Gom đất vùng ven: Xu hướng mới của ngành bất động sản
Ở thời điểm hiện tại, những “cơn sốt” đất đã tạm lắng nhưng mặt bằng giá vẫn rất cao, đặc biệt là tại khu vực thành phố. Thay vì đầu tư vào những mảnh đất có giá đắt đỏ, một số nhà đầu tư đã chuyển hướng gom đất vùng ven.
Kết thúc quý I và bước vào giai đoạn 2 của năm 2021, thị trường BĐS ghi nhận những biến động trái chiều ở những địa phương và những phân khúc khác nhau.
Tuy nhiên, các chuyên gia Savills Việt Nam chỉ ra rằng, thị trường BĐS năm 2021 vẫn ổn định và là cơ hội tốt để nhà đầu tư cân nhắc chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang BĐS.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, trong khi nguồn cung mới từ các dự án BĐS lớn trong khu vực nội đô TP.Hà Nội đang nên hiếm hoi, thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang có xu hướng chuyển dịch sang tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng ngoại thành ven đô, nông thôn tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Thường Tín.
Từ tháng 10/2020 đến nay, giá đất nền, đất thương mại dịch vụ, đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành Hà Nội nói trên tăng chóng mặt, với mức tăng gấp 2-3 lần do hàng loạt thông tin có dự án BĐS chuẩn bị triển khai và do xu thế dịch chuyển đầu tư từ khu vực trung tâm ra các vùng ven, vệ tinh.
Giá đất vùng ven “dự báo sẽ tăng nhiệt”
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của hạ tầng, xu hướng ly tâm dịch chuyển về các thị trường mới đã và đang diễn ra trong nhiều năm nay. Thêm vào đó, chính làn sóng chuyển khỏi Trung Quốc để linh động về chuỗi cung ứng cũng như tránh ảnh hưởng bởi xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng đã khiến bất động sản công nghiệp tại Việt Nam lên ngôi. Trong khi đó, quỹ đất trung tâm lại không thể đáp ứng được nhu cầu đặt các nhà máy sản xuất với quy mô lớn, bất động sản vùng Hà Nội, TP.HCM mở rộng trở thành sự lựa chọn của nhà đầu tư.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng cho rằng các khu vực vùng ven là những khu vực đáng đổ tiền trong 1-2 năm tới. Nhìn từ quá trình phát triển các khu nghỉ dưỡng của FLC tại 10 tỉnh, thành, ông Quyết đều nhận ra một kịch bản chung là sự tăng giá của sản phẩm bất động sản. Đơn cử, tại Bình Định và Quy Nhơn, giá đất đã tăng từ mức 30 triệu đồng/lô lên mức 700 triệu đồng. Tại Sầm Sơn, giá đất từ mức 3 triệu đồng/m2 lên mức 20 triệu đồng/m2. Mới đây, khi FLC đầu tư tại Gia Lai, đất có vị trí đắc địa là mặt tiền đường đã tăng từ 100 triệu đồng/m2 lên mức 180 triệu đồng/m2. Đầu tư vào những khu vực vùng ven có dự án lớn sắp vận hành hay những khu vực tiềm năng là một hướng đi có thể lưu ý.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cho rằng bất động sản ven đô sẽ có sức bật trong tương lai gần. Nguyên nhân là khu vực nội đô các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM, giá nhà đã bị đẩy lên cao và nguồn cung khan hiếm khiến những người mua nhỏ lẻ không có nhiều cơ hội. Trong khi đó, giao thông vùng đang kết nối ngày càng thuận tiện. Đến nay, Hà Nội đang trở thành điểm đến của các tuyến cao tốc như Hải Phòng, Hạ Long, Lào Cai. Do đó, quá trình di chuyển từ nội đô ra khu vực ngoại thành ngày càng trở nên dễ dàng. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến hành vi, thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Thay vì chọn phương tiện công cộng, nhiều người di chuyển bằng các phương tiện cá nhân. Chính bởi vậy mà thời gian qua có hiện tượng sốt giá tại vùng ven Hà Nội và TP.HCM. Cũng theo ông Tuyển, trong thời gian tới, thị trường sẽ không đón nhận ồ ạt các mặt hàng và xu hướng của thị trường là giá nhà sẽ đi lên.
"Trong năm 2021, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sự dịch chuyển thị trường đến từ các chủ đầu tư sẽ tiếp tục xuất hiện. Trong đó, xu hướng phát triển dự án ở những thị trường vùng ven vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và tăng tốc tăng mạnh", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.
Các khu công nghiệp lần lượt đổ bộ về vùng ven đã kéo theo hàng loạt các dự án đô thị hình thành. Nếu như trước đây, các khu công nghiệp thường không có sự đồng bộ giữa sản xuất - sống - vui chơi thì nay nhu cầu đã thay đổi. Những dự án có sự đồng bộ gồm nơi sản xuất, nơi ở, y tế, giáo dục và các dịch vụ đi kèm trở thành lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư lẫn người có nhu cầu ở thực.
Đòn bẩy hạ tầng
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông đô thị sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng đô thị hóa hiện nay (theo Bộ Xây dựng, tỉ lệ đô thị hóa năm 2020 của Việt Nam hiện đạt khoảng 39%, và Liên hợp quốc ước tính dân số đô thị của Việt Nam sẽ tăng thêm 1 triệu người/năm cho đến năm 2030).
Bên cạnh đó, người Việt Nam có văn hóa thích sở hữu nhà ở. Theo Yuanta Việt Nam, những xu hướng trên là tích cực đối với các công ty phát triển bất động sản trong dài hạn. Tuy nhiên, bất động sản tại các khu vực trung tâm đang được định giá cao khiến nhiều người dịch chuyển sự chú ý ra khỏi thị trường này, do đó việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông là rất cần thiết.
Hạ tầng ngày càng hoàn thiện theo hướng tăng liên kết vùng là một trong những yếu tố quan trọng tạo sức hút lớn cho những đô thị lân cận. Điển hình như khu vực phía đông TP.HCM với hàng loạt thông tin tích cực về quy hoạch hạ tầng vào đầu năm 2021 như thành lập TP.Thủ Đức, sân bay quốc tế Long Thành chính thức khởi công; Sân bay Phan Thiết khởi công đầu tháng 4… đẩy nhà đất khu vực này lên mặt bằng giá kỷ lục.
Theo Yuanta Việt Nam, giá bán bất động sản ở những nơi này đã tăng gấp 3-5 lần. Ngược lại, theo số liệu của CBRE, GBBQ tại các thị trường đô thị lớn chỉ tăng nhẹ - nhưng giá bán phân khúc cao cấp thực tế đã giảm.
Hoạt động của các đơn vị môi giới cũng đã chuyển dịch từ các khu vực trung tâm nội thành sang các khu vực ngoại thành/thuộc ngoại thành (như huyện Cần Giờ của TP.HCM, huyện Gia Lâm, Đan Phượng, Từ Liêm của Hà Nội) hoặc sang các tỉnh lân cận (như Đồng Nai, Hưng Yên và Bắc Ninh); Hoặc thậm chí sang các khu du lịch (như Bình Thuận, Lâm Đồng và Huế).
Trong thời gian tới, nếu hạ tầng được đầu tư tốt, sẽ là cú hích thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch và đô thị hóa mạnh mẽ hơn ở các địa phương. Đây cũng là lý do bất động sản khu vực vệ tinh, hứa hẹn tăng sức hấp dẫn trong tương lai gần.
Phương Anh