Thứ bảy, 23/11/2024 01:34 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/07/2021 07:59 (GMT+7)

Hàn Quốc dùng công nghệ sử dụng lá thông để đo ô nhiễm không khí

Theo dõi KTMT trên

Một trong những ưu điểm chính của công nghệ trên là cho phép đọc các chất gây ô nhiễm không khí ở những khu vực không có trạm quan trắc chất lượng không khí gần đó.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Môi trường Hàn Quốc (MoE) vừa cho phép áp dụng công nghệ mới sử dụng lá thông làm chất kết hợp sinh học để đọc mức độ ô nhiễm không khí do các hạt kim loại nặng gây ra.

Công nghệ này được phát triển từ ý tưởng rằng các kim loại nặng trong không khí được lá cây sống hấp thụ và tích tụ bên trong chúng.

Hàn Quốc dùng công nghệ sử dụng lá thông để đo ô nhiễm không khí - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

MoE cho biết một trong những ưu điểm chính của công nghệ trên là cho phép đọc các chất gây ô nhiễm không khí ở những khu vực không có trạm quan trắc chất lượng không khí gần đó hoặc những nơi khó vận chuyển các thiết bị đọc chất lượng không khí do điều kiện của khu vực cụ thể.

Do cây thông ở Hàn Quốc là cây lâu năm nên việc sử dụng công nghệ với loại cây này rất thuận tiện.

Lá thông cũng được chọn để áp dụng công nghệ này vì những kim loại nặng sẽ bám vào cành thông ít nhất hai năm, giúp chúng có nhiều thời gian để tích tụ và lưu giữ các kim loại nặng từ không khí (nếu có).

Được Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia (NIER) thuộc MoE phát triển, công nghệ trên yêu cầu mẫu lá thông từ những cây ít nhất một năm tuổi và cao tối thiểu 3m ở những khu vực nghi ngờ ô nhiễm không khí.

Các lá thông thu thập được cần được cắt nhỏ, đồng thời được giữ ở nhiệt độ cực thấp và sau đó trải qua quá trình đồng nhất.

Sau khi làm đông khô các mẫu lá thông, trải qua quá trình xử lý sơ bộ, các mẫu lá thông phải được kiểm tra bằng cách sử dụng các thiết bị như ICPAES (máy quang phổ phát xạ nguyên tử plasma ghép cảm ứng) và GCMS (máy khối phổ sắc ký khí) để đo các chất ô nhiễm tiềm ẩn trong chúng, chẳng hạn như chì, cadimi, crom và hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs).

NIER cho biết công nghệ này rất có giá trị vì giúp cung cấp một chỉ số môi trường mới. Cơ quan này có kế hoạch thử nghiệm công nghệ trên trong lĩnh vực môi trường bắt đầu từ năm 2022.

Luật "Bảo tồn không khí sạch" của Hàn Quốc xác định 64 chất gây ô nhiễm không khí, từ chất ô nhiễm dạng khí đến các chất dạng hạt, gồm 10 loại chất ô nhiễm không khí kim loại nặng khác nhau, 16 PAH và 16 hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).

Luật này quy định rằng không khí chứa trung bình hơn 0,5 microgam chì/m3 hoặc hơn 5 microgam benzen/m3 (được phân loại là VOC) mỗi năm, được coi là bị ô nhiễm.

Anh Nguyên

Theo TTXVN/Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết Hàn Quốc dùng công nghệ sử dụng lá thông để đo ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới