Thứ sáu, 28/06/2024 00:43 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/06/2024 08:00 (GMT+7)

Hướng tới cộng đồng – Nét đẹp người làm báo Kinh tế Môi trường

Theo dõi KTMT trên

Đối với những người làm báo tại Tạp chí Kinh tế Môi trường, mỗi một bài viết, chương trình, sự kiện đều hướng tới cộng đồng, hướng tới việc phụng sự bạn đọc và cao cả hơn hết là phụng sự đất nước.

Ngày 21/6/1925, Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” - Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua lịch sử thăng trầm của đất nước. Và đến nay, báo chí Cách mạng Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập cùng thế giới.

18 năm trước (năm 2006), Tạp chí Kinh tế Môi trường (cơ quan của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) được ra đời, mang trên mình sứ mệnh tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Và đến nay, trong thời điểm vấn đề môi trường, ô nhiễm không khí mang tính cấp bách toàn cầu, sứ mệnh của Tạp chí Kinh tế Môi trường càng nặng nề. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Nguyễn Văn Chương, Tổng thư ký Tòa soạn, Thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Áp lực trong “cuộc đua” phụng sự độc giả

Thưa ông, nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), ông có thể nêu cảm xúc và suy nghĩ của mình về nghề báo?

Nhà báo Nguyễn Văn Chương: Cách đây không lâu, trao đổi bên lề Hội báo toàn quốc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh khẳng định, mỗi người làm báo cần nêu cao tinh thần làm nghề vì lý tưởng, mục đích cao quý phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, nhân dân. Điều đó chỉ có thể có được khi chúng ta thấm nhuần tinh thần làm nghề phải có trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức người làm báo. Đúng vậy, mỗi cơ quan báo chí đều có tôn chỉ mục đích riêng, mỗi một nhà báo đều có một lý tưởng riêng. Nhưng, dù tôn chỉ mục đích khác nhau, dù đường đi khác nhau nhưng mục đích cao quý nhất của người làm báo chính là phụng sự bạn đọc, phục vụ cộng đồng, đất nước và nhân dân.

Nghề báo là một trong những nghề cao quý những đối diện với nhiều áp lực, nguy hiểm. Và, tôi cho rằng cái áp lực lớn nhất của nghề báo chính là “cuộc đua” làm sao có thể phụng sự độc giả tốt nhất. Báo chí hiện đại luôn phải đổi mới từ nội dung đến hình thức, cách trình bày, cách thể hiện định dạng mới để giúp độc giả, người dân tiếp cận một cách dễ dàng nhất, thuận tiện nhất và nhanh chóng nhất. Vì thế, “cuộc đua” này của báo chí sẽ giúp độc giả hưởng lợi. Chính áp lực này sẽ giúp các cơ quan báo chí và người làm báo ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Hướng tới cộng đồng – Nét đẹp người làm báo Kinh tế Môi trường - Ảnh 1
Nhà báo Nguyễn Văn Chương, Tổng thư ký Tòa soạn, Thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Ông hãy chia sẻ để độc giả hiểu thêm thêm về báo chí và công tác truyền thông trong lĩnh vực môi trường?

Nhà báo Nguyễn Văn Chương: Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường đang được quan tâm và coi như một nhiệm vụ cơ bản, cấp bách nhằm duy trì và phát triển bền vững của xã hội hiện tại và tương lai. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nhưng vấn đề này đang đứng trước những thách thức to lớn. Bởi, vấn đề môi trường hiện nay đã mang tính báo động trên toàn cầu.

Tôi cho rằng, đứng trước vấn đề này, các chính sách, quy định, chế tài của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để giúp những chính sách đó lan tỏa sâu, rộng thì công tác truyền thông về môi trường cần phải thực hiện một cách xuyên suốt. Trong đó, báo chí là một kênh truyền thông then chốt. Có tác động trực tiếp và cả gián tiếp làm thay đổi thái độ hoặc hành vi của con người trong cộng đồng.

Hiện nay, thời 4.0, các kênh mạng xã hội đang phát triển rầm rộ, cung cấp thêm nhiều kiến thức, thông tin cho người dân. Tuy nhiên, nói gì đi chăng nữa, đây là những kênh chưa chính thống, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng và những người đọc cần phải có kiến thức để chọn lọc thông tin. Vì vậy, báo chí thực hiện chức năng là tham gia quản lý, giám sát, phản biện xã hội, là kênh thông tin chính thống góp phần phản ánh toàn diện và kịp thời thực trạng môi trường và các hoạt động quản lý môi trường. Bên cạnh đó, nhờ tính đại chúng, tính công khai – minh bạch của báo chí đã làm tăng thêm sự quan tâm của công chúng đến vấn đề môi trường. Từ đó, dư luận xã hội được hình thành và thể hiện cụ thể trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Để đạt được điều đó, trước hết là sự nhiệt huyết, quyết tâm không ngừng của các nhà báo, phóng viên.

Hướng tới cộng đồng – Nét đẹp người làm báo Kinh tế Môi trường - Ảnh 2
Tạp chí Kinh tế Môi trường và các nhà tài trợ đã trao quà và trồng cây tại trường Tiểu học Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Sự kiện này trong khuôn khổ giải Bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần I-2020.

Báo chí hướng tới cộng đồng

Thưa ông, Tạp chí Kinh tế Môi trường luôn đánh giá là cơ quan báo chí hàng đầu về lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững và luôn hướng đến cộng đồng. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

Nhà báo Nguyễn Văn Chương: Đúng vậy, 18 năm kể từ ngày xuất bản số báo đầu tiên, Tạp chí Kinh tế Môi trường luôn xác định vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững và hướng  tới cộng đồng là mục tiêu xuyên suốt, cốt lõi. Chính vì vậy, trong công tác truyền thông hàng ngày và tất cả các sự kiện, Tạp chí luôn truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường và hướng tới cộng đồng.

Tôi xin lấy ví dụ, vào đợt cao điểm dịch Covid-19, Tạp chí Kinh tế Môi trường, Quỹ Gieo mầm xanh hạnh phúc phối hợp với Quỹ Y tế 9295 trao tặng 20.000 khẩu trang y tế, 1.000 găng tay Latex nhập khẩu Thái Lan cho Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; trao tặng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 10.000 khẩu trang y tế 4 lớp; 2.000 găng tay Ansell 92 -760.

Tại giải Bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần I-2020, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã huy động tài trợ ủng hộ 265 triệu đồng cho đồng bào miền Trung. Bên cạnh đó, Tạp chí còn trồng cây xanh tại các tỉnh thành trên cả nước để thế hệ sau sẽ được thụ hưởng. Trong khi đó, nhân dịp giải Bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần II-2022, Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng đã tổ chức trao quà thiện nguyện cho các học sinh nghèo tại Nghệ An và huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Mới đây nhất, Giải golf Kinh tế Môi trường – Vì cộng đồng năm 2024 đã được tổ chức vào tháng 4/2024 nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Tại giải golf này, ngoài công tác chuyên môn, Ban tổ chức đã đưa ra các vật phẩm để đấu giá nhằm ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn, các thương bệnh binh tai, người yếu thế trong xã hội…

Dẫn chứng ra các sự kiện trên để thấy rằng, ngoài công tác chuyên môn là tuyên truyền, cập nhật thông tin, các hoạt động của tạp chí Kinh tế Môi trường đều hướng đến cộng đồng.

Đối với người làm báo tại Tạp chí Kinh tế Môi trường, quan điểm làm báo vì cộng đồng đã được hun đúc qua từng ngày tháng, được thấm thuần từ Ban biên tập đến từng phóng viên. Chúng tôi luôn quan niệm làm báo để phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Và, mỗi bài viết phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hà Lan (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Hướng tới cộng đồng – Nét đẹp người làm báo Kinh tế Môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới