Giải pháp nào cho xử lý chất thải xây dựng?
Cùng với quá trình đô thị hóa, từ nông thôn đến thành thị, không khó khi bắt gặp những công trình xây dựng. Điều này khiến lượng chất thải xây dựng phát sinh ngày càng nhiều tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại tới 5% GDP, tương đương với 10 tỉ USD vì môi trường ô nhiễm, chủ yếu do chất thải ngày một nhiều hơn nhưng không được thu gom, xử lý tốt, trong đó 25-30% là rác thải xây dựng.
Số liệu báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày tại những đô thị lớn của Việt Nam, như: Hà Nội, T.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... lượng chất thải rắn phát sinh ra môi trường khoảng 50.000 – 60.000 tấn, chất thải rắn xây dựng chiếm từ 12 – 15% tổng số lượng chất thải rắn đô thị. Trong khi đó, hiện nay các đô thị có khoảng trên 2.200 căn hộ (khoảng 6 triệu m2) được xây dựng vào thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước, khoảng 90% đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đáng nói, để giảm cho phí xử lý chất thải nên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã đổ trộm chất thải rắn xây dựng ra đường hoặc các khu vực ít dân cư, khu vực có nhiều ao hồ… Điều này đã gây ra nhiều hệ luỵ đối với xã hội như mất vệ sinh, ô nhiễm, bụi bẩn, ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng đô thị trong tương lai.
Theo các chuyên gia, các điểm trung chuyển chất thải rắn xây dựng thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm dường như là điều hiển nhiên. Mặt khác, cách thức xử lý chất thải rắn xây dựng hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Điều này đòi hỏi có những bãi chôn lấp lớn, tốn diện tích, chưa kể, chất thải xây dựng rất khó phân hủy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.
Thực tế trên đòi hỏi cần có giải pháp quản lý mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào xử lý chất thải rắn xây dựng một cách hiệu quả, an toàn với môi trường.
Theo KS.Ngô Kim Tuân – Đại học Xây dựng Hà Nội, thành phần của chất thải xây dựng gồm: 36% đất, sỏi, cát; 31% gạch và khối xây; 23% bê tông; còn lại 10% là nhựa và kim loại. Trong khi đó, phương pháp xử lý phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là đổ bừa bãi ra môi trường và chôn tại những bãi chôn lấp. Tại đô thị lớn, khoảng 50 – 55% lượng chất thải xây dựng sinh ra hàng ngày đều được thải bỏ ở bãi chôn lấp, vật liệu có thể bán được như thép, kim loại, gỗ, nhựa được phân loại tại các điểm tập kết và bán cho người tái chế.
“Lượng chất thải xây dựng còn lại chủ yếu được thải bỏ theo hình thức đổ thải bất hợp pháp. Việc cải thiện việc đổ thải bất hợp pháp chất thải xây dựng là một thách thức lớn đối với tất cả các bên liên quan, cần phải có biện pháp đối phó hiệu quả để ngăn chặn” – KS.Ngô Kim Tuân cho hay.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định có liên quan đến việc xử lý chất thải xây dựng. Cụ thể, Luật Xây dựng năm 2014 quy định rằng các nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm về quản lý chất thải xây dựng; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định rằng chất thải xây dựng sẽ được thu thập, xử lý đầy đủ; hay Nghị định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình năm 2009 quy định, nhà thầu xây dựng phải vận chuyển và thải bỏ chất thải xây dựng tại những nơi được chỉ định.
Cùng với đó là một số chiến lược nhằm quản lý, tái chế nguồn chất thải xây dựng, như: Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị, khu công nghiệp Việt Nam; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 với tầm nhìn đến năm 2020; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến đến năm 2050, tất cả chất thải rắn sẽ được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý toàn diện bằng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với từng địa phương.
Đặc biệt, tầm quan trọng của nghiên cứu, thúc đẩy tái chế chất thải được nhấn mạnh trong Luật Bảo vệ môi trường mới được sửa đổi; Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn theo Quyết định số 609/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ được chia thành ba khu vực để thu gom và xử lý chất thải rắn.
“Các thành phần chính của chất thải xây dựng như đất, gạch, bê tông có thể được tái chế, tái sử dụng bằng cách xử lý, quản lý thích hợp và có thể được sử dụng cho các công trường xây dựng khác. Ví dụ, đất dùng để sản xuất gạch đất sét, sỏi và cốt liệu có thể dùng cho vật liệu nền đường, sản xuất bê tông... Việc sử dụng vật liệu tái chế góp phần trực tiếp để tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường” – KS.Ngô Kim Tuân nhận định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành chiến lược, quyết định về quản lý chất thải rắn nhưng hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật chi tiết để thúc đẩy việc xử lý, tái chế chất thải xây dựng.
Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn cần thiết cho vật liệu tái chế từ chất thải xây dựng và hướng dẫn về việc sử dụng vật liệu tái chế (ví dụ như vật liệu nền đường, cốt liệu bê tông...) chưa được quy định đầy đủ. Chất thải xây dựng có giá trị lớn cho việc tái sử dụng và tái chế, tuy nhiên, hiện các nhà máy, cơ sở tái chế chất thải xây dựng vẫn chưa được phát triển.
Theo PGS.TS.Nguyễn Thanh Sang, Giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải, hiện nay đã có công nghệ nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Công nghệ trên cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. Các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng để chế tạo bê tông tươi.
Việc đưa công nghệ này vào ứng dụng tại Việt Nam sẽ giải được bài toán tận dụng được nguyên liệu cát tái chế trong bối cảnh tài nguyên cát đang cạn kiệt; ô nhiễm môi trường do quá trình vận chuyển và quá tải tại các bãi tập kết.
Minh Tuệ