Thứ tư, 27/11/2024 03:37 (GMT+7)
Thứ năm, 12/05/2022 11:05 (GMT+7)

Hà Nội: Chưa tháo dỡ công trình lấn chiếm hồ Đà Sen vì... thiếu người!

Theo dõi KTMT trên

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội), việc tháo dỡ công trình lấn chiếm hồ Đà Sen của hộ bà Thủy chưa hoàn thành do khó khăn về lực lượng?.

Ngày 10/5, Trao đổi với PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường về việc xử lý công trình xâm phạm, lấn chiếm trái phép của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bích Thủy, ông Lê Văn Mão – Bí thư Đảng ủy xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội), cho biết: “Chính quyền địa phương quyết tâm xử lý triệt để công trình sai phạm của gia đình bà Thủy. Cá nhân tôi cũng nhiều lần chỉ đạo anh em cương quyết xử lý đến cùng, không để công trình sai phạm tồn tại. Hiện chính quyền địa phương đã báo cáo sự việc cho Đảng ủy, UBND huyện Thạch Thất”.

Theo ông Mão, khu hồ Đà Sen (thôn Linh Sơn, xã Bình Yên) có chức năng điều hòa, phục vụ công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp ho nhân dân thôn Linh Sơn và thôn Thái Bình. Đây là đất công do UBND xã Bình Yên quản lý với loại đất là đất nuôi trồng thủy sản.

Khu hồ Đà Sen được trích đo tại thửa đất số 3, tờ bản đồ số 18, với diện tích 10.522,2 m2 và thửa đất số 5, tờ bản đồ số 18, với diện tích 23.433,6 m2. Tổng diện tích khu hồ là 33.955,8 m2.

Hà Nội: Chưa tháo dỡ công trình lấn chiếm hồ Đà Sen vì... thiếu người! - Ảnh 1
Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Yên - ông Lê Văn Mão, toàn bộ các công trình lấn chiếm hồ Đà Sen gồm "cầu tình yêu" sẽ bị tháo dỡ, xử lý.

Theo Báo cáo số 29/BC-UBND ngày 28/4 của UBND xã Bình Yên gửi UBND huyện Thạch Thất, ngày 15/4, qua kiểm tra, chính quyền địa phương đã phát hiện hộ bà Nguyễn Thị Bích Thủy mua lưới đen cao 3m và dài 150m căng dọc theo phía Bắc của hồ Đà Sen nhằm che đậy việc kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng. Bên trong hộ dân này tự ý xây dựng tường bao bằng gạch ba vanh với chiều cao 0,9m và dài 133m.

Hà Nội: Chưa tháo dỡ công trình lấn chiếm hồ Đà Sen vì... thiếu người! - Ảnh 2
Tuy nhiên trên thực tế, các công trình sai phạm lấn chiếm hồ Đà Sen của gia đình bà Thủy vẫn đang được giữ nguyên, chưa bị tháo dỡ như báo cáo của chính quyền địa phương.

Trong quá trình kiểm tra, chính quyền tiếp tục ghi nhận hộ bà Thủy còn tự ý dựng cột bê tông hình trụm phía trên có cột thép hình chữ I với diện tích 17,5m x 1,4m x 1,5m (dài x rộng x cao); dựng cột bê tông hình trụ cao 1,5m và đóng cọc tre với tổng chiều dài 25m.

Cũng theo báo cáo của UBND xã Bình Yên, hộ gia đình bà Thủy tự ý đóng cọc tre, cọc bê tông ra hồ với chiều ngang 1,5m X chiều dài 50m. Diện tích đất hồ Đà Sen hộ bà Thủy tự ý sử dụng đất mà chưa được các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép là 419,8m2.

Đến ngày 16/4, UBND xã đã tổ chức làm việc với bà Nguyễn Thị Bích Thủy về việc vi phạm tại hồ Đà Sen. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Bích Thủy cam kết tự tháo dỡ công trình vi phạm xong trước ngày 26/4.

Hà Nội: Chưa tháo dỡ công trình lấn chiếm hồ Đà Sen vì... thiếu người! - Ảnh 3
Một phần khu đất hồ Đà Sen bị hộ bà Thủy tự ý lấn chiếm, sử dụng trái phép (bên phải hồ).

Ngay sau đó, UBND xã tiến hành lập hồ sơ xử lý đối với trường hợp vi phạm của hộ bà Nguyễn Thị Bích Thủy về việc tự ý sử dụng đất khi chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Đến ngày 21/4, UBND xã Bình Yên ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ bà Nguyễn Thị Bích Thủy.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Yên - ông Lê Văn Mão, gia đình bà Thủy đã thuê người tự tháo dỡ công trình vi phạm tại khu Đà Sen vào ngày 26/4. Tuy nhiên, quá trình tháo dỡ vẫn chưa thực hiện triệt để.

