Thứ sáu, 22/11/2024 03:06 (GMT+7)
Thứ tư, 24/07/2024 15:31 (GMT+7)

Hải Dương: Có thể tái sử dụng chất thải rắn xây dựng làm vật liệu san lấp

Theo dõi KTMT trên

Theo quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng vừa được UBND tỉnh Hải Dương ban hành, phế thải xây dựng có thể được tái sử dụng làm vật liệu san lấp.

UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh (kèm theo Quyết định số 23/2024/QĐ-UBND).

Theo quy định này, chất thải rắn xây dựng phát sinh trong quá trình thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng được phân loại thành: Chất thải rắn xây dựng có khả năng tái chế, tái sử dụng; không có khả năng tái chế, tái sử dụng phải xử lý; chất thải rắn xây dựng nguy hại được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Chất thải rắn xây dựng sau khi phân loại không được để lẫn với các chất thải khác và phải được lưu giữ riêng.

Các loại chất thải rắn xây dựng được tái chế, tái sử dụng theo các mục đích sau: Chất thải rắn xây dựng dạng bê tông và gạch vụn chủ yếu được tái chế thành cốt liệu thô, có thể sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác hoặc san nền. Đối với chất thải rắn xây dựng như gỗ, giấy chủ yếu được tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ, nhiên liệu đốt. Đối với chất thải rắn xây dựng là vật liệu hỗn hợp nhựa đường, có thể tái chế thành vật liệu bê tông nhựa (dạng cốt liệu). Đối với phế liệu là thép và các vật liệu kim loại khác, có thể trực tiếp tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho ngành luyện kim. Các loại chất thải rắn xây dựng khác có khả năng tái chế, tái sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo mục đích phù hợp.

Hải Dương: Có thể tái sử dụng chất thải rắn xây dựng làm vật liệu san lấp - Ảnh 1
Phế thải xây dựng có thể được tái sử dụng trong san lấp. (Ảnh minh họa)

Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định, chất thải rắn xây dựng sau khi đào, phá dỡ được tái chế, tái sử dụng, xử lý theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Chất thải không có khả năng tái chế, tái sử dụng được chuyển giao cho đơn vị có chức năng để xử lý đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với chất thải rắn xây dựng có thành phần nguy hại phải được xử lý theo quy định tại Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản pháp luật hướng dẫn về quản lý chất thải nguy hại.

Cũng theo quy định này, việc quản lý chất thải rắn xây dựng trong quá trình thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình của các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường 2020; khi thiết kế công trình phải có giải pháp thiết kế và công nghệ, lựa chọn sử dụng vật liệu hợp lý nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh, khuyến khích tái sử dụng chất thải rắn xây dựng phát sinh; khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát việc thực hiện các quy định quản lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn.

Về địa điểm xử lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước, tỉnh Hải Dương quy hoạch tại 5 khu xử lý chất thải rắn ở huyện Thanh Hà, Thanh Miện, Bình Giang, thị xã Kinh Môn và TP.Chí Linh theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoặc xử lý tại các cơ sở có năng lực xử lý phù hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Địa điểm tập kết, đổ chất thải rắn xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan. Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng, vật liệu, đất đào thừa từ các công trình xây dựng được tập kết tạm thời tại các vị trí không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh để tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng hoặc sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp do UBND xã, phường, thị trấn xác định.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương: Có thể tái sử dụng chất thải rắn xây dựng làm vật liệu san lấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.