Thứ hai, 25/11/2024 01:16 (GMT+7)
Thứ năm, 29/09/2022 15:50 (GMT+7)

Giải pháp nào để bình ổn giá bán nông sản cho nông hộ ở ĐBSCL?

Theo dõi KTMT trên

Để tìm giải pháp cho sự phát triển nông nghiệp, bình ổn giá nông sản cho vùng ĐBSCL, vừa qua Trường Đại hộc Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở ĐBSCL”.

Giải pháp nào để bình ổn giá bán nông sản cho nông hộ ở ĐBSCL? - Ảnh 1
Ngành nông nghiệp tại ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp phần lớn các loại lúa gạo, trái cây và thủy sản phục vụ xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Ngoài ra, tại ĐBSCL cũng có nhiều tiềm năng nổi bật để phát triển du lịch nông thôn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những tiềm năng của ĐBSCL vẫn chưa được khai thác đúng mức, chưa đảm bảo cho nông dân có được mức thu nhập tương xứng.

Đồng thời, trong những năm gần đây ngành nông nghiệp ĐBSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, rủi ro do biến động của thị trường. Vì vậy, việc đầu tư phát triển thị trường nông sản của vùng, cũng như phát triển du lịch nông thôn vẫn chưa đạt được nhiều hiệu quả cao.

Giải pháp nào để bình ổn giá bán nông sản cho nông hộ ở ĐBSCL? - Ảnh 2
rường Đại học Cần Thơ tổ chức buổi hội thảo quốc tế “Đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở ĐBSCL”

Đặt mục tiêu cải thiện các khó khăn trên và phát triển ngành nông cho địa phương nói chung, bên cạnh đó chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn tại ĐBSCL, trong ngày 28/9, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) của Đức tổ chức buổi hội thảo quốc tế “Đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở ĐBSCL”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Hội thảo lần này còn mở ra cơ hội để doanh nghiệp tại TP Cần Thơ và doanh nghiệp tại Đức tìm hiểu, trao đổi về tiềm năng đầu tư hợp tác, tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Cụ thể, nổi bật tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia đã cùng thảo luận, tìm giải pháp về các vấn đề liên quan đến kinh tế nông nghiệp như: Bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở ĐBSCL; năng suất nhân tố tổng hợp của nông hộ trồng lúa trong cánh đồng lớn; khoảng cách văn hóa và du lịch nông thôn; đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại các nước đang phát triển…

Theo các chuyên giá xem xét và đánh giá, giá bán lúa tại địa phương gặp nhiều biến động, gây ra nhiều bất lợi cho nông hộ tại ĐBSCL, đặc biệt là trên phương diện thu nhập.

Tuy nhiên, đối với nông hộ sản xuất lúa quy mô nhỏ thì thường phải chấp nhận giá thị trường bởi thiếu thương hiệu để tạo nên sự khác biệt. Do không có thói quen tồn trữ và năng lực tồn trữ yếu nên nông hộ bán lúa gấp ngay sau thu hoạch vì sợ rủi ro giá giảm và để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán nợ và chi tiêu.

Những nguyên nhân trên cộng với chuỗi giá trị lúa gạo kém hiệu quả, khiến giá bán lúa của nông hộ thấp và biến động.

Giải pháp nào để bình ổn giá bán nông sản cho nông hộ ở ĐBSCL? - Ảnh 3
Nhiều chuyên gia đã tham gia chia sẻ và đóng góp ý kiến về giải pháp giúp bình ổn giá nông sản tại ĐBSCL

Góp ý, chia sẻ về giải pháp thị trường để tạo cơ hội bình ổn giá bán lúa cho các nông hộ ở ĐBSCL, PGS TS Lê Khương Ninh, thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho rằng cần phải có kế hoạch phát triển thêm 3 mô hình hoạt động mới, bổ trợ cho quá trình mua bán, bao gồm: Phát triển hệ thống kho ký gửi lúa; phát triển thị trường đặt trước và thị trường tương lai; hoạt động bán chung theo nhóm.

“Khi phát triển hệ thống kho ký gửi, sẽ giúp cho việc quản trị rủi ro giá bán lúa được dễ dàng, tạo cơ hội thuận lợi hơn để nông hộ tiếp cận tín dụng nhờ có thể cung cấp tài sản thế chấp, dễ thẩm định và đáng tin cậy, tăng cường tính hiệu quả của việc tiếp thị lúa với tư cách là đơn vị thanh toán bù trừ để giúp thực thi quyền sở hữu tài sản và hợp đồng mua bán. Việc phát triển thị trường đặt trước như thiết lập hợp đồng đặt trước hay hợp đồng tương lai sẽ giúp nông dân tránh bán lúa gấp, từ đó kiểm soát rủi ro giá”, PGS TS Lê Khương chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc các nông hộ trồng lúa áp dụng giải pháp bán lúa theo nhóm cũng mang tính chất hoạt động tập thể, điều này giúp tận dụng cơ hội thị trường và tránh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các khuyết tật cố hữu. Cụ thể, bán lúa theo nhóm giúp hộ nông dân giảm chi phí giao dịch, thu nhập thông tin thị trường cần thiết, tăng cường cơ hội tiếp cận các kỹ thuật mới và thâm nhập thị trường giá trị cao.

Ngoài các vấn đề trên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL cũng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp trong gìn giữ và phát huy các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cũng như gìn giữ cảnh quan thiên nhiên. Tăng cường liên kết giữa các bên liên quan để nâng cao chất lượng nông sản và điều tiết sản xuất với diện tích, sản lượng phù hợp, nâng cao được chuỗi giá trị ngành hàng. Phát huy các loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống ở nông thôn...

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào để bình ổn giá bán nông sản cho nông hộ ở ĐBSCL?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới