IMF: Thuế carbon có thể giúp các nước châu Á giảm lượng khí thải
Thuế carbon tạo ra động lực để các hộ gia đình và doanh nghiệp chuyển sang dùng năng lượng sạch hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy đầu tư xanh.
Ngày 15/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng việc đánh thuế carbon có thể giúp các nước châu Á đạt được mục tiêu của những nước này về giảm lượng khí thải trong thập kỷ tới theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại một sự kiện do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tổ chức, bà Georgieva cho biết ngày càng có nhiều quan điểm nhất trí rằng thuế carbon là biện pháp mang lại hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất trong các biện pháp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những nguyên nhân làm Trái Đất ấm lên.
Theo bà Georgieva, bằng cách tăng giá năng lượng nói chung, thuế carbon tạo ra động lực để các hộ gia đình và doanh nghiệp chuyển sang dùng năng lượng sạch hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy đầu tư xanh và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
IMF hiện đang kêu gọi các nước có lượng phát thải lớn nhất thế giới phê chuẩn mức trần phát thải nhằm đảm bảo làm chậm lại đáng kể tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo bà Georgieva, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chứng kiến nền nhiệt tăng nhanh và ngày càng xảy ra nhiều thảm họa thiên tai liên quan tới biến đổi khí hậu, nhiều hơn so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng nghèo đói và làm trầm trọng thêm tình hình mất an ninh lương thực ở khu vực này.
Tuy nhiên, người đứng đầu IMF nhận định việc các nước trong khu vực tăng cường chuyển sang nền kinh tế xanh có thể giúp phục hồi nền kinh tế trước các tác động của đại dịch Covid-19.
Thuế carbon cũng có thể tạo ra doanh thu đáng kể, nhưng những nước có thể sử dụng các biện pháp khác, ví dụ như Trung Quốc đánh thuế đối với than đá, có thể góp phần làm giảm lượng khí thải.
Minh Châu