Hải Dương ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn giai đoạn 2025-2030. Theo đó, đến năm 2030 tỉnh này không chấp nhận các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu phát khí thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao.
Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của Hải Dương bao gồm các hành động, giải pháp phù hợp với năng lực của tỉnh này nhằm kiểm soát, giảm thiểu các nguồn ô nhiễm. Đồng thời tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường mà địa phương này đã đặt ra.
Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Hải Dương quan trắc hiện trạng môi trường với tần suất quan trắc 4 đợt/năm, với 77 điểm quan trắc môi trường không khí định kỳ. Qua đánh giá diễn biến chất lượng môi trường và kiểm kê phát thải từ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh cho thấy nhìn chung chất lượng môi trường không khí của tỉnh Hải Dương tương đối ổn định ở mức tốt. Tuy nhiên, một số khu vực như TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng… có nồng độ bụi cao hơn so với các khu vực khác là do sự tập trung của các khu công nghiệp, mỏ khai khoáng và hệ thống giao thông đông đúc.
Tuy nhiên cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển mẽ về kinh tế - xã hội, đặc biệt là công nghiệp và giao thông, cho thấy tiềm ẩn nguy cơ phát thải một số chất có khả năng gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh như: bụi (TSP, PM10, PM2.5), các chất khí CO, SO2, NO2... và đặc biệt là khí thải nhà kính CO2.
Tỉnh này đề ra mục tiêu năm 2025, tiếp tục duy trì trên phạm vi toàn tỉnh các thông số cơ bản trong môi trường không khí xung quanh có giá trị nồng độ đáp ứng và nằm trong ngưỡng GHCP theo QCVN 05:2023/BTNMT. Đồng thời tăng cường công tác cảnh báo, dự báo và giám sát, kiểm soát chất lượng môi trường không khí.
Đến năm 2030, đối với phát thải từ nguồn điểm, Hải Dương phấn đấu 100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc khí, bụi thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu online về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý. 100% số doanh nghiệp có phát thải khí bụi thải phải đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống thiết bị xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, tiết kiệm mức năng lượng từ 3 - 5%. Quy hoạch tỷ lệ cây xanh để giảm phát thải khí nhà kính tại các khu vực sản xuất công nghiệp 20%, tại các khu đô thị đạt 10%.
Hải Dương không chấp nhận các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu phát thải khí thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. 100% các cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thực hiện kiểm kê khí thải.
Đối với phát thải từ nguồn di động sẽ giảm nồng độ bụi TSP, phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đáp ứng được 5 - 10% nhu cầu đi lại của nhân dân. Loại bỏ và nghiêm cấm 100% các xe cơ giới không còn đủ điều kiện tham gia giao thông… Đối với phát thải từ nguồn điện, kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp; hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt đốt phế phẩm nông nghiệp tự phát sau thu hoạch.
Theo kế hoạch, tỉnh này sẽ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từng bước giảm các bãi chôn lấp, xóa bỏ các bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Dựa trên kết quả đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, UBND tỉnh xác định toàn tỉnh cần duy trì và cải thiện chất lượng môi trường, riêng một số địa bàn như TP.Hải Dương, TP.Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng cần được kiểm soát và giảm thiểu một số chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi TSP.
Sông Hồng