Hạn hán khiến các hồ nước ở phía Tây nước Mỹ cạn kiệt đến mức báo động
Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất lịch sử của khu vực này, gây ảnh hưởng đến 75 triệu người. Nguyên nhân là do việc thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng trong hai năm qua, kết hợp với biến đổi khí hậu.
Tờ báo Daily Mail của Anh đưa tin, các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy các hồ nước ở phía Tây nước Mỹ đã cạn kiệt đến mức báo động do hạn hán nghiêm trọng hoành hành. Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất lịch sử của khu vực này, gây ảnh hưởng đến 75 triệu người.
Nguyên nhân gây ra đợt hạn hán nghiêm trọng lần này là do việc thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng trong hai năm qua, kết hợp với biến đổi khí hậu.
Khoảng 89% miền Tây nước Mỹ đang phải trải qua hạn hán, với hơn 50% được báo cáo là trong tình trạng hạn hán "cực đoan". Hình ảnh vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho thấy tình trạng đáng báo động về các hồ chứa nước trải dài từ bang California đến Utah và Oregon trong năm nay.
Hồ Shasta - hồ chứa lớn nhất của California - chỉ có 42% dung tích chứa nước. Hồ Powell ở mức chưa đến 35%, với phần lớn lòng sông của hồ được nhìn thấy từ không gian. Tương tự, hồ Folsom ở California - hiện chỉ chứa 35% nước. Hồ Mead - hồ chứa được hình thành bởi đập Hoover trên sông Colorado ở miền Nam Nevada - đang ở mức thấp nhất lịch sử, chỉ 34,7%.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, nhiệt độ trên mức trung bình được dự đoán ở Mỹ có thể khiến tình trạng khô hạn xảy ra trên khắp đất nước và làm tăng mức độ khô hạn ở các bang bị hạn hán thảm khốc.
Mai Đan