Hiện vẫn còn 20m tường bao phía Bắc của hồ do nguyện vọng của nhân dân thôn Linh Sơn đề nghị được giữ làm để làm đường đi; 25 m cọc tre chưa thực hiện tháo dỡ do mực nước quá cao, máy móc phương tiện không tiếp cận được. UBND xã Bình Yên đang cùng hộ bà Thủy lập phương án để tiến hành tháo dỡ trả lại mặt bằng theo đúng quy định.

Theo ông Mão, lý do khiến việc tháo dỡ công trình sai phạm của bà Thủy chưa thực hiện xong là do khó khăn về lực lượng!?. Dù UBND xã Bình Yên đã phối hợp với nhân dân thôn Linh Sơn hỗ trợ tháo dỡ công trình vi phạm để trả lại mặt bằng cho hồ Đà Sen vào ngày 27/4, nhưng mới chỉ tháo dỡ được một phần công trình sai phạm.

Hà Nội: Chưa tháo dỡ công trình lấn chiếm hồ Đà Sen vì... thiếu người! - Ảnh 4
Phía ngoài khu đất được rào tôn cẩn thận ngăn không cho người khác ra vào khu đất.

Trước những câu hỏi về thời hạn tháo dỡ công trình sai phạm của hộ bà Thủy, ông Mão liên tục khẳng định sẽ xử lý triệt để sai phạm của gia đình bà Thủy. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Yên không đưa ra được thời hạn cụ thể

Sau buổi trao đổi với lãnh đạo địa phương, PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục ghi nhận về tình trạng san lấp, lấn chiếm, bê tông hóa ao hồ trên địa bàn TP. Hà Nội tại hồ Đà Sen (thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Theo ghi nhận của PV, các công trình vi phạm như “cầu tình yêu”, bờ rào phía Nam hồ Đà Sen,…vẫn được giữ nguyên. Bên cạnh đó, khu đất hồ Đà Sen bị gia đình bà Thủy lấn chiếm, tự ý sử dụng vẫn được quây tôn cẩn thận, phía trong trụ bê tông các loại đang được tập kết chờ thi công?

Phải chăng “quyết tâm” của UBND xã Bình Yên trong việc xử lý công trình sai phạm, lấn chiếm hồ Đà Sen của gia đình bà Thủy chỉ dừng lại trên văn bản? Trong khi đó thời hạn cho gia đình bà Thủy tự tháo dỡ các công trình sai phạm, lấn chiếm trôi qua nhiều ngày nhưng chính quyền địa phương vẫn không đưa ra được các biện pháp xử lý triệt để theo chỉ đạo của UBND huyện Thạch Thất.

Không những vậy, chính quyền địa phương còn “xin” giữ lại công trình để làm đường đi theo nguyện vọng của nhân dân thôn Linh Sơn? Không hiểu ai có thể đi lại trên con đường này khi “con đường” mà UBND xã Bình Yên đề cập đến nằm hoàn toàn trong khu đất bị gia đình bà Thủy quây tôn kín mít?

Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường nhận được ý kiến của độc giả về tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép lòng hồ Đà Sen, gây ảnh hưởng đến chức năng tích nước và điều tiết nước của hồ, tác động trực tiếp đến môi trường sống của người dân.

Theo thống kê gần đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn Thủ đô hiện chỉ còn lại 111 hồ với tổng diện tích 1.165 ha. Nhiều diện tích ao hồ đã bị san lấp và lấn chiếm. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, tính từ 1990 trở lại đây, tại Hà Nội đã có tới 21 hồ bị xóa sổ, hơn 150 ha diện tích mặt nước hồ "bốc hơi".

Mặc dù TP. Hà Nội đã đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt để bảo vệ ao hồ nhưng dường như những biện pháp quyết liệt ấy không chống lại được sự cám dỗ của "cơn sốt đất".

Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, những năm qua, các chính sách cụ thể nhằm cải tạo và bảo vệ ao hồ vẫn chưa thực sự hiệu quả. Kết quả là nhiều ao hồ còn bị ô nhiễm, tiếp tục bị lấn chiếm. Thậm chí, đến bây giờ vẫn bị lấn chiếm mà chưa có phương án để giải quyết dứt điểm.

"Phải mặc lại áo cho ao, hồ. Nói cụ thể hơn là cần phải quan tâm hơn, bảo vệ ao hồ không bị ô nhiễm, cải tạo lại tránh để nhếch nhác đến khuôn mặt của ao hồ, cũng là của chung thành phố. Bởi giá trị của ao hồ là vô cùng lớn lao đối với người dân đô thị. Ao hồ như những "lá phổi" của thành phố", ông Đăng nhấn mạnh.

Hà Nam - Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Chưa tháo dỡ công trình lấn chiếm hồ Đà Sen vì... thiếu người!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới.