Hà Lan: Làm mặt đường bằng nhựa tái chế, bền gấp 3 lần nhựa đường?
Công ty xây dựng VolkerWessels, Hà Lan công bố kế hoạch thí nghiệm xây dựng bề mặt đường làm hoàn toàn từ nhựa tái chế.
Công ty xây dựng VolkerWessels gần đây đã công bố kế hoạch thí nghiệm xây dựng bề mặt đường làm hoàn toàn từ nhựa tái chế và cấu trúc xung quanh là một hệ thống rỗng giúp lắp đặt dây cáp và ống dẫn tiện ích một cách tiện lợi hơn.
Theo kế hoạch thay vì sử dụng những sản phẩm từ dầu mỏ, công ty VolkerWessels sẽ triển khai dự án thử nghiệm PlasticRoad, con đường từ rác thải để phục vụ cho xe đạp trong vòng 3 năm tới. Nếu thành công sẽ được triển khai rộng rãi hơn nữa.
Các đoạn đường bằng nhựa tái chế sẽ được làm sẵn trong một nhà máy, sau đó chở ra địa điểm xây dựng để lắp ráp lại với nhau tương tự như chơi các khối vuông LEGO. Những cảm biến giao thông cũng như các chi tiết hỗ trợ đèn giao thông cùng công trình công cộng có thể sẽ được làm ngay trong giai đoạn chế tạo tại nhà máy.
Theo ông Rolf Mars, giám đốc VolkerWessels, KWS Infra, trao đổi với Guardian: "Nhựa cung cấp tất cả các loại lợi thế so với phương pháp xây dựng đường bộ hiện nay, bao gồm cả việc phân lớp đường giao thông và bảo trì".
Bên dưới bề mặt đường sẽ có những khoảng trống để luồng dây cáp hoặc những đường ống nước sau này. Sau khi con đường nhựa tái chế này bị hư hỏng, VolkerWessels hy vọng rằng nó có thể được tái chế để tiếp tục sử dụng làm đường thêm một lần nữa.
Theo VolkerWessels, những con đường làm bằng nhựa tái chế có thể chịu được nhiệt độ từ âm 40 tới 80 độ C, độ bền cao gấp 3 lần so với những con đường bình thường, tuổi thọ kéo dài tới 50 năm. Đường bằng nhựa tái chế ít chịu ảnh hưởng của sự ăn mòn hơn, từ đó không cần dành quá nhiều nguồn lực bảo dưỡng.
Việc dùng nhựa tái chế để làm đường thay cho nhựa đường truyền thống sẽ thân thiện với môi trường hơn. Theo thống kê, mỗi năm, nhựa đường tham gia đóng góp 1,6 triệu tấn CO2 vào khí quyển, chiếm 2% trên tổng số lượng phát thải của hệ thống giao thông đường bộ.
Hiện kế hoạch của VolkerWessels mới dừng lại trên bàn giấy nhưng họ tin rằng kế hoạch sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa. Hệ thống này cũng có thể được đưa vào sử dụng trong vài tuần không cần phải mất tới vài tháng bằng cách sử dụng các phần đúc sẵn và do đó làm giảm thời gian xây dựng tại công trường. Bên cạnh đó, vật liệu này còn có độ bền bằng 3 lần độ bền của nhựa đường.
Việc dùng nhựa tái chế làm đường sẽ giúp cắt giảm lượng khí thải CO2 lên đến 1,6 triệu tấn hàng năm khi sử dụng nhựa đường thông thường (vốn chiếm 2% tổng số lượng khí thải CO2 của hệ thống giao thông đường bộ).
Nguyễn Linh (T/h)