Quản lý hoạt động môi giới bất động sản ra sao?
Môi giới bất động sản (BĐS) một số tỉnh, thành và Đồng Nai thời gian qua rất bát nháo. Các sàn giao dịch mọc lên khắp nơi, số lượng người tham gia làm môi giới “cò đất” đông đúc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS khó quản lý.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng được triển khai, giúp cho BĐS tại nhiều khu vực sôi động. Người dân trong và ngoài tỉnh tìm đến những khu vực gần các dự án mua đất đầu tư khá nhiều, vì thế, sàn giao dịch BĐS mọc lên khắp nơi, kéo theo một đội ngũ đông đảo tham gia làm môi giới, Hiệp hội BĐS Đồng Nai cho hay.
Không có chuyên môn cũng tham gia làm nghề môi giới BĐS
Có hàng trăm sàn giao dịch BĐS tại tại Đồng Nai, dọc các tuyến đường lớn thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu sẽ thấy rất nhiều nơi đề biển mua bán nhà đất. Khoảng 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 có làm thị trường BĐS ở Đồng Nai hạ nhiệt, nhưng giá đất vẫn ít biến động.
Khu vực giáp giáp Đồng Nai như: Bình Dương, Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận… tình trạng mua bán, chuyển nhượng BĐS diễn ra sôi động. Rất nhiều người không có chuyên môn cũng tham gia làm nghề môi giới BĐS khiến giá đất ở khắp nơi bị thổi lên cao hơn giá trị thực gây ra những cơn sốt “ảo”, ảnh hưởng đến các dự án, công trình đang triển khai tại các địa phương.
Ủy viên thường vụ Hội Môi giới BĐS Việt Nam Trịnh Tuấn Anh phân tích: “Các dự án giao thông quốc gia, vùng, tỉnh khởi động đã giúp cho BĐS tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành sôi động. Có nhiều khu vực xảy ra tình trạng giá đất bị “sốt ảo” gây rối loạn cho thị trường một phần là do lực lượng môi giới BĐS thiếu đạo đức nghề nghiệp, chưa được đào tạo nghiệp vụ.
Từ năm 2019, đã có quy định xử phạt các trường hợp vi phạm trong môi giới BĐS nhưng chưa có môi giới nào bị phạt nên không ai sợ”. ông Tuấn Anh cho rằng, muốn hạn chế tình trạng bát nháo trong môi giới BĐS, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tại các địa phương qua tìm hiểu, việc môi giới, thành lập điểm giao dịch BĐS rất dễ dàng, ai muốn tham gia cũng được. Ngoài các điểm đặt biển rao mua bán BĐS được cắm tràn lan ở các tuyến đường lớn thì chỉ cần lên internet với vài cú nhấp chuột sẽ tìm được hàng trăm “cò đất” rao bán các loại đất ở khắp nơi.
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành (Đồng Nai) cho biết: “Căn cứ vào quy định của Chính phủ, H.Long Thành đã quản lý chặt đất đai và tình trạng mua bán, chuyển nhượng. UBND huyện giao trực tiếp cho UBND các xã, thị trấn nếu để xảy ra những sai phạm về đất đai, xây dựng người đứng đầu các xã, thị trấn chịu trách nhiệm. Do đó, những vi phạm về đất đai, xây dựng giảm đáng kể”.
Những vi phạm cần xử lý nghiêm
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/NĐ-TTg quy định về xử phạt hành chính với những vi phạm về môi giới BĐS. Trong đó, kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp (DN) theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng, DN kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ sàn giao dịch BĐS, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
Sàn giao dịch BĐS không có quy chế hoạt động, hoạt động sai quy chế, không có tên, địa chỉ, thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 120-160 triệu đồng.
Kinh doanh dịch vụ môi giớ BĐS không có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ hành nghề không còn hạn sử dụng, cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để làm môi giới BĐS; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong mua bán BĐS sẽ bị phạt tiền từ 40-60 triệu đồng.
Trường hợp đưa BĐS lên sàn giao dịch nhưng không đủ điều kiện theo quy định, không có đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về BĐS môi giới sẽ phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai Nguyễn Thanh Lâm nhận rằng: “Trước khi Nghị định 16 được ban hành, các hiệp hội BĐS, nhiều tỉnh, thành và cơ quan chức năng đã góp ý kiến. Mục đích là để quản lý, siết chặt môi giới BĐS, để thị trường BĐS hoạt động minh bạch, tránh tình trạng những người môi giới cố tình đưa những thông tin sai sự thật gây các cơn “sốt đất” làm ảnh hưởng đến các địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội”.
Muốn lập lại trật tự trong môi giới BĐS, các huyện, thành phố phải phối hợp chặt chẽ với các sở ngành kiểm tra thường xuyên hoạt động này, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo đúng pháp luật và công khai rộng rãi cho mọi người dân biết, ông Lâm nhấn mạnh.
Nhiều người dân đánh giá, mức phạt trên còn nhẹ so với lợi nhuận môi giới, các sàn giao dịch BĐS thu được từ các vụ mua bán, chuyển nhượng BĐS tại các huyện, thành phố tại Đồng Nai. Do đó, ngoài kiểm tra phát hiện xử phạt hành chính kịp thời, các địa phương cần xử lý nghiêm các phạt bổ sung như: Tước quyền hoạt động của người môi giới, sàn giao dịch BĐS.
Cùng với đó, những khách hàng có nhu cầu mua BĐS nên tìm đến những sàn giao dịch BĐS, người môi giới có uy tín, đủ điều kiện để góp phần giảm bát nháo trong môi giới BĐS hạn chế tình trạng lũng đoạn, gây sốt “ảo” cho thị trường BĐS hiện nay.
Xử phạt môi giới “ngoài luồng”
Nghị định 16 “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng” mới đây đã bổ sung hàng loạt hành vi vi phạm của môi giới bất động sản sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, tại Nghị định này, các trường hợp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Các hành vi kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
Sàn giao dịch BĐS không có quy chế hoạt động hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc hoạt động không có tên, địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Các trường hợp trên sẽ bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng.
Ngoài ra, sẽ phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như BĐS được đưa lên sàn giao dịch BĐS nhưng không đủ điều kiện theo quy định; Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về BĐS mà mình môi giới.
Đặc biệt, phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi cho mượn, cho thuê chứng chỉ. Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều này.
Riêng quy định với các môi giới bất động sản, trường hợp không gửi thông tin của cơ sở đào tạo, sàn giao dịch, không lưu trữ hồ sơ đào tạo hoặc hồ sơ liên quan về Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng địa phương nơi đặt trụ sở chính để đăng tải lên trang thông tin điện tử theo quy định sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng.
Bùi Hằng (T/h)