Thứ bảy, 27/04/2024 08:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/11/2021 16:00 (GMT+7)

VUSTA tổ chức Hội thảo bàn về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và tuyên truyền

Theo dõi KTMT trên

Ngày 5/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo Phổ biến kiến thức "Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và tuyên truyền".

Hội thảo là diễn đàn để những người làm báo, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên đang công tác tại các cơ quan báo chí trong Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng và những người đang công tác tại các cơ quan báo chí nói chung cùng trao đổi, nhận diện những biểu hiện, hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực báo chí và tuyên truyền, từ đó đề ra những giải pháp, góp phần nâng cao đạo đức của nhà báo cũng như trách nhiệm quản lý của các cơ quan chủ quản báo chí.

VUSTA tổ chức Hội thảo bàn về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và tuyên truyền - Ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo Phổ biến kiến thức "Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và tuyên truyền" do VUSTA tổ chức sáng 5/11.

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Vũ Xuân Bân - Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Văn hóa và Phát triển cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có đội ngũ những người làm báo. Dù công nghệ là nhân tố rất quan trọng nhưng đó vẫn chỉ là phương tiện truyền tải nội dung. Linh hồn của các sản phẩm tin, bài, hình ảnh đăng tải trên báo chí vẫn là nhận thức, tư tưởng và đạo đức mà người cầm bút muốn chuyển tải đến người đọc.

Nói về đạo đức của người làm báo trước sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội và trong thời dịch Covid-19, nhà báo Nguyễn Danh Châu, Phó Tổng Biên tập Báo Tri thức và Cuộc sống cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đạo đức nghề báo như: Sự thúc đẩy của lợi ích kinh tế, thiếu trung thực, không tôn trọng sự thật, sự thiếu hoàn thiện của cơ chế… Theo nhà báo Nguyễn Danh Châu, trước tiên cần giữ gìn đạo đức nghề nghiệp người làm báo, sau đó sẽ nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Để giữ gìn đạo đức người làm báo, giải pháp hữu hiệu nhất là tăng cường công tác quản lý, ràng buộc về đạo đức nghề báo. Cần có những quy định cụ thể, chế tài chặt chẽ về việc quy trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý các đơn vị báo chí; Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm công tác tại các cơ quan báo chí…

VUSTA tổ chức Hội thảo bàn về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và tuyên truyền - Ảnh 2
Nhà báo Lê Hồng, VUSTA chia sẻ về 3 nguyên tắc bất biến người làm báo cần tuân thủ trong quá trình làm báo. 

Có như vậy, chúng ta mới lựa chọn được những người có tâm, có tầm lãnh đạo các cơ quan báo chí. Từ đó xây dựng đưa nội dung, thương hiệu đưa tờ báo, tạp chí ngày càng đi lên từ đó có thể nuôi sống được các bộ, phóng viên biên tập viên bằng chính nguồn thu chính thống của cơ quan qua các hệ sinh thái của mình.

Còn theo nhà báo Lê Hồng, Liên hiệp Hội Việt Nam chia sẻ, đạo đức nghề nghiệp nhà báo đã xuống cấp thực sự đến mức báo động. Để giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam phải ban hành quy định về 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Ngoài việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp người làm báo thì theo nhà báo Lê Hồng, người làm báo cần tuân thủ 3 nguyên tắc bất biến là: Không được phép nói sai sự thật; Động cơ làm việc trong sáng; Bảo đảm tính chuẩn mực của nội dung bài viết.

Theo ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học kỹ thuật thú y, yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là sự tự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi nhà báo. Để nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí phải nâng cao: Tính chuyên nghiệp của nhà báo; Tính chuyên nghiệp trong giảng dạy, đào tạo báo chí; Tính chuyên nghiệp trong chỉ đạo và điều hành bộ máy ở các cơ quan báo chí; Nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo và thực hiện Luật Báo chí hiện nay.

Mục tiêu cao cả của báo chí Việt Nam là phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà báo hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều hướng về mục tiêu cao cả đó. Đạo đức của người làm báo là vấn đề cốt tử, sống còn đối với nghề nghiệp báo chí và truyền thông. Để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, nhà báo càng phải trau dồi đạo đức cách mạng, coi trọng tu dưỡng, rèn luyện theo 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí cũng cần nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm tờ báo, tạp chí đó hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

Thanh Tân

Bạn đang đọc bài viết VUSTA tổ chức Hội thảo bàn về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và tuyên truyền. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới