Thứ sáu, 03/01/2025 03:37 (GMT+7)
Thứ ba, 28/06/2022 06:55 (GMT+7)

Hàng không Việt Nam phải đến năm 2025 mới có thể phục hồi hoàn toàn

Theo dõi KTMT trên

Thị trường hàng không Việt Nam đã phục hồi nhanh, với tốc độ phục hồi trong top 10 các thị trường hàng không trên thế giới, nhưng theo dự đoán của các hãng, phải đến năm 2025 họ mới có lợi nhuận như thời điểm 2019.

Thị trường nội địa đã có bước "khởi sắc"

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2022. Lượng hành khách và sản lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Các hãng hàng không nội địa đã vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 667.000 khách, tăng 1.033%. Khách nội địa đạt 19,5 triệu khách, tăng 51,8%.

Hàng không Việt Nam phải đến năm 2025 mới có thể phục hồi hoàn toàn - Ảnh 1
Hàng không Việt Nam phải đến năm 2025 mới phục hồi hoàn toàn. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia ở Hiệp hội Vận tải hàng không đánh giá, với thị trường Việt Nam, dự kiến sẽ có những dấu hiệu tích cực cả ở nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường hàng không còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Thứ nhất là giá nhiên liệu tăng quá cao, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 khiến phần chi phí tăng thêm của các hãng là vài ngàn tỉ đồng.

Thứ hai là thị trường quốc tế đi đến Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã nới lỏng các quy định về nhập cảnh và cách ly, song do tình hình dịch bệnh còn khó lường, các hạn chế về nhập cảnh và cách ly của các thị trường chính của Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc khiến tốc độ hồi phục của thị trường quốc tế còn chậm, đặc biệt trong nửa đầu 2022.

Trong các giai đoạn sau, ngay cả khi phục hồi, tốc độ phục hồi dự kiến sẽ chậm do khách du lịch, vốn chiếm tới 70% lượng khách, chưa thể phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Theo dự đoán của các hãng hàng không Việt Nam, phải đến quý IV-2023 thị trường hàng không quốc tế mới phục hồi hoàn toàn cùng thị trường nội địa và đến 2025 mới có lợi nhuận như thời điểm 2019.

Còn thị trường khách quốc tế, mặc dù các hãng cấp tập mở lại các thị trường đông dân như Ấn Độ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… nhưng đối tượng khách chủ yếu vẫn là khách công vụ, chuyên gia, người hồi hương… trong khi đối tượng khách chủ đạo là khách du lịch (vốn chiếm tới 90% nhu cầu) vẫn chưa thể phục hồi như trước dịch. Hai thị trường lớn là khách Trung Quốc và Nga hiện chưa khai thác được và tình trạng đóng băng hai thị trường này còn kéo dài.

Cần "lực đẩy" để phục hồi

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận đúng vai trò của ngành hàng không là một trong những trụ cột quan trọng của quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, từ đó có cơ chế, chính sách kịp thời và đủ lớn để tạo “lực đẩy” cho ngành hàng không nắm lấy cơ hội bứt phá, vượt lên trước các đối thủ trong khu vực đang phục hồi khó khăn hơn.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn thay đổi. Hàng không Việt Nam đang có cơ hội trỗi dậy rất là mạnh và hoàn toàn có thể vươn lên tạo lập vị thế trên thế giới. Cần có cách tiếp cận hàng không Việt Nam như một thế lực quốc gia có vị thế toàn cầu, tạo "sức bật" cho cả nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay”, PGS, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Kiên, cần xây dựng một Đề án tổng thể cơ cấu lại ngành hàng không nhằm giải quyết được những khó khăn trước mắt cũng như thực hiện quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Cụ thể, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu soạn thảo, đề xuất các phương án sửa một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2022 để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp về tình hình tài chính;

Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp; nghiên cứu phương án các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc quyền quản lý được phép hợp vốn để đầu tư hạ tầng hàng không và hãng bay như một tổ chức quản lý vốn mà không làm giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được giao quản lý…

Trước tình trạng lạm phát tăng cao và biến động giá nhiên liệu toàn cầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng Bộ Tài chính cần xem xét kiến nghị của các hãng hàng không về việc áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022.

Bên cạnh đó, kiến nghị của các hãng hàng không về việc phụ thu nhiên liệu, điều chỉnh trần giá vé máy bay trên chặng nội địa cần được nghiên cứu, ban hành để phù hợp với thực tế khai thác cũng như thông lệ quốc tế.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Hàng không Việt Nam phải đến năm 2025 mới có thể phục hồi hoàn toàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới