếm cao nhất thế giới
(Nguồn: US Geological Survey).

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Chính phủ, thời gian này Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. Các đề án thăm dò được chấp thuận tại Lai Châu, ngoài ra còn ở một số mỏ có nhiều tiềm năng. Giai đoạn từ 2031 - 2050, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai.

Theo quy hoạch, tổng sản lượng khai thác giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 sẽ đạt khoảng 2,112 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.

Trong 1 bài viết đăng tải trên báo Dân trí, ông Đỗ Cao Bảo, một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT cho biết, giá đất hiếm gần đây đã tăng vọt gấp 10 lần so với trước, từ mức chỉ 14.000 USD/tấn tăng lên 110.000 USD/tấn (Neodymium oxide 66.000 USD/tấn, Oxit Dysposi 274.000 USD/tấn).

Theo ông Bảo, thử làm một bài toán đơn giản sẽ thấy đất hiếm của Việt Nam có giá trị cao hơn hẳn, nếu tính giá trung bình hiện tại 110.000 USD/tấn, thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD, một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế đất nước.

Nguyên nhân chưa khai thác hiệu quả tiềm năng

Ở Việt Nam, đất hiếm được phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có các mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm.

Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở Lào Cai. Một số mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng…

Hiện nay, ở Việt Nam có 2 mỏ đất hiếm được cấp phép khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái). Tuy nhiên, nhưng qua 10 năm 2 mỏ này vẫn nằm ám binh bất động.

Khai thác, xuất khẩu đất hiếm: Làm sao để xứng với tiềm năng? - Ảnh 2
Đất hiếm được phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc.

Đánh giá về việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam trong 1 bài phỏng vấn với Vnexpress, ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục phó Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bày tỏ sự tiếc nuối khi Việt Nam chưa khai thác được đất hiếm sau hơn 10 năm phát hiện đất hiếm dạng hấp phụ ion. “Càng nuối tiếc hơn khi trữ lượng đất hiếm ở nước ta thuộc nhóm lớn nhất thế giới mà những lợi ích từ nó mang lại gần như là con số 0”, ông Nguyên nói.

Nói về nguyên nhân mấu chốt của việc chưa khai thác được đất hiếm ở Việt Nam, Tổng cục phó Địa chất và Khoáng sản cho rằng có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, doanh nghiệp đã có giấy phép thăm dò khai thác nhưng lại không có công nghệ chế biến sâu. Điều này khiến họ loay hoay tìm công nghệ chế biến trong suốt thời gian qua. Đây cũng là rào cản lớn nhất để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ hai, không khó để thấy doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quyết tâm đầu tư, chưa đặt ra chiến lược nghiên cứu và tiếp cận công nghệ chế biến quặng đất hiếm một cách thực sự quyết liệt.

Thứ ba là cơ chế, chính sách. Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về chiến lược địa chất, khoáng sản ngày 2/10/2021 có nhắc đến việc duy trì hoạt động khai thác đất hiếm, nhưng mới dừng lại ở tính định hướng mà thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là việc đầu tư cho nghiên cứu, hợp tác quốc tế phục vụ riêng cho loại khoáng sản đặc biệt này.

Lấy ví dụ, lãnh đạo Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao (tỉnh Lai Châu) chỉ chế biến đạt tỷ lệ 40%, trong khi quy định xuất khẩu tối thiểu là 95% và chủ trương của Chính phủ là không được bán đất hiếm dạng thô. Doanh nghiệp đã làm việc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để hợp tác, khai thác và chế biến sâu đất hiếm, tuy nhiên đều thất bại vì đối tác không chứng minh được năng lực công nghệ, hoặc không chuyển giao công nghệ vì đó là bí mật, tài sản riêng của họ, mất rất nhiều công sức, tiền của nghiên cứu.

Xét trong bối cảnh như vậy, theo ông Nguyên nên để các tổ chức, cá nhân trong nước chủ động đầu tư nghiên cứu. Nếu chỉ hợp tác khai thác mà không chuyển giao công nghệ chế biến đất hiếm thì khác gì bán khoáng sản thô.

Hiện nước ta có một số đơn vị trong và ngoài nhà nước đã nghiên cứu thành công chế biến sâu ở quy mô phòng thí nghiệm. Để có thể triển khai ở quy mô công nghiệp buộc phải thử nghiệm ở thực địa. Nếu muốn thử nghiệm ở thực địa thì cần có sự cho phép của công ty được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm (chủ mỏ), cơ quan chức năng tỉnh có mỏ rồi mới cấp đất, cấp khoáng sản phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng, quá trình này tương đối tốn kém và cần nhiều thủ tục hành chính.

Vậy nên viên gạch đầu tiên trong quá trình nghiên cứu phải do cơ quan quản lý đặt bằng cách tạo cơ chế thuận lợi nhất trong việc phối hợp giữa chủ mỏ và cơ quan nghiên cứu, hoặc cho phép cơ quan nghiên cứu được tiến hành những mẫu thử nghiệm trong các kiểu mỏ đất hiếm ở khu vực mà đã có kết quả điều tra bằng nguồn vốn ngân sách.

Được biết, dự kiến giai đoạn đến năm 2030 Việt Nam sẽ  hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Để chế biến tổng các ôxit đất hiếm (TREO) sẽ đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện- chế biến đất hiếm tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai với các sản phẩm chế biến đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000- 60.000 tấn/năm.

Còn với đất hiếm riêng rẽ (REO) sẽ đầu tư mới các dự án chiết tách- chế biến tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp với các sản phẩm chế biến đất hiếm riêng rẽ, đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000- 60.000 tấn/năm.

Trong giai đoạn 2031-2050, căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có, tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm. Tổng các ôxit đất hiếm (TREO) đạt từ 40.000- 80.000 tấn/năm; đất hiếm riêng rẽ (REO) đạt từ 40.000- 80.000 tấn/năm.

Với kim loại đất hiếm, đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm nhà máy đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500- 10.000 tấn/năm.

H. An

Bạn đang đọc bài viết Khai thác, xuất khẩu đất hiếm: Làm sao để xứng với tiềm năng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.