Thứ sáu, 29/03/2024 17:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/11/2021 07:00 (GMT+7)

Huế phấn đấu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024

Theo dõi KTMT trên

UBND thành phố Huế và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) vừa phối hợp tổ chức hội thảo khởi động dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”.

Hội thảo cũng đã nêu các kết quả đánh giá ban đầu về hệ thống quản lý chất thải rắn ở thành phố Huế nói chung và rác thải nhựa nói riêng; Cũng như một số định hướng can thiệp đối với hệ thống quản lý chất thải rắn cho thành phố Huế trong tương lai.

Thành phố Huế bao gồm cả phần diện tích mở rộng có một hệ thống sông tự nhiên và nhân tạo dày đặc cùng đổ vào đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Đây là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, có giá trị cao về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Hiện nay, khu vực này đã và đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi hoạt động xả thải trực tiếp rác thải trên sông Hương và hoạt động xả thải của các khu vực dân cư sinh sống dọc theo hệ thống các sông chảy qua địa bàn thành phố. 

Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở thành phố Huế rất cao 98% (2020) cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, các nhóm tình nguyện, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế và các bên liên quan khác, ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là một vấn đề môi trường nghiêm trọng ở một số lưu vực sông hồ xung quanh Hoàng Thành, những khu chợ ngoài trời, bãi biển công cộng…

Việc thất thoát rác thải nhựa làm tắc nghẽn các dòng sông và đe dọa các hệ sinh thái và môi trường biển, ven biển. Điều này có tác động tiêu cực đến các lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế, bao gồm du lịch, vận tải biển và nuôi trồng thủy sản. 

Huế phấn đấu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024 - Ảnh 1
Ông Lê Viết Tám - WWF Việt Nam và ông Nguyễn Song - Phó Chủ tịch UBND TP.Huế bắt tay ký cam kết đưa TP.Huế trở thành Đô thị giảm nhựa. (Ảnh: Trung Phan - WWF Việt Nam)

Theo kết quả đánh giá ban đầu của các nhóm tư vấn trong khuôn khổ thực hiện dự án (CRET, 2021) về hệ thống quản lý chất thải rắn ở thành phố Huế nói chung và rác thải nhựa nói riêng cho thấy, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở thành phố Huế khoảng 407,2 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ.

Trong đó, khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở thành phố Huế ước tính vào khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh. Hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là nguồn gây ô nhiễm rác thải nhiều nhất, kể cả về số lượng và khối lượng. 

Ngoài ra, kết quả đánh giá ban đầu còn cho thấy hơn 83% hộ được phỏng vấn ở khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cho rằng rác thải nhựa gây tác hại xấu cho sức khỏe con người. Hơn thế nữa, 59,1% người được phỏng vấn đồng ý và hoàn toàn đồng ý rằng, rác thải nhựa tác động xấu đến môi trường đất và các loại sinh vật biển. 

Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND thành phố Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố Huế bảo vệ các dòng sông, hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương. 

Kết quả mong đợi là đến năm 2024, Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi. Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2021 - 2024 và được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022 - 2024) với mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết: “Huế vinh dự trở thành đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới Sáng kiến các đô thị giảm nhựa. Chúng tôi tin tưởng việc tham gia vào mạng lưới này sẽ giúp thành phố Huế huy động thêm nguồn lực triển khai các hoạt động cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa cũng như có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đô thị khác trong và ngoài nước. Qua đó, hình ảnh của Thừa Thiên Huế sẽ được củng cố trong mắt du khách và bạn bè quốc tế, góp phần cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Huế phấn đấu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.