Thứ năm, 28/03/2024 17:40 (GMT+7)
Thứ tư, 24/11/2021 17:16 (GMT+7)

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường”

Theo dõi KTMT trên

Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường” đã được tổ chức vào ngày 24/11.

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) là tổ chức có bề dày hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, được Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) tín nhiệm giao nhiệm vụ tổ chức hội thảo: “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường”. Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia đối với các cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể là các công cụ kinh tế áp dụng trong quản lý môi trường.

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường” - Ảnh 1
Quang cảnh buổi hội thảo điểm cầu Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. 

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ hai điểm cầu: Văn phòng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (số 19, Trung Yên 11A, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành đến từ nhiều địa phương.

Mở đầu buổi hội thảo khoa học, PGS.TS. Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIASSE trình bày báo cáo “Đặc điểm và phân loại công cụ kinh tế môi trường”. Thông qua bản tham luận của mình, PGS.TS Lưu Đức Hải đã đưa ra khái niệm về công cụ kinh tế bảo vệ môi trường (CCKT BVMT). Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, khái niệm CCKT BVMT được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đưa ra lần đầu tiên năm 1994. Theo UNEP thì: “Bất kỳ công cụ nào nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi trong hành vi của các tác nhân kinh tế bằng cách nội tại hóa chi phí môi trường hoặc suy kiệt thông qua thay đổi cơ cấu khuyến khích những tác nhân này phải đối mặt (thay vì bắt buộc một tiêu chuẩn hoặc một công nghệ) đủ điều kiện như một công cụ kinh tế” (Panayotou, 1998).

Khái niệm này sau đó được nhà nghiên cứu Anderson định nghĩa lại chi tiết hơn như sau: “Một công cụ kinh tế cho quản lý môi trường là một chính sách hoặc sự kết hợp của các chính sách cung cấp tài chính và các khuyến khích khác để người sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải trả cho các chi phí xã hội của việc sử dụng đó”. (Trích “Anderson R., Morris G. and Colby M. (2001) The Nature and Role of Economic Instruments in Environmental Management. PSU DRAFT Technical Paper for USAID Project No. 263-0255”).

Trong báo cáo của mình, PGS.TS Lưu Đức Hải cũng trình bày hết sức chi tiết về đặc điểm, cách phân loại của CCKT BVMT trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng. Quá trình ra đời, phát triển của CCKT BVMT tại Việt Nam.

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường” - Ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (giữa) trình bày những quan điểm của mình tại Hội thảo.

Phần trình bày báo cáo của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch VIASEE với chủ đề “Mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường”. Trong báo cáo của mình, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đã làm rõ các khái niệm liên quan đến: Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và Xã hội đối với bảo vệ môi trường; Vai trò Nhà nước, thị trường và xã hội trong bảo vệ môi trường; Những vấn đề đặt ra về vai trò Nhà nước - thị trường và xã hội trong bảo vệ môi trường; Xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong bảo vệ môi trường giai đoạn hiện nay. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, để xử lý mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội đối với bảo vệ môi trường cơ bản phải dựa vào MBA. Để xử lý hài hòa tương quan Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong bảo vệ môi trường (BVMT) cần tiếp tục nâng cao vai trò của nhà nước chủ thể của quản lý môi trường.

Nối tiếp báo cáo của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh là phần trình bày báo cáo của GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học – VIASEE với chủ đề: “Thuế và phí môi trường, lý luận và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam”. Trong báo cáo của mình, GS.TS. Hoàng Xuân Cơ đã trình bày hết sức chi tiết các khái niệm về thuế, phí môi trường. GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng đưa ra quan điểm của mình về việc ai phải trả thuế, phí môi trường. Việc áp dụng thu thuế, phí môi trường có tác động như thế nào đến hành vi cá nhân của những người phải nộp thuế, phí nói riêng nhân loại nói chung.

Đánh giá cụ thể về việc thu thuế, phí BVMT tại Việt Nam, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhận định: “Việt Nam đã thực hiện đánh thuế, phí BVMT. Mặc dù còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công việc này nhưng thuế và phí BVMT Việt Nam đã có tác dụng rõ rệt, góp phần tăng thêm kinh phí cho ngân sách nhà nước, tích cực hỗ trợ cho các hoạt động xử lý chất thải, BVMT. Thuế và phí BVMT còn góp phần hạn chế ô nhiễm, thay đổi hành vi của cả người gây ô nhiễm và người chịu ô nhiễm theo hướng có lợi cho môi trường”.

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường” - Ảnh 3
GS.TS Hoàng Xuân Cơ đưa ra quan điểm của mình về thuế và phí môi trường.

Cũng theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nước ta đã sử dụng công cụ thuế, phí BVMT được hơn 10 năm, đã có những lần sửa đổi, điều chỉnh nhưng vẫn cần nghiên cứu trả lời những câu hỏi liên quan như: Tại sao chúng ta đánh loại thuế, phí đó, đánh thuế, phí với mục đích gì? Còn loại thuế nào cần ban hành (chẳng hạn như thuế carbon) hay không? Mặc dù thuế, phí BVMT đã bao hàm mục đích BVMT nhưng vẫn cần phân tích cụ thể hơn những tác hại khi sử dụng, tiêu thụ các loại mặt hàng chịu thuế.

Những đối tượng nào chịu thuế, phí với mức thuế, phí hợp lý chưa? Hiện nay vẫn có ý kiến mức thuế đối với than đá chưa hợp lý, hay tại sao chưa đánh thuế carbon ở Việt Nam cần được làm rõ bằng các luận cứ khoa học. Đã đến lúc phải làm rõ hơn hiệu quả, lợi ích và cả tác động của việc thu thuế, phí BVMT đến hoạt động sống của con người và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua để có bước hiệu chỉnh công việc ban hành và điều hành thuế, phí BVMT đạt hiệu quả cao hơn trong tương lai.

Từ điểm cầu Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khải – Chủ nhiệm Khoa Môi trường đã gửi đến Hội thảo bản báo cáo với chủ đề: “Đánh giá hiện trạng về phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam”.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khải, hiện nay việc thu phí vệ sinh môi trường (VSMT) chưa triệt để; phần lớn sử dụng ngân sách Nhà nước. Chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển vào khoảng 600 tỉ đồng/năm trong khi tổng nguồn thu từ phí vệ sinh chỉ khoảng 30 tỉ đồng, chiếm 5% tổng số chi. Trên thực tế, nguồn kinh phí thu được từ phí VSMT chỉ đủ chi trả khoảng 20 - 25% chi phí thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị.

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường” - Ảnh 4
Hội thảo đã nghe trình bày 10 bản báo cáo của các chuyên gia đầu ngành về kinh tế môi trường.

Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khải cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này gồm nhiều nguyên nhân như sự thiếu hợp tác của người dân trong vấn đề thu phí chất thải rắn sinh hoạt. Chưa công bằng, khuyến khích hoạt động tự xử lý, giảm thiểu: Các hộ gia đình tự tái chế chất thải phát sinh hàng ngày, vì vậy không phát sinh ra ngoài môi trường nhưng vẫn phải đóng phí tương đương hộ phát sinh nhiều.

Để giải quyết vấn đề này hiện nay, các địa phương đang áp dụng các giá xử lý khác nhau cho các phương pháp xử lý khác nhau.

Sau phần thảo luận, trả lời câu hỏi của các chuyên gia xung quanh các phần trình bày báo cáo của các tác giả trước đó là bản báo cáo của TS. Lại Văn Mạnh (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường) với chủ đề: “Thuận lợi và khó khăn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Trong bài báo cáo của mình, TS. Lại Văn Mạnh đã nêu ra các định nghĩa về kinh tế tuần hoàn, lịch sử ra đời khái niệm kinh tế tuần hoàn. Thực trạng của kinh tế tuần hoàn, các thuận lợi, khó khăn trong vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường” - Ảnh 5
Các đại biểu tham gia hội thảo bằng hình thức trực tuyến từ các điểm cầu trên cả nước.

Tiếp nối là bài báo cáo của PGS.TS Lưu Thế Anh (Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội) với chủ đề: “Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm miến dong riềng của tỉnh Bắc Kạn”.

Trước khi tiến hành thảo luận phiên thứ hai là bài báo cáo của TS. Hoàng Thị Huê – Giảng viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường với chủ đề “Thực trạng và cơ hội ứng dụng công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam”.

Kết thúc phần báo cáo của TS. Hoàng Thị Huê là phần trình bày báo cáo của PGS.TS Lê Đức với chủ đề “Sử dụng hợp lý bùn đỏ trong khai thác, chế biến alumin ở Tây Nguyên”. Phần trình bày báo cáo của PGS.TS Lê Đức nhận được sự quan tâm của các chuyên gia khi đề cập đến một trong vấn đề “nóng” hiện nay.

Hội thảo khép lại với bài báo cáo “Hiệu quả hoạt động của công cụ quỹ bảo vệ môi trường và một số vấn đề cần quan tâm” của ThS. Lê Minh Toàn.

Phát biểu kết thúc hội thảo PGS.TS Lưu Đức Hải gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khi đã tin tưởng giao Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam thay mặt VUSTA đứng ra tổ chức hội thảo lần này. PGS.TS Lưu Đức Hải cũng gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, nhà khoa học đã nhận lời tham gia hội thảo lần này và có những báo cáo hết sức chi tiết, cụ thể đóng góp vào thành công chung của hội thảo.

Hội thảo lần này cũng mở ra hướng đi mới cho việc tổ chức các Hội thảo khoa học nói chung, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nói riêng để tổ chức sự kiện theo hình thức trực tuyến từ nhiều điểm cầu trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nguyễn Cường

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
VIASEE nhận Bằng khen của VUSTA
Sáng 16/3, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trao Bằng khen cho Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.