Thứ năm, 25/04/2024 20:11 (GMT+7)
    Thứ bảy, 26/02/2022 17:00 (GMT+7)

    Đầu năm, loạt đại gia bất động sản đua gom đất

    Theo dõi KTMT trên

    Ngay trong tháng đầu quý I/2022, sau quãng thời gian bị ghìm chân bởi Covid-19, nhiều công ty địa ốc đang đẩy mạnh gom đất nhằm theo đuổi các siêu dự án có quy mô hàng trăm đến cả nghìn ha trên cả nước.

    Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) vừa công bố việc lập công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Novaland Đất Tâm. Theo mô hình doanh nghiệp TNHH hai thành viên trở lên, công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Novaland sẽ góp 51 tỷ đồng, tương ứng 51% vốn điều lệ.

    Động thái này diễn ra sau khi liên danh Novaland và Đất Tâm có báo cáo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về ý tưởng quy hoạch dự án khu du lịch quy mô 23.500 ha tại huyện Đắk Glong và Vườn quốc gia Tà Đùng vào hồi đầu tháng 1 vừa qua. Dự án hướng tới các sản phẩm vui chơi giải trí cộng đồng, du lịch trải nghiệm, thể thao, mạo hiểm, du lịch sinh thái... dựa trên nguồn tài nguyên 5.000 ha mặt nước và hơn 40 hòn đảo, bán đảo lớn nhỏ, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ.

    Đầu năm, loạt đại gia bất động sản đua gom đất - Ảnh 1
    Những đại dự án BĐS của Nova Land tại các tỉnh vùng ven đòi hỏi sự mở rộng của các ngành dịch vụ đi kèm. (Ảnh: Quỳnh Danh)

    Như vậy, sau nửa thập niên rầm rộ triển khai nhiều khu đô thị biển tại Phan Thiết, Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu… Novaland đang bày tỏ tham vọng mở rộng thị phần bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng lên vùng cao nguyên.

    Cũng trong tháng 1 năm nay, Novaland và lãnh đạo tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City), thuộc thị xã Tân Châu và huyện Hồng Ngự. Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất ý tưởng phát triển quy hoạch chung cho huyện Hồng Ngự và TP Hồng Ngự thành Mekong Smart City với 11 dự án thành phần có tổng quy mô hơn 13.000 ha.

    Trong đó, có dự án đặc khu kinh tế, khu chế xuất làm hàng xuất khẩu Mekong SEZ với quy mô dự kiến 5.000-10.000 ha, khu công nghệ AI 2.000 ha, Mekong Airport - Sân bay vận chuyển hàng hóa và khách du lịch.

    Đầu năm, loạt đại gia bất động sản đua gom đất - Ảnh 2
    Vườn quốc gia Tà Đùng - nơi Novaland đang nhắm đến.

    Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) cũng là doanh nghiệp BĐS có động thái “gom đất” tích cực ngay đầu năm 2022. Đáng chú ý là đề xuất xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City tại xã Tân Nhựt và xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) với quy mô 1.154 ha, tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng.

    Trong buổi tiếp xúc và làm việc với lãnh đạo Bình Chánh về kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn, FLC cho biết, khu vực nghiên cứu dự án ở phía Tây của TP.HCM, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km và cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 15 km, là ngã ba cửa ngõ thành phố đi toàn bộ các tỉnh miền Tây. Trong đó, điểm nhấn của toàn dự án là tòa tháp cao 99 tầng, kỳ vọng sẽ trở thành một công trình biểu tượng mới tại phía Tây TP.HCM.

    FLC trước đó cũng đăng ký thực hiện dự án khu đô thị Yên Lạc Green City tại thị trấn Yên Lạc và các xã Bình Định, Trung Nguyên (Vĩnh Phúc). Dự án này được tỉnh Vĩnh Phúc kêu gọi đầu tư hồi cuối năm 2021, có quy mô khoảng 47 ha, nằm trong quy hoạch phân khu B2 tỷ lệ 1/2.000 khu vực phát triển đô thị, dịch vụ tại TP Vĩnh Yên, huyện Yên Lạc và huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

    Theo kế hoạch công bố của FLC, năm 2022, doanh nghiệp sẽ triển khai hàng chục dự án BĐS nghỉ dưỡng và đô thị ở nhiều tỉnh thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Bình Định, Quảng Bình, Tây Nguyên.

    Đầu năm, loạt đại gia bất động sản đua gom đất - Ảnh 3
    Tập đoàn FLC trong buổi làm việc với UBND huyện Bình Chánh.

    Đầu tháng 1/2022, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) cũng có đề nghị gửi UBND tỉnh Hải Dương về việc chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng sân golf quốc tế và đô thị sinh thái có quy mô khoảng 385 ha, thuộc hai xã Đức Xương, Đoàn Thượng (Gia Lộc) và xã Hồng Đức (Ninh Giang).

    Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long từng chia sẻ rằng phân khúc BĐS mà doanh nghiệp hướng đến là bất động sản khu công nghiệp, đại đô thị, sân golf với quy mô 300-500 ha, tương đương với các đại đô thị như Ecopark hay Ocean Park hiện nay.

    Vào cuối năm ngoái, Hòa Phát cùng KDI Holdings đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn TP Nha Trang và thị xã Ninh Hòa. Tham vọng của “ông lớn” ngành thép này khi lấn sân sang thị trường BĐS ngày càng rõ khi Hòa Phát thông qua chủ trương góp vốn thêm 3.300 tỷ đồng vào công ty bất động sản. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát sẽ tăng từ 2.700 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

    Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát được thành lập cuối năm 2020 với vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỷ đồng, nhằm quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển BĐS. Hòa Phát từng đầu tư vào bất động sản nhưng chỉ hai năm gần đây, mảng kinh doanh này mới được xác định là một trong những lĩnh vực chiến lược.

    Đầu năm, loạt đại gia bất động sản đua gom đất - Ảnh 4
    Hoà Phát đang cho thấy tham vọng lớn trong lĩnh vực BĐS.

    Công ty Cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) cũng mới có đề xuất làm Khu phức hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng The Coral có diện tích 546 ha, tổng vốn đầu tư gần 23.000 tỷ đồng, tại tỉnh Quảng Ninh.

    Trong cuộc họp bàn với Thường trực Thị ủy thị xã Quảng Yên ngày 24/2, Bamboo Capital cho biết đề xuất dự án dựa trên ý tưởng cụ thể hóa Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt và Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu phức hợp Hạ Long Xanh; Kết nối đồng bộ với các dự án lân cận thành một quần thể đô thị ven biển kết hợp nghỉ dưỡng du lịch.

    BĐS đang có xu hướng bật dậy

    Ngoài các doanh nghiệp trên, nhiều công ty địa ốc đã bước vào cuộc đua gom đất để triển khai dự án sau một thời gian dài hoạt động đình trệ vì Covid-19. Như Công ty cổ phần Sacom - Tuyền Lâm đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho lập quy hoạch khu đô thị du lịch tại hai xã Lộc Phát và Đạm B'ri, thành phố Bảo Lộc, quy mô 1.034,5 ha.

    Công ty Bất động sản BIM đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch và thực hiện thủ tục đầu tư dự án khu đô thị Thăng Bình quy mô 570 ha…

    Theo báo cáo triển vọng ngành năm 2022 của Chứng khoán BSC (CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), ngành BĐS có triển vọng lớn nhờ hàng loạt thông tin tích cực. Điển hình là việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu đô thị vệ tinh, đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Điều này phù hợp với xu hướng đầu tư làm dự án ở các đô thị vệ tinh và tỉnh thành cấp 2-3 của nhiều doanh nghiệp BĐS.

    Việc các đại gia BĐS rốt ráo trong việc mở rộng quỹ đất đã cho thấy tín hiệu nhộn nhịp của ngành này trong thời gian tới. Tuy nhiên làn sóng vẫn mang đến cả tích cực lẫn tiêu cực.

    Nếu làm được các siêu dự án ở địa bàn mới sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của cả một vùng hoặc khu vực, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp BĐS. Nhưng ngược lại, dự án treo, sẽ dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo khiến các nhà đầu tư thứ cấp lao đao.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Đầu năm, loạt đại gia bất động sản đua gom đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
    Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.