Giảm thiểu chất gây ô nhiễm khí hậu có tuổi thọ ngắn
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị COP27 tại Sharm-el-Sheikh (Ai Cập), Hội nghị cấp Bộ trưởng về Liên minh về Khí hậu và không khí sạch (CCAC) nhằm giảm thiểu các chất gây ô nhiễm khí hậu có tuổi thọ ngắn đã diễn ra.
Hội nghị do ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu chủ trì, với sự tham dự của 40 Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu. Đây là cuộc họp cấp Bộ trưởng hàng năm của Liên minh CCAC nhằm đưa ra các định hướng chiến lược trong thời gian tới.
Ông John Kerry cho biết, việc giảm SLCP (như khí mê-tan, HFC, các-bon đen) là giải pháp nhanh nhất giúp giảm nhiệt độ toàn cầu. Hoa Kỳ đang đầu tư 20 tỷ Đô la để kiểm soát khí mê-tan trong nước và CCAC là một đối tác quan trọng trong việc nâng cao mục tiêu giảm các loại khí nhà kính chủ yếu này hơn nữa.
Chất gây ô nhiễm không khí có tuổi thọ ngắn là gì?
Các chất gây ô nhiễm khí có tuổi thọ ngắn là những tác nhân khí hậu mạnh mẽ có thời gian tồn tại trong khí quyển tương đối ngắn. Những chất gây ô nhiễm này bao gồm khí nhà kính metan và hydrofluorocarbons, và carbon đen do con người tạo ra. Do tác động của chất gây ô nhiễm khí có tuổi thọ ngắn đặc biệt mạnh mẽ trong thời gian ngắn, nên hành động ngay bây giờ để giảm lượng khí thải của chúng có thể có tác động có lợi ngay lập tức đối với biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng.
Các chất gây ô nhiễm khí có tuổi thọ ngắn là những tác nhân khí hậu mạnh mẽ tồn tại trong khí quyển trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với carbon dioxide (CO2), nhưng khả năng làm ấm bầu khí quyển của chúng có thể lớn hơn nhiều lần. Một số chất gây ô nhiễm khí có tuổi thọ ngắn cũng là những chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm có tác động có hại cho con người, hệ sinh thái và năng suất nông nghiệp.
Các chất gây ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn carbon đen, mêtan, ôzôn tầng đối lưu và hydrofluorocarbon là những tác nhân quan trọng nhất gây ra hiệu ứng nhà kính toàn cầu do con người tạo ra sau carbon dioxide, chịu trách nhiệm cho tới 45% sự nóng lên toàn cầu hiện nay. Nếu không có hành động nào để giảm phát thải các chất gây ô nhiễm này trong những thập kỷ tới, chúng được cho là sẽ chiếm tới một nửa sự nóng lên do hoạt động của con người gây ra.
Các tuyên bố được nêu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng từ một số quốc gia đã công bố các cam kết tài chính mới đối với Quỹ Ủy thác CCAC và khuyến khích các quốc gia có khả năng thực hiện cam kết bổ sung. Riêng Hoa Kỳ, đồng Chủ tịch CCAC dự kiến cung cấp 3 triệu đô la, sau khi có thông báo của Quốc hội và hoàn thành các thủ tục trong nước.
Trên cơ sở Báo cáo thường niên của CCAC giai đoạn 2021-2022, các Bộ trưởng khuyến khích các nước đang phát triển hưởng ứng kêu gọi của CCAC trong việc xác định các dự án mới tiềm năng, đồng thời, tái khẳng định cam kết hỗ trợ những cải cách sáng tạo, thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính. Các bên cũng chấp thuận đề xuât thành lập Ban Đánh giá kinh tế và công nghệ về khí mê-tan. Liên minh nhấn mạnh, ngành dầu khí sẽ cần đạt được mức giảm phát thải khí mê-tan nhanh nhất và sâu nhất để phù hợp với mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 1,50C vào cuối thế kỷ.
Liên minh các Bộ trưởng đã yêu cầu các đối tác CCAC hợp tác phát triển ý tưởng xây dựng một chương trình hoặc các hoạt động, bao gồm hợp tác và thỏa thuận khu vực, về hành động không khí làm sạch để khởi động tại Hội nghị Bộ trưởng CCAC vào năm 2024.
Chia sẻ về Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 của Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đã đưa ra yêu cầu và hành động cụ thể cho các ngành phải thực hiện để đạt được mức giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030, kèm theo đánh giá hàng năm. Ngành nông nghiệp – vốn chiếm hơn 60% lượng phát thải khí mê-tan ở Việt Nam - cũng đang nghiên cứu các hành động cụ thể sẽ thực hiện cho đến năm 2030. Ông Phạm Văn Tấn hoan nghênh mối quan hệ hợp tác của CCAC với Việt Nam trong quá trình này và nhấn mạnh, thành công chỉ có thể đạt được bằng nỗ lực tập thể. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện những bước đầu tiên. Chúng ta có thể đi bao xa tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các quốc gia khác và các hỗ trợ nhận được.
Liên minh về Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) do các nước Bangladesh, Canada, Ghana, Mexico, Thụy Điển, Hoa Kỳ đồng sáng lập năm 2012, dưới sự bảo trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Mục tiêu nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu trong xử lý các chất gây ô nhiễm khí hậu có tuổi thọ ngắn (SLCPs). Đây là các chất như mê-tan (CH4), HFCs, các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tầng thấp, các-bon đen có nguồn gốc từ khói của các phương tiện giao thông, tàu thuỷ, máy bay, khu công nghiệp, đun nấu, đốt cỏ, rác và các phụ phẩm nông nghiệp… Tuy chỉ tồn tại trong không khí trong thời gian ngắn nhưng SLCPs cũng có tiềm năng nóng lên toàn cầu đáng kể (bằng khoảng 1/3 so với CO2) và có tác động lớn đến sức khoẻ con người, là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh về đường hô hấp.
Linh Chi