Hội thảo 'Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài học và liên hệ bản thân'
Sáng 30/6, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài học và liên hệ bản thân”.
Hội thảo có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (HKHVN); GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HKHVN; TS Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cùng các đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan khẳng định: "Tự học là điều cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri thức, đó là hoạt động có mục đích của con người. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người.
Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Bác, Trung ương HKHVN tổ chức hội thảo với chủ đề: “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài học và liên hệ bản thân” để mỗi người từ bài học của Bác, soi chiếu vào bản thân, rút ra những “điểm nóng” cần giải quyết cho chính bản thân mình về Học và Tự học, xứng đáng là người làm khuyến học đang tự tin bước trên con đường mình đang đi. Trên con đường ấy, mình đã đi vững chưa, liệu có bị làn gió công nghệ số đẩy ngã? Ngã rồi, có đứng dậy được không? Bằng cách nào? Hãy học Bác – tự học sẽ giúp chúng ta vì học không bao giờ là muộn. Tự học và học suốt đời như Bác đã học để tạo nên Hồ Chí Minh vĩ đại – Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam”.
Vì “lấy tự học làm nòng cốt”, Bác đã không quản khó khăn gian khổ, tự mình rèn luyện để có được kho tàng tri thức ở tất cả các lĩnh vực. Bác đã vừa học tập, vừa hoạt động cách mạng nhằm hoàn thiện tri thức và nhân cách bản thân. Từ tấm gường sáng của Bác, mỗi chúng ta hãy soi sáng bản thân để tìm ra đáp án tốt nhất cho việc bồi đắp trí tuệ và hoàn thiện nhân cách cho mình, đồng thời giúp cho mọi người cùng làm theo tấm gương tự học của Bác.
Tại Hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HKHVN báo cáo tổng quan và phát biểu: “Tôi luôn ngưỡng mộ, kính phục và học hỏi tinh thần, ý chí của những người “tự học thành tài”. Chính vì thế, trong Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt”, tôi ủng hộ triệt để chủ trương dành giải thưởng cho những lao động đã tự học để có những sản phẩm với giá trị phục vụ sản xuất và dân sinh hiệu quả.
Nhân vật số một trong những người “tự học thành tài” mà tôi tôn thờ là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới đương đại. Tự học và học tập suốt đời thể hiện một nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, nhưng lại mang đến cho từng người một triết lý về sự học: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Bà Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương với bài tham luận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tấm gương về tự học và học tập suốt đời – vận dụng vào công tác của Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục”, đã nhận được sự ủng hộ của các đại biểu tham dự Hội thảo.
Nhiều bài tham luận được nêu ra tại hội thảo như: "Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay" của em Đặng Vũ Ngọc Mai (trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam) cùng TS Bùi Quang Tuyến – Học viện Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội; Tham luận “Con đường tự học của Hồ Chí Minh, bài học và liên hệ bản thân" của NGND Nguyễn Thị Hiền (Chủ tịch HĐQT trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội)…
Tại hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có tham luận: “Tầm nhìn Hồ Chí Minh – Tầm nhìn thời đại về bảo vệ môi trường của người gieo mầm hạnh phúc”.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đề cập rất nhiều trong kho tư liệu vô cùng phong phú về Người, cho dù vẫn chưa khai thác phát hiện đầy đủ. "Với hiểu biết nông cạn của mình, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một khía cạnh rất nhỏ về Người - đó là Tầm nhìn Hồ Chí Minh, dù đã ra đi mãi mãi để đến với "thế giới người hiền" cách nay hơn nửa thế kỷ, nhưng sẽ vĩnh hằng hiện hữu cho các thế hệ mai sau. Đó là tầm nhìn mang tính thời đại về bảo vệ môi trường: Gieo mầm hạnh phúc!
Chúng ta nhớ về phong trào Tết trồng cây do Người khởi xướng cách nay gần 1 thế kỷ (năm 1958). Đúng vậy, Người không chỉ phát động một phong trào sâu rộng, đầy tính nhân văn mà còn tự tay trồng những cây xanh trên nhiều vùng quê miền Bắc Việt Nam. Phải chăng cây đa, cây vú sữa Người trồng chính là dành cho đồng bào Miền Nam ruột thịt! Thông điệp của Người thật giản dị, mộc mạc mà vô cùng sâu sắc!", PGS.TS Trương Mạnh Tiến chia sẻ.
Các tham luận gửi tới Hội thảo đều là những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, phản ánh khá đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa lịch sử. Thông qua Hội thảo, mỗi người cần thấm nhuần và tu sửa tinh thần “Tự học” của bản thân để hoàn thiện mình và là tấm gương cho con, cháu, bạn bè noi theo, góp phần vào việc xây dựng thành công xã hội học tập ở Việt Nam.
Ra mắt Quỹ Gieo mầm Xanh hạnh phúc
Trước đó, vào ngày 13/5 tại Hà Nội, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức ra mắt Quỹ Gieo mầm Xanh hạnh phúc. Sứ mệnh của Quỹ là các hoạt động hướng đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và các chương trình thiện nguyện nhân văn.
Việc thành lập và chính thức đi vào hoạt động Quỹ Gieo mầm Xanh hạnh phúc nhằm mục đích hỗ trợ tài chính cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm suy thoái sự cố môi trường trên cả nước…
Ngoài ra, Quỹ còn hướng tới việc ủng hộ giải quyết các vấn đề cục bộ về môi trường sống, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong thời gian tới, Quỹ cùng các cơ quan nhà nước đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân, trường học và ngoài cộng đồng bằng các việc làm thiết thực.
Không dừng ở các hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, Quỹ còn hướng đến những chương trình thiện nguyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, lũ lụt, các hoạt động ngăn ngừa, phòng chống Covid-19 trong cộng đồng… Các hoạt động này không chỉ phạm vi trong nước mà còn được thực hiện ở một số nước trên thế giới.
Q.Sơn