Thứ sáu, 22/11/2024 01:08 (GMT+7)
    Thứ năm, 01/08/2024 16:50 (GMT+7)

    Bài 2: Từ chính sách đến đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở Ân Thi (Hưng Yên)

    Theo dõi KTMT trên

    Những quy định về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững. Thế nhưng, qua khảo sát ở huyện Ân Thi (Hưng Yên), cho thấy thực tiễn quản lý đất đai còn khá nhiều bất cập.

    Luật Đất đai 2013 có nhiều quy định cụ thể về phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất, người chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng đất, người chịu trách nhiệm đối với đất được giao để quản lý, những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai. 

    Từ những thực trạng và đánh giá tính cấp thiết của vấn đề trên, Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục triển khai tuyến bài chuyên đề về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói chung, đồng thời làm rõ góc nhìn từ công tác sử dụng đất nông nghiệp trong tác động kinh tế - môi trường ở địa phương. Để minh chứng cho chuyên đề, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã khảo sát thực tiễn một số địa phương, trong đó có địa bàn huyện Ân Thi (Hưng Yên). Qua thu thập tư liệu và đánh giá hiện trạng, cho thấy Ân Thi đang tồn tại nhiều bất cập trong công tácquản lý đất đai, nhất là về thực trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

    Công tác bàn giao, sử dụng đất nông nghiệp - Từ chính sách đến thực tiễn ở Đặng Lễ

    Căn cứ Điều 57 Luật Đất đai 2013, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều 59 Chương V, Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định về cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau: UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. 

    Quy định là như vậy, nhưng tại xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi vẫn để xảy ra hành vi giao đất trái thẩm quyền, cụ thể là cấp thôn giao đất nông nghiệp cho người dân làm đất ở. Chủ tịch UBND xã cũng ký tên, đóng dấu vào biên bản có nội dung bàn giao đất của thôn.

    Bài 2: Từ chính sách đến đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở Ân Thi (Hưng Yên) - Ảnh 1
    Toàn cảnh ngôi nhà và sân vườn của gia đình ông Sang ở khu ao công ích thôn Đặng Đinh, xã Đặng Lễ.

    Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã phản ánh thực trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên diện tích ao công ích, đất nông nghiệp tại địa bàn huyện Ân Thi. Sau khi tìm hiểu, tiếp cận một số giấy tờ liên quan đến việc lấn chiếm đất 03, phóng viên tiếp tục tìm ra nhiều nghi vấn xoay quanh việc bàn giao, chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp xảy ra tại địa phương này.

    Trong đó có biên bản do người dân cung cấp mang tên “Đổi đất cũ sang đất mới” được lập ngày 19/8/2019 tại nhà văn hóa thôn Đặng Đinh, xã Đặng Lễ. Nội dung biên bản về việc bàn giao, đổi đất cho gia đình ông Trần Trọng Sang là người dân địa phương.

    Cụ thể, gia đình ông Trần Trọng Sang đã xây dựng nhà kiên cố ở khu ao công ích của địa phương (được người dân quen gọi là ao cá Bác Hồ). Tổng diện tích sân, vườn và nhà rộng đến vài trăm mét vuông.

    Có thể hiểu, đất ao là khu đất trũng được hình thành do tự nhiên hoặc nhân tạo, có nước đọng lại tạo thành ao. Đất ao có thể gắn liền với thửa đất ở hoặc đang có nhà trên đất hoặc đứng riêng biệt. Việc xây dựng nhà ở trên đất ao (trường hợp không được công nhận là đất ở) được xác định là hành vi sử dụng đất sai mục đích.

    Thông thường, đất ao được sử dụng để nuôi trồng thủy sản và theo Điều 10 Luật Đất đai 2013 thì đất ao thuộc nhóm đất nông nghiệp.

    Trường hợp đất ao của hộ gia đình, cá nhân nằm cùng thửa đất đã có nhà ở thì được công nhận là đất ở theo khoản 1 Điều 103 Luật Đất đai 2013.

    Theo Điều 6 Luật Đất đai 2013, nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.

    Theo quy định này, trường hợp trên thực tế đất ao sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản và không thuộc trường hợp được công nhận là đất ở thì được xác định là đất nông nghiệp. Khi đó, người dân không được tự ý xây dựng nhà ở trên đất ao.

    Ngày 19/8/2019, thôn Đặng Đinh lập biên bản “Đổi đất cũ sang đất mới” cho gia đình ông Trần Trọng Sang, người lập là Phó Trưởng thôn (lập thay Trưởng thôn). Trên biên bản có phần chữ ký của Chi hội trưởng nông dân, địa chính thôn, công an viên, chi hội trưởng cựu chiến binh và một số người khác. Đặc biệt, có chữ ký và đóng dấu của Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ. Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Cương, Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ xác nhận đã ký tên, đóng dấu vào biên bản nói trên.

    Bài 2: Từ chính sách đến đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở Ân Thi (Hưng Yên) - Ảnh 2
    Biên bản "Đổi đất cũ sang đất mới" được lập ngày 19/8/2019 tại thôn Đặng Đinh (bản do người dân cung cấp).

    Theo nội dung trong biên bản, gia đình ông Sang bàn giao lại cho thôn mảnh đất và nhà ở cũ (tổng diện tích 264m2) tại phía Bắc khu Đình Thượng và nhà lưu niệm của địa phương. Thôn đổi và giao cho gia đình ông Sang mảnh đất có tổng diện tích 300m2 thuộc khu ao cá Bác Hồ. Đây là mảnh đất mà chính gia đình ông Sang đã lấn chiếm và xây dựng nhà ở trước đó.

    Trong biên bản nêu rõ: “Cán bộ thôn đã gặp gỡ gia đình ông Sang, gia đình cũng thống nhất đồng ý để đổi mảnh đất mà gia đình đã lấn chiếm và xây dựng nhà ở, thuộc khu vực phía Bắc ao cá Bác Hồ”. Một đoạn khác trong biên bản ghi rằng: “Gia đình ông Sang đã bàn giao đất và nhà cũ cho thôn và đã nhận đủ diện tích đất mới với địa phương, với phương thức đổi sang hòa không có gì đền bù cho địa phương. Về phía địa phương có trách nhiệm với gia đình ông Sang. Nếu xảy ra đơn thư khiếu kiện, địa phương có trách nhiệm đứng ra giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho gia đình”.

    Với những nội dung trong biên bản, nhiều câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao địa phương tổ chức giao đất “lấn chiếm” cho gia đình ông Sang? Việc đổi đất này đã được sự phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hay chưa? Gia đình ông Sang lấn chiếm đất là hành vi sai phạm, vì sao thôn lại đứng ra chịu trách nhiệm đảm bảo “quyền lợi chính đáng” cho gia đình khi đổi đất?

    Điều 208, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương”. Vậy tại sao Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ vẫn ký tên, đóng dấu vào biên bản giao đất kể trên?

    Ngày 4/7, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với ông Đỗ xuân Cương, Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Xuân Cương xác nhận đã đọc kỹ biên bản kể trên. Tuy nhiên, ông giải thích rằng: “Biên bản này của người ta ghi chứ tôi không ghi, tôi chỉ xác nhận là UBND xã nhất trí với đề nghị của thôn. Đề nghị thôn và gia đình hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền để làm thủ tục chuyển đổi, còn biên bản ghi gì thì thôn phải chịu trách nhiệm’’.

    Phóng viên đã làm việc với ông Trần Ngọc Ứng, Phó trưởng thôn Đặng Đinh là người lập biên bản. Ông Trần Ngọc Ứng cho biết: “Tôi chỉ là người đại diện viết biên bản đấy, còn các lãnh đạo ở trên nói và chỉ đạo tôi mới dám làm chứ tôi làm sao mà quyết định được’’.

    Liên quan đến việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, địa bàn xã Đặng Lễ còn có trường hợp của gia đình bà Đặt ở thôn Đới Khê. Gia đình bà Đặt xây nhà kiên cố tại khu ao công ích của địa phương, mới đây đã lấn chiếm thêm 1 phần diện tích bên cạnh để trồng cây và chăn nuôi. Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân địa phương bày tỏ nghi vấn liệu có sự tiếp tay nào để nhà bà Đặt lấn chiếm xây công trình như vậy không?

    Bài 2: Từ chính sách đến đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở Ân Thi (Hưng Yên) - Ảnh 3
    Ngôi nhà (có mái màu xanh) và sân vườn của gia đình bà Đặt nằm trên khu ao công ích tại thôn Đới Khê, xã Đặng Lễ.

    Nghi vấn “gom” đất nông nghiệp, san lấp trái quy định - Góc nhìn từ hành vi làm biến dạng địa hình, phá vỡ quy hoạch

    Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2013, việc sử dụng đất nông nghiệp nghiêm cấm các hành vi: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai; Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Trong đó, tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP giải thích: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

    Cụ thể các trường hợp làm biến dạng địa hình: Thay đổi độ dốc bề mặt đất; Hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; San lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề.

    Theo phản ánh của người dân địa phương, ông Đỗ Xuân Cương, Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ đã mua rất nhiều ruộng 03 của người dân ở thôn Thọ Hội. Ông Cương san lấp, đào ao, xây tường bao xung quanh và trồng cây lâu năm khiến nhiều người dân bức xúc.

    Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Cương xác nhận có mua nhiều ruộng 03 của dân và đã làm xong chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, khi phóng viên xin tiếp cận với giấy tờ chuyển đổi thì từ ngày 4/7 đến nay, ông Cương vẫn chưa cung cấp được bất cứ giấy tờ (quyết định) về việc được các cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc diện tích đã thu gom theo đề xuất được tiếp cận của phóng viên.

    Bài 2: Từ chính sách đến đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở Ân Thi (Hưng Yên) - Ảnh 4
    Khu đất nông nghiệp được ông Đỗ xuân Cương, Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ mua lại và xây tường bao, đổ thêm đất, trồng nhiều loại cây lâu năm.

    Điều 191 của Luật Đất đai 2013 quy định nhiều trường hợp “không được chuyển nhượng hoặc tặng quyền sử dụng đất nông nghiệp”. Trong đó có quy định: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Người dân địa phương đặt nghi vấn việc mua đất nông nghiệp của ông Đỗ Xuân Cương có đúng với quy định không? Liệu rằng những diện tích đất 03 mà ông Cương đã san lấp, đào ao, xây tường và trồng cây lâu năm có thực sự được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chưa?

    Qua khảo sát thực tiễn để minh chứng cho tuyến bài chuyên đề về quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp ở địa phương, cho thấy, tại huyện Ân Thi, đang tồn tại những vấn đề bất cập về việc bàn giao, chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể tại địa bàn xã Đặng Lễ. Với chức năng tư vấn, phản biện chính sách, phổ biến quy định pháp luật về hoạt động liên quan kinh tế - môi trường, kính mong UBND tỉnh Hưng Yên và UBND huyện Ân Thi, cùng các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc kiểm tra, làm rõ, tránh biến tài nguyên đất đai từ tài sản công trở thành thuộc sở hữu trái phép của cá nhân, gây ảnh hưởng công tác quy hoạch và môi trường nông thôn, đồng thời, những tác động mặt trái trong kế hoạch sử dụng đất sẽ là nội hàm tiềm ẩn nguy cơ trong phát triển kinh tế địa phương.

    Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.

    “Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?. Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.

    Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

    Thu Hiền

    Bạn đang đọc bài viết Bài 2: Từ chính sách đến đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở Ân Thi (Hưng Yên). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

    Tin mới

    Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
    UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.