Thứ sáu, 22/11/2024 19:23 (GMT+7)
Thứ tư, 10/05/2023 11:31 (GMT+7)

Vì sao EVN "ôm" lỗ hơn 26.000 tỷ đồng?

Theo dõi KTMT trên

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chi phí đầu vào liên tục tăng cao trong cả năm 2022, tỷ giá biến động mạnh và hơn 4 năm liên tiếp không được điều chỉnh giá bán lẻ điện là nguyên nhân khiến tập đoàn bị lỗ.

Chênh lệch tỷ giá tới hơn 14.723 tỷ đồng

Thông tin tại cuộc họp thông báo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cuối tháng 3 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương, tổng chi phí khâu phát điện năm 2022 của EVN là 412.243 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đồng/kWh.

So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.854,57 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đồng/kWh.

Theo Cục Điều tiết điện lực, năm 2021, tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 265,75 tỷ đồng. Năm 2022, tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 387,55 tỷ đồng. Tổng khoản tiền bù giá cho các xã huyện, đảo trong hai năm 2021-2022 lên tới hơn 653,2 tỷ đồng.

Vì sao EVN "ôm" lỗ hơn 26.000 tỷ đồng? - Ảnh 1
Năm 2022, EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng không tính tới thu nhập từ sản xuất khác.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN cho thấy, tập đoàn bị lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

“Theo kết quả kiểm tra, còn nhiều khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trong đó, chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2022 lên tới hơn 14.723 tỷ đồng”, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết.

Liên quan đến vấn này, trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Chi phí đầu vào trở thành gánh nặng

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho thấy, chi phí đầu vào liên tục tăng cao trong cả năm 2022, tỷ giá biến động mạnh và hơn 4 năm liên tiếp không được điều chỉnh giá bán lẻ điện, hiện mỗi kWh điện bán ra, tập đoàn bị lỗ 197 đồng, tương ứng mức lỗ 10,57%. Tập đoàn đang đối diện tình trạng mất cân đối nghiêm trọng vào cuối năm nếu giá điện không được điều chỉnh.

Theo lãnh đạo EVN, với sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến là 251,3 tỷ kWh, và mỗi kWh điện bán ra đang bị lỗ 197 đồng/kWh, EVN sẽ bị lỗ tổng cộng ước tính hơn 64.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ dự kiến do tỷ giá lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.

Các số liệu thực tế cũng cho thấy, do bán điện thấp hơn giá thành, chỉ trong 2 tháng đầu năm EVN bị lỗ thêm 11.200 tỷ đồng khiến áp lực tài chính của EVN ngày càng tăng. Lãnh đạo EVN cho biết, hiện giá than, giá khí cơ bản đã thực hiện theo cơ chế thị trường, tuy nhiên giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo biến động của giá các loại nhiên liệu đầu vào gây áp lực lớn đến cân bằng tài chính của EVN.

Cùng với đó, tập đoàn sẽ không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện. Cụ thể theo tính toán của EVN trường hợp giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh thì dự kiến đến tháng 6/2023 Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỷ đồng và đến 12/2023 thiếu hụt 27.779 tỷ đồng.

Trước tình hình này, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Bộ Công Thương cho biết chi phí đầu vào tăng cao cũng như những biến động về tỷ giá là những lý do chính cho quyết định tăng giá điện của EVN. Bộ này nhấn mạnh "việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết". Cũng theo Bộ Công Thương mức tăng 3% giá điện bán lẻ bình quân là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình xem xét trước đó.

Cần minh bạch khoản lỗ

Đề nghị làm rõ khoản lỗ của EVN của Ủy ban Kinh tế được nhiều chuyên gia ủng hộ. TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP. Hồ Chí Minh, người chuyên làm nghiên cứu về năng lượng điện bày tỏ “hoàn toàn đồng tình”. “Đáng ra, Chính phủ phải làm việc này sớm hơn”, ông nói.

“Số liệu thua lỗ là EVN và Bộ Công thương cung cấp. Bây giờ, rất cần Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp để làm rõ khoản lỗ này”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bổ sung. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần minh bạch hơn về số liệu, làm rõ khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vì sao EVN "ôm" lỗ hơn 26.000 tỷ đồng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới