Hàng ngàn môi giới bất động sản “quay cuồng tìm đường sống”
Khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản đóng băng, khắp nơi xuất hiện biển rao bán với mức giá cắt lỗ…, thì cũng là lúc hàng ngàn môi giới phải gác lại giấc mộng đổi đời, tìm nghề khác để mưu sinh.
Môi giới tìm nghề khác để mưu sinh
Thị trường địa ốc đang bước vào giai đoạn trầm lắng với tín hiệu rõ nét về sự sụt giảm lượng giao dịch. “Khó khăn” là nhận định chung của các doanh nghiệp địa ốc, nhà đầu tư.
Giới chuyên gia nhìn nhận, sự khó khăn của thị trường địa ốc đến từ nguồn vốn tín dụng đang thắt chặt. Những tháng cuối năm được ví như là “mùa thu hoạch” đối với thị trường bất động sản, nhưng thời điểm này, nhiều nhân viên môi giới đang “quay cuồng tìm đường sống”.
Tính trong 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản thường xuyên nổi lên những cơn “sốt nóng” khiến nhà nhà đổ xô đi buôn đất, người người bỏ nghề đi làm môi giới bất động sản. Thế nhưng, khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản đóng băng, khắp nơi xuất hiện biển rao bán với mức giá cắt lỗ…, thì cũng là lúc hàng ngàn môi giới phải gác lại giấc mộng đổi đời, tìm nghề khác để mưu sinh.
Theo thông tin, chia sẻ của chị T nhân viên môi giới một sàn giao dịch bất động sản lớn ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), vì công ty không có dự án mới để bán, nên suốt 4 tháng nay, chị không có lương. Chị cũng tìm sản phẩm ở các phân khúc đất nền, thổ cư, ruộng của các nhà đầu tư bên ngoài nhờ ký gửi để môi giới, nhưng không có giao dịch.
Chị T cho hay: “Suốt nhiều tháng nay, tôi sống bằng tiền đi vay bạn bè. Thực sự chưa bao giờ tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Tôi đang cố đợi đến sang năm, nếu thị trường không khả quan hơn, thì sẽ phải tìm công việc khác có lương hằng tháng để sinh sống”.
Thời điểm này không chỉ các nhân viên môi giới gặp khó, mà ngay cả những lãnh đạo doanh nghiệp cũng “khóc ròng”. Đơn cử, tại một doanh nghiệp bất động sản lớn ở TP.HCM, từng có chế độ phúc lợi đãi ngộ nhân viên rất tốt, mới đây, lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải “bấm bụng” cắt giảm thu nhập của nhân viên, bao gồm cả các khoản trợ cấp như xăng xe, cơm trưa, hỗ trợ nhà ở…
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này ngậm ngùi cho hay: “Chưa bao giờ thấy tình hình khó khăn đến vậy. Dòng tiền cạn trong bối cảnh doanh nghiệp không bán được hàng, lãi suất tăng cao khiến mọi chi phí phải tiết giảm một cách tối đa. Cạn kiệt nguồn lực, doanh nghiệp bĩ cực quá mới cắt giảm lương của nhân viên, cắt nhân sự để cân đối dòng tiền”.
Thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc
Nhiều môi giới thất nghiệp, thắt chặt chi tiêu là câu chuyện đã được nhắc nhiều ở giai đoạn này. Đây cũng là giai đoạn thanh lọc rất mạnh để chọn ra những doanh nghiệp đủ tiềm lực và đi đúng hướng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phân tích, thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản. Thời kỳ thị trường sôi động, ai cũng thấy sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới bất động sản có sức hút riêng.
Lúc đó, quy trình tuyển dụng môi giới dễ dãi, được thực hiện ồ ạt ở một số đơn vị. Ứng viên không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm, chỉ cần vượt qua tiêu chí mà một số sàn đưa ra (đam mê kinh doanh, đam mê làm giàu)… là hoàn toàn có thể ứng tuyển.
Không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, khó khăn, nhân sự của ngành môi giới có biến động lớn, tình trạng nghỉ việc, bỏ nghề diễn ra nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản không nên sa thải ồ ạt nhân viên, vì khi thị trường hồi phục, việc xây dựng và vận hành lại bộ máy sẽ rất khó khăn, ông Đính cho cho hay.
Các công ty thay vào đó nên có một khoản trợ cấp cho nhân viên để duy trì quân số. Ngoài ra, ban lãnh đạo có thể tạo điều kiện cho mọi người đi làm bán thời gian, giúp họ tận dụng thời điểm này để đi học thêm, nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, do khó khăn chồng chất nên nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư, giảm lương, giảm số lượng lao động, dẫn đến nguồn cung bất động sản giảm, cơ cấu sản phẩm còn bất hợp lý là thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân dẫn đến đại đa số người dân có nhu cầu chưa thể tiếp cận nhà ở.
Huyền Diệu