Chủ nhật, 24/11/2024 07:23 (GMT+7)
Thứ năm, 18/07/2024 09:26 (GMT+7)

Hải Dương: Tăng cường chuyển đổi số để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Theo dõi KTMT trên

Hải Dương đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc thực hiện chuyển đổi số. Tỉnh này đã đầu tư và đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Theo lộ trình phát triển đến năm 2025, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GRDP; từng bước hình thành, đồng bộ ba trụ cột gồm: Kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.

Để thực hiện được mục tiêu, thời gian qua, các cấp chính quyền của tỉnh này đã và đang từng bước xây dựng chính quyền điện tử, trong đó đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn nhằm chuyển đổi cách thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành từ mô hình truyền thống sang môi trường số.

Hải Dương: Tăng cường chuyển đổi số để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1
Tỉnh Hải Dương đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp ít phải đến giải quyết trực tiếp.

Hiện nay, ngày càng nhiều thủ tục hành chính được áp dụng giải quyết trực tuyến toàn trình nên người dân, doanh nghiệp ở địa phương này ít phải đến giải quyết trực tiếp tại cơ quan hành chính công. Các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trực tuyến toàn trình góp phần thúc đẩy chương trình chuyển đổi số của Hải Dương do quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thanh toán lệ phí (nếu có) sẽ hoàn toàn thực hiện trên môi trường mạng và kết quả giải quyết được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. 

Ðáng chú ý, công tác số hóa hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối chính quyền theo Ðề án 06 của tỉnh đã hoàn thành. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh này đã đồng bộ 100% hồ sơ lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng công việc trong các cơ quan nhà nước.

“Điểm sáng” chuyển đổi số trong nông nghiệp

Có thể nói, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một điểm sáng của tỉnh Hải Dương đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ngành nông nghiệp của địa phương này đã từng bước “thay da đổi thịt” nhờ chuyển đổi số. Lĩnh vực nông nghiệp có thêm nhiều mô hình ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hải Dương: Tăng cường chuyển đổi số để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 2
Chuyển đổi số đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Hải Dương.

Tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ số phát triển nông nghiệp tại Hải Dương có thể kể đến như: Công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh. Ngoài ra còn có mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, hướng tới xuất khẩu tại các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hàng hóa. Qua đó tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tỉnh này còn đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP lên nhiều nền tảng số như: Báo chí điện tử, các mạng xã hội Facebook, Zalo. Điển hình là sản phẩm cà rốt ở huyện Cẩm Giàng, vải thiều ở huyện Thanh Hà. Cách làm này đã giúp cho nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn và vẫn giữ được giá.

Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp

Trong sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương đã sớm ứng dụng chuyển đổi số đem lại lợi nhuận lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Ðiển hình như Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Hải Dương đã ứng dụng tự động hóa hoàn toàn trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất hàng nghìn tấn thức ăn mỗi ngày chỉ cần hai kỹ sư vận hành toàn bộ quá trình từ lúc nhập nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Mỗi năm công ty đóng góp cho ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng.

Thông qua thương mại điện tử, tỉnh này đã thực hiện kết nối các doanh nghiệp, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển. Các doanh nghiệp của tỉnh đã ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm góp phần thúc đẩy dịch vụ phát triển hướng tới xuất khẩu hàng hóa.

Hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng internet phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới.

Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp về công nghệ

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương không ngừng kêu gọi đội ngũ chuyên gia cũng như các doanh nghiệp đầu ngành công nghệ đầu tư, phát triển trên địa bàn. Tỉnh này đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Liên minh SAIGONTEL-NGS; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty viễn thông MobiFone.

Hải Dương: Tăng cường chuyển đổi số để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 3
Hải Dương luôn mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp cùng đồng hành, đầu tư, tư vấn giúp tỉnh thực hiện chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội.

Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã làm việc với Công ty Cổ phần FPT về kết quả hợp tác chuyển đổi số và đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp giáo dục FPT trên địa bàn. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT Nguyễn Văn Khoa đề xuất UBND tỉnh xem xét, giới thiệu và chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Tổ hợp giáo dục FPT với diện tích 5-10 ha tại tỉnh này. Dự kiến sau khi được bàn giao đất và hoàn thiện các thủ tục, Công ty Cổ phần FPT sẽ tiến hành xây dựng, đưa tổ hợp giáo dục vào hoạt động sau 8 tháng.

Trong giai đoạn 2024-2025, FPT dự kiến sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; triển khai các giải pháp về an toàn, an ninh thông tin; triển khai các mô hình của Đề án 06 như: FPT.Kiosk thông minh, khảo thí online và nền tảng xác thực căn cước công dân gắn chip FPT.IDCheck; giải pháp số hóa và nền tảng lưu trữ điện tử dùng chung, xây dựng và hình thành kho dữ liệu số cho tỉnh; triển khai hệ thống quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử và hệ thống quản lý hành nghề y tế.

Giai đoạn 2026-2030, FPT phối hợp với Hải Dương triển khai ưu tiên một số nền tảng số dùng chung phục vụ chuyển đổi số và đô thị thông minh như: Không gian đô thị (GIS), internet vạn vật (IoT); các dịch vụ, tiện ích thông minh cho các ngành du lịch, công thương, nội vụ, xây dựng, y tế, giáo dục, giao thông.

Nhờ những hướng đi đúng đắn, trong vài năm trở lại đây, Hải Dương luôn có chỉ số chuyển đổi số (DTI) đứng trong số 15 tỉnh top đầu cả nước. Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Hải Dương đứng thứ 17 cả nước, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 22 cả nước.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương: Tăng cường chuyển đổi số để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới