Hành trình Việt Nam xanh
Tròn 78 năm, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, thực hành sách lược khôn khéo, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo, tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi.
Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng miền Bắc theo con đưòmg chủ nghĩa xã hội và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt với nhiều giai đoạn đối phó với các kế hoạch, chiến lược khác nhau của đế quốc Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là trận quyết chiến, chiến lược vĩ đại của quân và dân ta, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược, non sông thống nhất.
Thành công của sự nghiệp đổi mới sau 37 năm, Việt Nam không những giữ vững ổn định chính trị, giữ vững con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh chính trị thế giới hết sức phức tạp, đầy biến động mà còn đem lại những thành tựu quan trọng cho đất nước. Từ một nước trước đổi mới còn khủng hoảng, trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, rối ren, hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn, một bộ phận nhân dân nao núng, giảm sút niềm tin; sau đổi mới, đã thành một Việt Nam năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm, vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở và nâng cao, được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, an ninh và an toàn, là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những tác động tiêu cực và phức tạp từ biến đổi khí hậu. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.
Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu đang diễn ra và sẽ tác động mạnh đến tất cả mọi người, các hệ sinh thái và các quốc gia trên thế giới. Biến đổi khí hậu là do con người gây ra do phát thải quá mức khí nhà kính vào bầu khí quyển. Do đó, con người có thể hạn chế hoặc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính.
Phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững, trở thành xu thế có tính tất yếu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam xác định, phát triển kinh tế xanh chính là con đường để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thực tế, Việt Nam đã và đang có các hành động thiết thực và hiệu quả, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cụ thể, Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Đề án quản lý phát thải khí nhà kính; Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các giải pháp kìm hãm tốc độ nóng lên của Trái đất, Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 - Phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chúng ta trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Chính nhờ những nỗ lực trên, Việt Nam đang là nền kinh tế nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư về lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Rất nhiều nguồn lực từ bên ngoài đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ tài chính, nhân lực, kỹ thuật cho Việt Nam trong các lĩnh vực này. Nếu tận dụng tốt, chắc chắn Việt Nam sẽ có những bước tiến dài trên con đường xây dựng nền kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kinh tế Môi trường cùng góp sức
Tổ quốc Việt Nam mãi tươi xanh!
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam từ khi thành lập đến nay (2000 – 2023) luôn có sự hậu thuẫn vững chắc của các Ban, Bộ, Ngành, chính quyền các địa phương trong cả nước, các tổ chức chính trị xã hội; trong đó đặc biệt phải kể đến là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ mà trực tiếp là Vụ Tổ chức phi Chính phủ, sự chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Lãnh đạo Hội, Ban thường Vụ, Ban Chấp hành và sự đoàn kết, thống nhất hành động của toàn thể hội viên, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trong hệ thống Liên Hiệp hội, luôn hoạt động tích cực và được Liên Hiệp hội đánh giá cao về mọi mặt; được Liên Hiệp hội trực tiếp giao nhiệm vụ, triển khai nhiều hoạt động quan trọng. Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam luôn nêu cao sứ mệnh bảo vệ môi trường, bảo vệ Mẹ Trái đất - hành tinh duy nhất có sự sống. Trong thời gian tới, Hội sẽ hướng đến nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục về đạo đức môi trường, hành vi ứng xử của con người với thiên nhiên chính là kim chỉ nam cho nhân loại.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường