Thứ bảy, 23/11/2024 05:44 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/12/2020 12:12 (GMT+7)

Hơn 2 tỉ người tại châu Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận nước sạch

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù trong nhiều thập kỷ qua, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận nhiều thành tựu tích cực, nhưng vẫn có khoảng 1,5 tỉ người sống ở khu vực nông thôn và 600 triệu người ở thành thị không được tiếp cận dịch vụ nước sạch và vệ sinh.

Theo báo cáo Triển vọng Phát triển Nguồn nước châu Á (AWDO) 2020 công bố ngày 18/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá rằng, trong số 49 thành viên khu vực của ADB, hiện có 27 nước đang phải đối diện với sức ép về nguồn nước đối với sự phát triển kinh tế và chỉ có 18 nước thành viên vẫn đủ khả năng bảo vệ người dân của mình trước các thảm họa liên quan đến vấn đề nước.

Chính vì điều này, các nền kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải đặt vấn đề an ninh nước lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình nhằm phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng như thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.

Hơn 2 tỉ người tại châu Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận nước sạch - Ảnh 1
Các nền kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải đặt vấn đề an ninh nước lên hàng đầu. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong báo cáo, ADB đưa ra thực trạng an ninh nguồn nước trong khu vực, đo lường mức độ sẵn có của nguồn cung cấp nước an toàn và giá cả hợp lý, điều kiện vệ sinh, cải thiện sinh kế và hệ sinh thái lành mạnh, giảm thiểu các bệnh liên quan đến nước và lũ lụt. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nước đối với phát triển nông thôn bền vững bằng cách thúc đẩy các dịch vụ nước và vệ sinh, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại địa phương.

ADB cũng đề cao tính cấp thiết của việc phải bảo đảm nguồn nước đô thị bằng cách đầu tư vào các dịch vụ cấp nước, vệ sinh và cơ sở hạ tầng không chỉ ở các thành phố mà còn ở các khu ổ chuột và khu vực ngoại vi.

ADB đồng thời kêu gọi cung cấp một môi trường lành mạnh bằng cách giảm đáng kể ô nhiễm, kích thích nền kinh tế vòng tròn, tăng cường bảo vệ đất, áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào thiên nhiên và tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống nước để tránh những thảm họa liên quan đến nước.

Để cải thiện an ninh nguồn nước của khu vực, ADB cho biết đã lập chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật hơn 6 tỉ USD từ năm 2020 đến năm 2022 để hỗ trợ các biện pháp cấp nước, vệ sinh và nước thải an toàn. Đồng thời, ADB cũng đã lập một chương trình trị giá hơn 2 tỉ USD để quản lý rủi ro lũ lụt trong cùng giai đoạn.

Thiếu nước sạch không chỉ là vấn đề riêng của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Dân số bùng nổ, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc nước ngọt tiếp tục suy giảm.

Hơn 2 tỉ người tại châu Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận nước sạch - Ảnh 2
Thiếu nước đang là vấn đề chung của nhân loại. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong suốt thế kỷ 20, hơn một nửa các vùng đất ngập nước trên thế giới đã bị biến mất. Các hệ sinh thái nước ngọt mang đậm tính đa dạng sinh học hiện đang suy giảm nhanh hơn các hệ sinh thái biển và đất liền.

Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Nghiên cứu của UNICEF và WHO cho thấy từ năm 2000 đến nay, có khoảng 1,8 tỉ người đã được tiếp cận với nước uống bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Thế nhưng vẫn còn một số lượng lớn người dân trên khắp thế giới chưa được tiếp cận với nguồn nước uống bảo đảm chất lượng và sẵn có.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết có tới 80 quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng hoặc khó tiếp cận nguồn nước sạch. Theo số liệu mới được cập nhật trên tập bản đồ nguy cơ thiếu nước trên thế giới, các quốc gia trong tình trạng “khát nước trầm trọng nhất” nằm chủ yếu ở vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Qatar là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, theo sau là Israel và Liban.

Giáo sư Peter Gleick, Hiệu trưởng danh dự của Viện Thái Bình Dương, đồng thời là tác giả của cuốn sách “The World’s Water” (Nguồn nước của thế giới), nhận định nếu những nguồn nước cạn kiệt có thể dẫn tới những tình trạng nguy hiểm và có thể dẫn đến hủy diệt nhân loại.

“Tình trạng ấm lên toàn cầu nếu không cải thiện thì đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu 40% lượng nước cần thiết”- Giáo sư Peter Gleick cảnh báo.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Hơn 2 tỉ người tại châu Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận nước sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới