Thứ sáu, 22/11/2024 11:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/10/2022 10:50 (GMT+7)

Giải pháp nào nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu?

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, việc xem xét xây dựng các chương trình đầu tư mang tầm quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ báo cáo đầu tư công cho biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết.

Thiên tai khốc liệt ngày càng gia tăng

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), do tác động của biến đổi khí hậu năm 2020 Việt Nam đã thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, tương đương với 3,2% GDP. Nếu không có các biện pháp giải quyết thì ước tính Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 12 đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.

Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng cho biết, tính từ đầu năm tới nay, trên cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 139 người chết, mất tích, 211 người bị thương; 630 nhà sập, 15.729 nhà hư hỏng, tốc mái. Ước tính thiên tai gây thiệt hại trên 5.167 tỷ đồng trong gần 10 tháng qua.

Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 27/10, đại biểu Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên trăn trở khi thiệt hại do thiên tai liên tục do biến đổi khí hậu, khai thác rừng phòng hộ quá mức, trong khi rừng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ thực vật, dòng chảy đất, giảm tác động của lũ lụt.

Theo Đại biểu Lê Đào An Xuân, rừng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ cạnh tranh mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, năng lực quản trị và quản lý rừng yếu, mặc dù độ che phủ rừng nhận được duy trì ổn định, suy thoái rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục tăng.

Giải pháp nào nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu? - Ảnh 1
Tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. 

“Cách chúng ta hiểu thuật ngữ rừng phần nhiều theo nghĩa là một trảng cây chứ chưa quan tâm đầy đủ đến bản chất yếu tố hệ sinh thái. Điều đó lý giải vì sao có rừng nhưng vẫn bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhiều hơn và khốc liệt hơn”, Đại biểu tỉnh Phú Yên nhận định. Bởi lẽ đó, cách trồng rừng độc canh, khai thác sớm như hiện nay không tạo được liên kết sinh thái, làm mất khả năng giữ đất, nước.

Nguồn tài chính huy động để thích ứng, giảm thiểu thiên tai còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Khu vực tư nhân chưa sẵn sàng và thiếu cơ chế tham gia. Doanh nghiệp thiếu nguồn lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đầu tư công nghệ sạch.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020 chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA cho 144 dự án. Ngoài ra bộ, ngành, địa phương còn thực hiện một số các dự án đầu tư công có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy phần lớn nguồn lực này được đầu tư cho các hoạt động thích ứng, như xây dựng hồ chứa, hệ thống thủy lợi, đê, kè, cống ngăn mặn... trong khi tỷ trọng đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính là rất nhỏ. Nhiều dự án triển khai còn chậm, chưa đạt tiến độ, mục tiêu đề ra. Quy mô một số dự án còn nhỏ lẻ, chưa tính đến yếu tố liên vùng. Một số dự án trồng phục hồi rừng chưa phù hợp với đăng ký ban đầu. Vì vậy, cử tri mong muốn có chương trình đầu tư mang tầm quốc gia để huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chuyên gia đề xuất giải pháp

Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi nước ta vừa phải giải quyết vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội, trong khi phải thực hiện cam kết quốc tế về cắt giảm khí nhà kính.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Do đó, việc xem xét xây dựng các chương trình đầu tư mang tầm quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ báo cáo đầu tư công cho biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là cơ sở để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn là căn cứ để cử tri giám sát hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ các địa phương phát triển rừng và năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nghiên cứu xây dựng dự án luật về biến đổi khí hậu, hướng dẫn trao đổi dịch vụ tín chỉ carbon và sớm thành lập thị trường carbon trong nước.

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, rừng là phương tiện để gia tăng các biện pháp thích ứng, góp phần phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ thực vật, dòng chảy đất, giảm tác động của lũ lụt và xói mòn, nhưng rừng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ cạnh tranh mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, năng lực quản trị và quản lý rừng yếu, mặc dù độ che phủ rừng nhận được duy trì ổn định, suy thoái rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục tăng.

Để rừng trở thành lá chắn ngăn chặn biến đổi khí hậu, theo Đại biểu Lê Đào An Xuân, Nhà nước cần thay đổi ngay định mức về khoán trồng và bảo vệ rừng, đáp ứng nhu cầu thu nhập cơ bản của người dân, cộng đồng. Điều chỉnh, bổ sung các chính sách trồng rừng gỗ lớn gắn với phát triển hệ sinh thái rừng, làm kinh tế dưới tán rừng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và khai thác rừng bền vững, hạn chế thấp nhất việc khai thác trắng, khai thác sớm để cây đủ sức giữ đất, giữ nước. Bên cạnh đó, cần tăng giá trị gỗ, cơ cấu lại tỷ lệ phân bổ ngân sách có tính đến yếu tố tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng để các địa phương không phải chịu áp lực phát triển kinh tế dẫn đến chuyển đổi rừng, khai thác rừng sớm.

Cũng cho ý kiến về các giải pháp ứng phó, bà Tô Ái Vang, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai. Tăng cường chỉ đạo công tác rà soát, cập nhật kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số, hỗ trợ đầu tư, việc ứng dụng công nghệ cho các địa phương còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở 4 vùng lũ lụt. Trong công tác nắm tình hình, làm tốt công tác dự báo và chỉ đạo trực tuyến để kịp thời ứng phó với thiên tai.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới