Thứ hai, 14/10/2024 03:42 (GMT+7)
Thứ năm, 25/05/2023 18:00 (GMT+7)

Hàng trăm dự án năng lượng tái tạo "ngồi chờ" bán điện, vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhìn nhận việc đàm phán giá bán điện của EVN với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ, vô hình chung đã tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, về năng lượng tái tạo, hiện tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành là hơn 4.600MW. Trong đó, gần 2.100MW của 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với EVN, với mức thấp hơn 20-30% so với trước đây.

Số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, đến 24/5, có 37 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để đàm phán giá và hợp đồng mua bán.

Hàng trăm dự án năng lượng tái tạo vẫn "ngồi chờ" bán điện

Phát biểu tại Hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau và nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhìn nhận việc đàm phán giá bán điện của EVN với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ, vô hình chung đã tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn.

“Rất nhiều người dân, cử tri bức xúc và đặt vấn đề tại sao lại đi nhập khẩu điện, trong khi điện mặt trời và điện gió không được hòa mạng vào hệ thống mạng lưới điện bởi đây là tài sản quốc gia. Trách nhiệm ở đây thuộc cơ quan nào?” đại biểu Minh truy vấn.

Nhấn mạnh rất lãng phí khi hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, khi xây dựng xong lại không thể đấu nối, phát điện, trong khi nền kinh tế thiếu điện, phải tăng cường mua điện của Lào, Trung Quốc.

“Tôi cho rằng giải pháp lâu dài cho ngành điện là cần nghiên cứu, tìm ra phương án tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng, có thể tìm nguồn nhiên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất. Trong số đó, cần có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện,” đại biểu Tạ Thị Yên góp ý.

Hàng trăm dự án năng lượng tái tạo "ngồi chờ" bán điện, vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu? - Ảnh 1
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cũng cho rằng, sản xuất điện chưa biết dồn trọng tâm để khai thác như năng lượng điện mặt trời và điện gió mới được đưa vào Quy hoạch điện VIII, mà không phải là Quy hoạch điện VII.

“Chúng ta xác định lâu dài nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào nhưng giá thành họ giảm tại sao nước ta lại không giảm và không sản xuất được điện trong nước mà phải nhập khẩu? Tại sao EVN lỗ triền miên? Về vấn đề này, thiết nghĩ cần phải xem xét trách nhiệm cán bộ EVN; xem xét mức chi tiêu, thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp này và Quốc hội cần phải mổ xẻ tận gốc vấn đề này,” đại biểu Vân cho hay.

“Không phải vướng về giá, mà vướng về công suất"

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương.

"Cái này có vướng gì không? Nếu vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải tỏa được nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm" - ông Phớc nói.

Tuy nhiên, theo ông Phớc, Bộ trưởng Bộ Công Thương bảo rằng “không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi”.

“Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?”, ông Phớc cho hay.

Hàng trăm dự án năng lượng tái tạo "ngồi chờ" bán điện, vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu? - Ảnh 2
Theo báo cáo của Bộ Công thương, về năng lượng tái tạo, hiện tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành là hơn 4.600MW.

“Bộ trưởng Công Thương trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Đấy là nguyên nhân và chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào”, ông Phớc thuật lại.

Theo Bộ trưởng Tài chính, cần phải sửa một số quy định, đặc biệt ách tắc nhất là Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công.

“Ngay cả mấy năm nay chúng ta ban hành Luật Quy hoạch nhưng vẫn loay hoay không triển khai được, rồi cả vấn đề điện cũng thế”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu điện từ 2 nước này tăng do thời tiết cực đoan cùng hạn hán tại các hồ thủy điện khiến nguồn cung mùa khô thiếu hụt. Hiện, 18 hồ thủy điện ở mực nước chết hoặc cận chết. Có 20 hồ thủy điện có dung tích dưới 20%. Đến ngày 21-5, sản lượng còn lại trong các hồ thủy điện chỉ có 29 tỷ kWh, thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, ngoài huy động mọi nguồn trong nước, EVN cho biết đã đàm phán mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái tháng 5, 6 và 7 với công suất 70MW, và dự kiến đóng điện từ tuần sau. Tập đoàn này cũng nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông, Nậm San.

Ngoài ra, hiện giá điện nhập khẩu thấp hơn mua trong nước. Giá mua điện từ Trung Quốc là 6,5 cent/kWh, tức gần 1.540 đồng/kWh. Còn giá mua tại Lào là 6,9 cent/kWh, tức khoảng 1.632 đồng/kWh. Trong khi đó, theo số liệu từ EVN, giá mua điện bình quân 3 tháng đầu năm khoảng 1.845 đồng/kWh. Như vậy, giá mua điện từ Lào, Trung Quốc thấp hơn một số nguồn điện trong nước.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Hàng trăm dự án năng lượng tái tạo "ngồi chờ" bán điện, vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Lãi suất ngân hàng MB tháng 10/2024
Tháng 10/2024, lãi suất Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) điều chỉnh tăng lãi ở các kỳ hạn. Mức lãi suất cho khách hàng cá nhân 2,9-5,7%/năm.

Tin mới