Góp phần giữ gìn môi trường
Với mong muốn hạn chế rác thải nhựa khó phân hủy từ những túi ni lông đựng thức ăn khi mua bán, trao đổi hàng hóa của người bán lẫn người mua, góp phần làm giảm tình trạng quá tải rác thải sinh hoạt trong cộng đồng, Hội LHPN các địa phương thuộc ĐBSCL đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là phong trào tự phân loại rác tại nhà và sử dụng giỏ xách đi chợ thay cho việc sử dụng các túi lông.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức tự giác
Chúng tôi có mặt tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để chứng kiến tận mắt rất nhiều phụ nữ xách giỏ tre, giỏ đệm, lác, ni lông để đừng thực phẩm được gói trong nhiều lá chuối tươi, lá khoai vừa lạ mắt, vừa an toàn.
Phụ nữ huyện Phong Điền ( TP.Cần Thơ) với mô hình “ Xách giỏ đi chợ”. |
Bà Nguyễn Thu Hà, tiểu thương tại chợ xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) vui vẻ kể: “Tôi mua bán mặt hàng thủy sản và rau củ đã 30 năm, hồi đó mình dùng túi ni lông để đựng cá, tép, rau củ, trái cây cho nó tiện nhưng từ khi nghe báo đài cảnh báo sự nguy hiểm của túi ni lông ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe con người nên tui đã chuyển sang gói bằng lá chuối, lá khoại môn, tuy có bất tiện một chút nhưng đảm bảo an toàn. Hàng trăm người bán ở chợ nầy đều có suy nghĩ và hành động như tôi”.
Mô hình “Phụ nữ sử dụng giỏ xách đi chợ thay túi ni lông” của Hội Phụ nữ huyện Chợ Mới phát động trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Đầu tiên phải kể đến vai trò đi đầu nêu gương của các cán bộ phụ nữ từ huyện đến xã, thị trấn, khu vực, ấp để vận động quần chúng cùng thực hiện. Cùng với đó, các cấp hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyên vận động trong nội bộ và trong nhân dân để nâng cao ý thức tự nguyện tham gia mô hình nầy. Song song đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn phối hợp với Đài Truyền thanh huyện tuyên truyền nhiều tin, bài viết có liên quan về mô hình mới nầy để sự lan tỏa trong cộng đồng nhanh và đi vào chiều sâu.
Tiểu thương chợ Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang) gói rau cải bằng lá chuối. |
Bà Âu Thị Phương Dung, ngụ Thị Trấn Chợ Mới cho biết: “Lúc đầu đi chợ xách theo giỏ rất lúng túng vì trước đến giờ mua bất kỳ món đồ nào cũng được người bán cho vào túi ni lông mang về. Tuy nhiên khi được tuyên truyền tôi thấy mô hình nầy rất hay và an toàn, góp phần bảo vệ môi trường nên phải thực hiện, bây giờ thì quen rồi. Tôi còn vận động nhiều chị em khác cùng làm theo cách của mình”.
Tiếp tục duy trì mô hình hiệu quả
Cùng với mô hình thiết thực như vừa nêu, các cấp hội Liên hiệp phụ nữ từ các địa phương còn đẩy mạnh phong trào phân loại rác tại gia đình theo qui định trước khi đơn vị thu gom rác đến lấy đi. Nhiều nơi đã tổ chức cấp phát thùng rác, túi đựng rác có 3 màu theo qui định đến từng hộ để tiện việc phân loại. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp còn vận động hội viên không vứt rác bừa bãi xuống sông rạch hay chôn lấp các túi ni lông xuống đất ảnh hưởng rất lớn đến thổ nhưỡng lẫn môi trường sống.
Bà Võ Thị Bé Em, ngụ huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ cho biết: “Qua được địa phương tuyên truyền, tôi và nhiều người dân mới biết túi nhựa ni lông rất khó phân hủy có khi tới cả trăm năm, từ đó mình phải phân loại túi nầy cùng các chai lọ chứa thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật riêng, không vứt bừa bãi xuống kênh rạch hay chôn lấp trên đất vườn, đất ruộng, nguy hiểm lắm”.
Tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long nơi có hộ người dân tộc Khmer nhiều nhất tỉnh, trước đây vấn nạn vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường thì nay tình trạng trên đã chấm dứt từ sự đồng lòng vào cuộc của chính quyền, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, ấp.
Tặng thùng chứa rác ở TP.Sa Đéc ( Đồng Tháp) |
Tại đây ngoài việc tuyên truyền vận động, các cấp hội phụ nữ xây dựng mô hình “ Đổi rác thải nhựa lấy quà” trong cộng đồng người dân tộc, trong các trường học rất được người dân đồng thuận cao.
Bà Thạch Thị Thon, ngụ xã Loan Mỹ vui vẽ nói: “từ khi có mô hình đổi rác thải nhựa, chai, lọ bằng ni lông, ấp tôi ở sạch lắm bởi ai ai cũng thu gọn rác để đổi lấy gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm; trẻ con thì đổi rác lấy sách vỡ, dụng cụ học tập. Mình làm vậy vừa có quà lại vừa giữ sạch sẽ môi trường xung quanh. Vậy thì cớ sao mình không thực hiện”.
Với nhiều cách làm đa dạng, phong phú, it tốn kém, dễ thực hiện, phụ nữ miền Tây đã và đang quen dần với ý thức bảo vệ môi trường bằng những việc làm rất cụ thể trong sinh hoạt thường nhật.
Trương Thanh Liêm