Indonesia thiết lập chính sách mới giúp tài trợ các dự án phục hồi rừng ngập mặn
Indonesia đang chuẩn bị các quy định để hỗ trợ tài chính cho một chương trình phục hồi rừng ngập mặn từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, như một phần của nỗ lực trung hòa carbon trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Rừng ngập mặn của Indonesia chiếm 1/4 diện tích rừng ngập mặn của thế giới. Theo đó, Indonesia nắm giữ 75%-80% tín chỉ carbon của thế giới đến từ rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, rạn san hô và những nơi khác.
Đối với rừng ngập mặn, Indonesia có 332 triệu ha đất, chiếm 48% tổng số rừng ngập mặn ở châu Á, 20% tổng số rừng ngập mặn của thế giới. Indonesia cũng có tới 250 loài rừng ngập mặn. Tuy nhiên vào tháng 7 năm nay, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN công bố khu vực này đã đánh mất khoảng 1/3 diện tích rừng ngập mặn chỉ trong vòng 4 thập niên (1980-2020).
Do đó, việc bảo tồn rừng ngập mặn trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, áp lực kinh tế ngày càng tăng từ nuôi trồng thủy sản và du lịch vẫn dẫn đến nạn phá rừng. Một trong những lí do là việc chuyển đổi các khu vực rừng ngập mặn sang sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản được coi là một hoạt động kinh tế có lợi. Đông Kalimantan là một trong những khu vực biên giới đang phải đối mặt với hoạt động cân bằng này nhằm bảo vệ hệ sinh thái trong khi duy trì nền kinh tế.
Vào tháng 3, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu khởi động một trong những chiến dịch lớn nhất thế giới để khôi phục rừng ngập mặn, nhằm mục tiêu phủ xanh 150.000 ha rừng mỗi năm trên phạm vi 9 tỉnh để giúp hấp thụ khí thải carbon, từ nay cho đến năm 2024. Cũng theo ông Hartono, hiện nước này có khoảng 3,3 triệu ha rừng ngập mặn, với hơn 600.000 ha trong tình trạng nguy cấp. Nguyên nhân chính của sự suy thoái này là do tình trạng khai thác gỗ và chuyển đổi đất bất hợp pháp.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng là quốc gia có quần đảo lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060 hoặc sớm hơn.
Năm nay, Chính phủ đã đặt mục tiêu khôi phục 150.000 ha rừng ngập mặn, nhưng đã cắt giảm mục tiêu đó xuống còn 33.000 ha do ngân sách nhà nước hạn chế về kinh phí do Chính phủ phân bổ lại quỹ để đối phó với đại dịch coronavirus.
Phát biểu trong một cuộc họp bên lề Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho rằng: “Tất cả chúng ta, kể cả các nước phát triển, cần có những bước đi cụ thể hơn trong việc kiểm soát khí hậu, nhất là hỗ trợ kinh phí cho các nước đang phát triển nhằm chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo”.
Tổng thống Jokowi bày tỏ hy vọng rằng nguồn tài trợ thích ứng trị giá 100 tỉ USD từ các nước phát triển cần được đáp ứng ngay lập tức nhằm thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông, trong những năm gần đây, Indonesia đã có những bước đi cụ thể về mặt kiểm soát khí hậu. Tỉ lệ phá rừng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và tỉ lệ cháy rừng giảm tới 82%. Indonesia cũng sẽ khôi phục 64.000 ha đất ngập mặn – điều rất quan trọng do rừng ngập mặn lưu trữ carbon gấp 3-4 lần so với đất than bùn.
Hartono, Giám đốc Cơ quan Phục hồi Rừng ngập mặn Indonesia cho biết, cơ quan này đang xây dựng một quy định để việc phục hồi rừng ngập mặn có thể được thực hiện theo nhiều chương trình tài trợ khác nhau.
Ước tính, chương trình phục hồi thiên nhiên sẽ cần 38 nghìn tỉ rupiah (tương đương 2,7 tỉ USD) vào năm thứ 3, mà cơ quan này dự kiến sẽ chỉ được tài trợ một phần từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đang hy vọng quy định sẽ sớm được ban hành vào đầu năm 2022.
Trước đó, một nghiên cứu của Chính phủ cho thấy, Indonesia sẽ cần đầu tư từ 150 tỉ đến 200 tỉ USD mỗi năm vào các chương trình carbon thấp trong vòng 9 năm tới để đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2060 hoặc sớm hơn.
Để giúp đạt được mục tiêu của mình, Indonesia sẽ bắt đầu tính thuế carbon vào tháng 4 tới đối với các nhà vận hành nhà máy nhiệt điện than có mức phát thải carbon trên mức giới hạn do Chính phủ quy định. Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho biết, họ cũng có kế hoạch không cho phép buôn bán carbon xuyên biên giới cho đến khi đạt được các mục tiêu giảm khí nhà kính của riêng mình.
Lan Anh (T/h)