Thứ sáu, 29/03/2024 13:43 (GMT+7)
Chủ nhật, 26/12/2021 10:30 (GMT+7)

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: 'Tôi xin nói về Niềm hy vọng đối với khả năng phát triển điện từ NLTT'

Theo dõi KTMT trên

Tôi thật sự có niềm tin là chúng ta có thể đạt được mức phát triển NLTT qua Quy hoạch điện VIII đang được trình Thủ tướng phê duyệt và mới đây là những mục tiêu thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra ở COP26.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Mới đây, sau sự thành công nhất định của COP26 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và đưa ra những cam kết của Việt Nam thì chúng ta sẽ phải cùng nhau hành động nhiều hơn nữa để đạt được lời hứa đó. Dưới góc nhìn của một nhà khoa học chuyên ngành, GS.TS Hoàng Xuân Cơ-Trưởng Ban khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về vấn đề Năng lượng tái tạo của Việt Nam trong tiến trình phát triển mới. 

Thưa GS.TS Hoàng Xuân Cơ, ông có sẵn lòng chia sẻ với độc giả về những bài viết, ý kiến, nhận định về vấn đề kinh tế môi trường đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường?

Về hưu khi 70 tuổi, vào năm 2020, tôi rất vui được tham gia công tác ở Hội Kinh tế Môi trường và đặc biệt là có mặt trong Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Mới chỉ hơn một năm làm việc ở môi trường báo chí tôi nhận thức được một điều là: Viết báo không phải việc dễ, đặc biệt là những bài báo có nhiều thông tin, phản ánh được những vấn đề đã đang và sẽ xảy ra một cách chân thực, có tính lan tỏa trong cộng đồng, được công đồng đón nhận.

Trong các bài báo, việc đánh giá một sự việc, một vấn đề đã và đang xảy ra đã khó nhưng dự báo những gì sẽ xảy ra còn khó hơn rất nhiều. Đối với tôi, khi phải nói về những gì có thể xảy ra trong tương lai tôi phải suy nghĩ rất nhiều, phải tính đến nhiều yếu tố tác động, phải chú ý đến xu thế có thể xảy ra qua tham khảo tài liệu có liên quan và thậm chí phải hỏi các bạn, các chuyên gia về từng chi tiết nhỏ.

Tôi luôn mong muốn có một phần mềm phát hiện, lưu giữ được những bài viết, bài phát biểu, bài nói về những gì sẽ xảy ra, những tiêu chí sẽ đạt được trong tương lai và có kiểm chứng với thực tiễn diễn ra sau đó.

Giáo sư có thể chia sẻ với độc giả một trải nghiệm của mình không trong năm năm còn giảng dạy về lĩnh vực môi trường?

Cách đây mấy năm, có một phóng viên hỏi tôi về chủ trương đưa một số cây có nguồn gốc nước ngoài vào trồng trồng dọc các phố Hà Nội. Tôi có nói tới khả năng cây đó sẽ không phù hợp mà có thể chậm phát triển, không có được sức sống như cây bản địa, thậm chí có thể bị chết hàng loạt.

Khi trồng thử ở một số tuyến phố không thành công thì có một phóng viên khác (không rõ có phải là người đã hỏi tôi lần trước không) liên hệ với tôi hỏi về nguyên nhân và có phải tôi đã biết trước sẽ diễn ra tình hình cây chết nhiều như vậy không? Tôi trả lời là không hẳn là như vậy. Khi trả lời lần tước, tôi có phần hy vọng dự án thành công, đưa được giống cây đẹp trồng trên đường phố Hà Nội nhưng cũng lo lắng về khả năng thành công không lớn.

Có người nói với tôi cây chết do nhiều nguyên nhân không thể lường hết (cũng đúng), nhưng có điều chắc chắn là chúng ta chưa có nghiên cứu đầy đủ về loài cây này, những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Hà Nội có phù hợp không mà đã đem trồng thì rất dễ thất bại.

Rõ ràng đây là vấn đề rất nhỏ nhưng khi nói ra vẫn có người lưu tâm, để ý và kiểm chứng, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà lưu giữ bài viết, bài nói, bài phát biểu khá dễ dàng.

Xin trở lại đề tài chính của chúng ta hôm nay. Xin ông cho biết, góc nhìn của ông về khả năng phát triển điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2005?

Tôi xin nói về "Niềm hy vọng đối với khả năng phát triển điện từ NLTT".

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: 'Tôi xin nói về Niềm hy vọng đối với khả năng phát triển điện từ NLTT' - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ cùng PV Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Trước đây, chúng tôi cũng có viết một số bài liên quan đến tiềm năng NLTT (chủ yếu là năng lượng gió và năng lượng mặt trời) của Việt Nam, khả năng xây dựng những nhà máy phong điện, nhà máy điện mặt trời nối lưới, phân tích những cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý và công cụ cần có để thúc đẩy phát triển NLTT ở Việt Nam.

Tôi thật sự có niềm tin là chúng ta có thể đạt được mức phát triển NLTT qua Quy hoạch điện VIII đang được trình Thủ tướng phê duyệt và mới đây là những mục tiêu thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra ở COP26.

Nhất là, gần đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) theo Quyết định 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 với đích thân Thủ tướng làm Trưởng ban, một Phó Thủ tướng là Phó ban, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường là Ủy viên thường trực và nhiều Bộ trưởng làm Ủy viên. Chắc chắn để thực hiện cam kết của Việt Nam trong COP26 Việt Nam phải thực hiện nhiều công việc nhưng chắc chắn phải đẩy nhanh phát triển điện NLTT.

Với chỉ đạo từ người có quyền hạn cao nhất của Chính phủ thì chúng ta có thể tin tưởng, hy vọng thực hiện được những gì đã cam kết nhưng chúng ta vẫn còn chờ đợi một kế hoạch thực hiện có tính khả thi cao, có thể huy động được nguồn lực tổng hợp của cả nước và sự trợ giúp quốc tế.

Theo tờ trình số 6277/TTr-BCT của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐVIII) thì công suất nguồn NLTT ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) đạt 29.618-31.418 MW chiếm tỷ lệ 28,9-29,8% tổng công suất các nhà máy điện.

Tuy công suất nguồn NLTT ngoài thủy điện chiểm tỷ lệ lớn như vậy nhưng do đặc thù điện gió, điện mặt trời phụ thuộc vào điều kiện khí tượng, thay đổi nhiều theo thời gian, phát điện không đều, không chủ động nên trong cơ cấu điện sản xuất tỷ lệ điện NLTT ước tính chỉ đạt khoảng 16,4-17,1%. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có thực hiện được mục tiêu đặt ra cho năm 2025 như vậy không?

Vậy, để có được "niềm hy vọng" về ngành năng lượng tái tạo như Giáo sư nói, chúng ta cần phải trải qua những lộ trình như thế nào?

Để có cơ sở hy vọng đạt được mục tiêu phải xem xét các điều kiện sau:

Hy vọng về tiềm năng NLTT: Đã có nhiều bài viết khẳng định Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió nối lưới, điện mặt trời nối lưới, áp mái với khả năng phát triển ở nhiều vùng như vùng Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Nam Bộ…và ở mức tổng công suất lắp đặt khá cao. Vấn đề là phải có cơ chế, có chính sách, quy hoach, kế hoạch tiến hành, thực hiện thật hợp lý, từ khâu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khả thi, có chính sách hỗ trợ hiệu quả thì sẽ xây dựng được nhiều nhà máy điện NLTT trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

Hy vọng về phát triển công nghệ: Chúng ta có thể hy vọng vào phát triển khá nhanh của khoa học, công nghệ, kỹ thuật áp dụng trong ngành điện NLTT. Khoa học công nghệ sẽ từng bước chế tạo được những turbin gió, tấm pin năng lượng mặt trời với hiệu suất cao hơn, giá thành thấp hơn. Mặc dù các thiết bị này Việt Nam chưa sản xuất được nhưng chúng ta phải luôn theo dõi thị trường của các thiết bị này để có thể chọn, áp dụng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Hy vọng về chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và trợ giá: Đây là một trong những điều kiện mang tính quyết định sự thành bại của quy hoạch phát triển điện NLTT.

Để có thể phát triển loại hình phát điện thuộc loại mới này phải có điều kiện cơ sở hạ tầng đi kèm như hệ thống giao thông tốt để vận chuyển turbin gió thuộc loại kích thước, khối lượng lớn, phải có hệ thống đấu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia phù hợp với đặc tính phát điện không liên tục theo thời gian,...

Ngoài ra, cho đến nay, những năm đầu thập kỷ 20 của Thế kỷ 21, giá thành điện gió, điện mặt trời vẫn còn ở mức cao, nhất là ở Việt Nam, khi chúng ta chưa tự chế tạo được thiết bị, phải nhập khẩu, vận chuyển từ rất xa về. Vì vậy, chắc chắn phải có những chính sách hỗ trợ kinh phí dưới dạng nào đấy để các doanh nghiệp tham gia có thể thu được lợi nhuận.

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách hỗ trợi giá mua điện năng lượng gió, năng lượng mặt trời nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất điện NLTT ở lãnh thổ Việt Nam.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: 'Tôi xin nói về Niềm hy vọng đối với khả năng phát triển điện từ NLTT' - Ảnh 2
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh minh họa.

Mới đây nhất, Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá bán điện ưu đãi (giá hỗ trợ - FIT) 8,5 Uscents/kWh trên đất liền và 9,8 UScent/kWh trên biển cho nhà máy điện gió đăng ký được công nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 01/11/2021 trong thời hạn 20 năm.

EVN đã nhận được 106 hồ sơ đăng ký của 106 nhà đầu tư điện gió với tổng công suất 5.755,5 MW nhưng đến ngày 31/10/2021 chỉ có 69 nhà máy điện gió (chiếm 65% trên tổng số dự án đăng ký) với tổng công suất 3.298,95 MW đã được công nhận COD.

Nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vận hành từ trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000 MW được công nhận COD.

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy điện mặt trời có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400 MWp (tương đương 16.500 MW), chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia. Chúng ta còn khoảng hơn 3 năm nữa để có thể tiến hành xây thêm các nhà máy điện NLTT và hy vọng đạt được chỉ tiêu đặt ra năm 2025 của Quy hoạch điện VIII.

Hy vọng về sự vào cuộc của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp là nơi trực tiếp sản xuất điện NLTT nên sự vào cuộc của họ sẽ quyết định sự thành công của QHĐVIII. Tất nhiên, doạnh nghiệp chỉ tham gia khi họ có thể thu được lợi nhuận, muốn vậy họ phải chọn địa điểm đầu tư, chọn công nghệ sản xuất, nghe ngóng chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tìm hiểu nguồn lực hiện có,... để quyết định tham gia sản xuất điện NLTT. Sự vào cuộc khá rầm rộ vừa qua của các doanh nghiệp có thể là một tín hiệu vui để hy vọng phát triển điện NLTT trong thời gian tới.

Chắc hẳn để đi đến được cái đích mà như ông "hy vọng" sẽ còn rất nhiều khó khăn phải không, thưa Giáo sư?

Thực ra tôi cũng có những nỗi lo lắng. Tất nhiên để hy vọng thực hiện được mục tiêu phát triển điện NLTT năm 2025 đặt ra trong QHĐVIII nhưng vẫn còn đâu đấy nỗi băn khoăn về các điều kiện thực hiện chưa thật sự vững chắc, chưa tính hết những vấn đề có thể phát sinh.

Trước hết, chúng ta chưa có lộ trình, kế hoạch thật cụ thể chỉ rõ các hạng mục cần làm trong từng giai đoạn. Ngay cả QHĐVIII đến cuối 2021 vẫn chưa được chính thức phê duyệt cũng là điều đáng ngại, không biết có chỉnh sửa gì không, có tăng hoặc giảm mức tiêu chí phát triển điện NLTT cần đạt vào năm 2025 không.

Hoặc, hiện còn nhiều nhà máy điện gió đã đăng ký được công nhận vận hành thương mại (COD) nhưng đến hạn (30/10/2021) vẫn chưa đủ điều kiện thì có được gia hạn không. Truyền thông cũng đã đăng tải nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này và biết đâu, vào một ngày “đẹp trời” nào đó sẽ có quyết định gia hạn, có quyết định mới tạo điều kiện thuận lợi thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất điện NLTT, khi đó mục tiêu năm 2025 sẽ có thể đạt được.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: 'Tôi xin nói về Niềm hy vọng đối với khả năng phát triển điện từ NLTT' - Ảnh 3
Tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn. Ảnh minh họa

Việt Nam cũng chưa chủ động sản xuất được các thiết bị cơ bản sản xuất điện NLTT, vẫn phải đi mua, khi có hỏng hóc vẫn phải trông chờ vào sự giúp đỡ của các công ty sản xuất ở nước ngoài.

Chắc chắn, từ 2022 đến 2025, tình trạng này vẫn chưa thể khắc phục nhưng phải có kế hoạch phát triển các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, phải sớm đào tạo được chuyên gia vận hành có tay nghề cao, có khả năng khắc phục những sự cố nếu nó xảy ra.

Và, về lâu dài, phải phát triển ngành công nghiệp chế tạo các máy móc thiết bị sản xuất điện NLTT cung cấp cho nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp.

Thật ra, còn nhiều nỗi lo khác nữa chưa thể kể hết ở đây, trong khuôn khổ có hạn của một bài viết, nhưng chúng ta vẫn có cơ sở khá chắc chắn để hy vọng đạt được chỉ tiêu phát triển điện NLTT năm 2025 như mong muốn.

Chúng ta cùng hy vọng! Xin cảm ơn và chúc sức khỏe độc giả của Tạp chí Kinh tế Môi trường!

Trân trọng cảm ơn Giáo sư! Chúc ông có nhiều sức khỏe, đặc biệt có nhiều bài viết, góc nhìn sâu sắc gửi đến độc giả của Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường.

Lê Quân (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết GS.TS Hoàng Xuân Cơ: 'Tôi xin nói về Niềm hy vọng đối với khả năng phát triển điện từ NLTT'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.