Xây dựng khung pháp lý ổn định để phát triển bền vững năng lượng tái tạo
Theo các chuyên gia, một khung pháp lý ổn định và phù hợp là cần thiết để phát triển và duy trì sự ổn định cho lưới điện, với một nguồn cung cấp năng lượng điện cạnh tranh, lượng thải carbon thấp, đảm bảo phát triển bền vững năng lượng quốc gia.
Thị trường nhiều tiềm năng
Năng lượng tái tạo được xác định là xu hướng tất yếu trong chuyển dịch năng lượng. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm có khung pháp lý ổn định cho phát triển nguồn và lưới điện, tránh tình trạng “đứt mạch” như hiện nay.
Phát biểu tại tọa đàm Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng tái tạo, ông Sebastien Prioux, Tổng giám đốc GreenYellow Việt Nam - một tập đoàn đến từ Pháp nhận định: "Việt Nam có một loạt lợi thế so với các thị trường khác. Trước tiên là nhu cầu năng lượng vẫn rất cao, nhất là điện dành cho sản xuất. Về lâu dài, xu hướng này là rất hứa hẹn vì nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng.
Thứ hai, "thời cơ thị trường" đối với các công ty như GreenYellow cũng rất thuận lợi. Chúng tôi gia nhập thị trường vào thời điểm áp dụng giá FIT2 và hiện tại công ty đang tham gia vào các dự án lớn hơn ở các phân khúc khác nhau với kỳ vọng Quy hoạch điện VIII sẽ sớm được hoàn thiện.
Chính vì điều này, GreenYellow đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các đối tác chính của chúng tôi, đồng thời tăng cường hợp tác với cơ quan chính quyền địa phương cho các khoản đầu tư tiếp theo vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng như các dự án tiết kiệm năng lượng và lưu trữ".
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Vương Quốc Anh vào đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Mục tiêu này được đánh giá là đầy tham vọng và thách thức. Để hiện thực hóa cam kết này, một trong những biện pháp khả dĩ nhất chính là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, trong đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương trình Chính phủ tháng 11/2021 thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp hơn với cam kết của Việt Nam về cắt giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự báo đến năm 2045, nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 45% tổng công suất; nhiệt điện than giảm mạnh, còn khoảng 15 - 19%.
"Thị trường năng lượng tại Philippines, Indonesia, Thái Lan, nơi chúng tôi cũng triển khai các hoạt động đầu tư, đã phần nào được định hình. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để đổi mới và chúng tôi muốn trở thành "người chơi" đầu tiên ở nhiều phân khúc", ông Sebastien Prioux, Tổng giám đốc GreenYellow Việt Nam nhấn mạnh.
Tháo gỡ vướng mắc
Đối với phát triển năng lượng tái tạo, vướng mắc lớn nhất là về cơ chế, với việc chưa có chính sách phát triển ổn định và dài hạn. Các chính sách trong những năm qua đều mang tính ngắn hạn, không có định hướng lộ trình dài hạn, dẫn đến việc nhà đầu tư bị động trong công tác chuẩn bị và triển khai.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo đánh giá của ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, nếu không có cơ chế phát triển dài hạn, thì doanh nghiệp không thể an tâm đầu tư vào các dự án tiếp theo hay đầu tư sản xuất thiết bị (tấm Pin, Inverter..) dẫn đến phụ thuộc vào nguồn thiết bị nhập khẩu.
Thực trạng này kéo dài gây ra thiệt hại về kinh tế, cơ hội của các nhà đầu tư. Các dự án triển khai chậm không kịp thời hạn hưởng chính sách khuyến khích của Nhà nước hiện cũng không có giải pháp để triển khai tiếp hoặc xử lý hậu quả dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, dù có yếu tố bất khả kháng (dịch bệnh COVID-19).
Thực tế cho thấy, vẫn chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được dòng doanh thu cho các chủ dự án. Trong đó, nổi cộm là vấn đề cơ chế giá bán điện áp dụng cho các dự án điện gió chưa được công nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021. Theo quy định, nếu các dự án chưa được công nhận COD trước thời hạn này sẽ không kịp hưởng chính sách mua điện theo mức giá cố định (FIT) là 8,5 UScent/kWh (trong đất liền), hay 9,8 UScent/kWh (trên biển) và phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu.
Trên cơ sở đó, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), sẽ có cơ chế chuyển tiếp với các dự án đầu tư dở dang. Còn các dự án đầu tư sau thời điểm 1/11/2021, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế lựa chọn nhà đầu tư dự án qua đấu thầu, các địa phương đảm nhiệm việc lựa chọn nhà đầu tư. Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ theo quy định tại Luật Giá, Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.
Thứ hai là vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý quy hoạch phát triển nguồn, lưới điện dẫn đến việc các nhà đầu tư triển khai theo quy hoạch đã được duyệt nhưng hạ tầng truyền tải không đáp ứng được, đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Theo đại diện GreenYellow Việt Nam, cùng với quy định về mặt kỹ thuật, một khung pháp lý ổn định và phù hợp là cần thiết để phát triển và duy trì sự ổn định cho lưới điện với một nguồn cung cấp năng lượng điện cạnh tranh, lượng thải carbon thấp và đáng tin cậy.
Với sự phát triển của Việt Nam, GreenYellow mong muốn trở thành một đối tác năng lượng cung cấp dịch vụ toàn diện hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam trong bất kỳ phân khúc nào mà được pháp luật cho phép và được các Cơ quan Nhà nước chỉ định.
"Trở thành một Đơn vị sản xuất điện quốc tế xanh (IPP) trong khuôn khổ triển khai mô hình bán lẻ điện (căn cứ Quyết định số 2093/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 7/8/2020) là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của chúng tôi tại Việt Nam. Bên cạnh đó, GreenYellow Việt Nam cũng mong muốn là một bên được phép vận hành trong chương trình DPPA thí điểm vào năm 2022 cùng với các đối tác quốc tế chính đã tham gia với chúng tôi để cung cấp hơn 100 GWh nhu cầu điện hàng năm", ông Sebastien Prioux chia sẻ.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) - kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, cho rằng cần phải phân tích đánh giá thực trạng để có chính sách thỏa đáng, khắc phục sự thiếu đồng bộ, ngắn hạn. Giải pháp căn cơ cần phải làm ngay là xem xét cấu trúc quản trị, ưu tiên đầu tư các giải pháp cho lưới điện. Về nguồn điện, những gì mà người dân và doanh nghiệp làm được thì nên ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm. Đặc biệt, chính sách phát triển năng lượng của quốc gia cần quan tâm hỗ trợ sự tham gia và hưởng lợi của các doanh nghiệp nội, chứ không phải chỉ riêng các doanh nghiệp FDI - vốn đã có rất nhiều lợi thế.
Lan Anh (T/h)