Thứ bảy, 27/04/2024 02:24 (GMT+7)
Thứ ba, 07/12/2021 14:00 (GMT+7)

Hà Nội: Chỉ khoảng 28,8% nước thải được xử lý trên địa bàn thành phố

Theo dõi KTMT trên

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tổng công suất xử lý nước thải trên địa bàn thành phố là 276.300m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.

Hiện trên địa bàn thành phố có 6 nhà máy/trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ), với tổng công suất là 276.300 m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.

Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm sông, hồ nhiều năm qua ở Hà Nội là do nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh và nước thải của khu, cụm công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng vào mà không qua xử lý làm sạch.

Hà Nội: Chỉ khoảng 28,8% nước thải được xử lý trên địa bàn thành phố - Ảnh 1
TP.Hà Nội tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải theo quy hoạch, đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỉ lệ xử lý nước thải 50%-55%. (Ảnh: Nguyễn Khánh)

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, cho biết Hà Nội hiện có nhiều nhà máy xử lý nước thải nhưng chỉ với công suất nhỏ, đáp ứng xử lý được khoảng 25 đến 30% lượng nước thải đô thị, lượng nước thải còn lại vẫn đang được xả thẳng ra các sông, hồ. Đây là một trong những nguồn thải có khối lượng và nồng độ ô nhiễm cao, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của thành phố, đặc biệt là suy thoái nguồn nước.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nước sông, hồ của Hà Nội ở mức thấp, mới đạt khoảng 30% tiêu chuẩn. Nếu thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì thành phố có thể sớm nâng tỉ lệ này lên 50%; Ngược lại, nếu không quyết liệt, thậm chí chất lượng nước còn tiếp tục giảm.

Bàn về việc ứng dụng các công nghệ thoát nước, xử lý nước thải phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho hay, hiện tại, xu hướng sử dụng các biện pháp công trình, kỹ thuật để ứng phó với ngập lụt đô thị, giảm thiểu tác động của ngập lụt tới xã hội đang trở nên phổ biến. Xu hướng này dẫn tới việc xây dựng các giải pháp công trình, công nghệ như: Tường ngăn lũ, đắp đê hoặc xây hệ thống thoát nước có thể góp phần phát triển đô thị nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro là hệ thống này không đủ sức chống chịu với lũ lụt, nhất là khi lũ lụt nghiêm trọng xảy ra.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải theo quy hoạch bằng nguồn vốn đầu tư công, gồm: Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở; Xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Kiến Hưng (quận Hà Đông); Xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Tây sông Nhuệ.

Đồng thời, thành phố kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); Xây dựng hệ thống xử lý nước thải An Lạc (quận Long Biên); Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Phúc Đồng (quận Long Biên).

Bên cạnh đó, chính quyền TP.Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỉ lệ xử lý nước thải 50%-55%. Thời gian qua, công tác triển khai xây dựng dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, một trong những công trình trọng điểm cải thiện môi trường của TP.Hà Nội, được Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo sát sao. Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gồm 4 gói thầu, trong đó gói thầu số 1 là xây dựng nhà máy công suất 270.000 m3/ngày - đêm và 3 gói thầu thu gom nước thải gắn với sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần sông Nhuệ và các khu đô thị mới. Dự án này được kỳ vọng làm "sống lại" sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ… UBND TP cho biết sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ đồng bộ cả 4 gói thầu, phấn đấu hoàn thành gói thầu số 1 trong quý I/2022.

Để giải quyết vấn đề thoát nước, ngập úng đô thị, theo GS.TS Nguyễn Việt Anh không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tích hợp các giải pháp mang tính liên vùng theo lưu vực sông, theo toàn đô thị đến các giải pháp mang tính chi tiết cho từng dự án phát triển đô thị, từng khu vực đô thị, thậm chí từng công trình cụ thể. Từ các giải pháp cứng gồm kỹ thuật công trình: Bơm, đê, cốt nền, hồ điều tiết đến các giải pháp mềm như bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và cả các giải pháp triệt thoái đô thị tại các khu vực chịu ảnh hưởng quá lớn của ngập úng, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, việc kêu gọi sự tham gia của khối tư nhân là cần thiết để tăng nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng thoát nước.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Chỉ khoảng 28,8% nước thải được xử lý trên địa bàn thành phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới