Ngân hàng thế giới hỗ trợ ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu
Tại hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL”, đại diện Ngân hàng thế giới đã cam kết, tiếp tục hỗ trợ ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và thịnh vượng.
Sáng nay 24/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã diễn ra tại TP. Cần Thơ.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, nếu nhìn tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với cặp mắt tích cực hơn, từ những điều sẵn có chúng ta có thể "biến hóa" thành có nhiều hơn nữa tại vùng ĐBSCL.
"Chúng ta có một chương trình hỗ trợ ĐBSCL từ Ngân hàng thế giới và chúng ta phải tư duy từ gói hỗ trợ này, địa phương sẽ được gì, ĐBSCL được gì? Chúng ta cần phải mở rộng tư duy", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho hay.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, khi ông còn là Bí thư tỉnh Đồng Tháp, 1 vị doanh nhân người Úc đã nói với Bộ trưởng rằng, ở nước Úc, người dân không biết Đồng Tháp, An Giang hay Cần Thơ nhưng nhắc đến Mekong Delta, ai cũng biết bởi nó đã thành thương hiệu nằm trong những quyển sách về 5 Đồng bằng lớn Thế giới. Do đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, cần chú trọng tới những việc thực hiện Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững thông qua Hội thảo lần này.
Tham gia hội thảo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có những chia sẻ, đóng góp về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL. Theo bà Carolyn Turk, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết thay đổi lớn hơn cùng với nhiễm mặn đã được coi là bình thường mới của vùng ĐBSCL.
Cũng theo thông tin từ Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý phát triển một dự án mới ở vùng ĐBSCL nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu.
"ĐBSCL là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới. Sự hợp tác của chúng ta trong hai thập kỷ qua đã có nhiều kết quả tốt và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn, thông qua quan hệ đối tác bền chặt, vì một ĐBSCL bền vững, thịnh vượng và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu" bà Carolyn Turk cho biết.
Được biết, trong thời gian qua, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL (ICRSL) do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã thể hiện vai trò, hiệu quả các công trình và phi công trình, các loại hình sinh kế bền vững cho người dân.
Với sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới, rất nhiều các hoạt động bao gồm công trình và phi công trình đã được thực hiện nhằm kiểm soát hạn mặn và hỗ trợ việc chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng Nam Măng Thít ở hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long.
Để hỗ trợ người dân hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long ứng phó với hạn mặn, Ngân hàng thế giới đã hỗ trợ xây dựng trạm quan trắc nước mặt tự động, công trình nằm tỏng Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững ĐBSCL (Dự án WB9) tại xã Đức Mỹ huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Cũng theo thông tin tại hội thảo, Ngân hàng thế giới cũng đang hỗ trợ người dân tại tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi sinh kế trong mùa lũ trên địa bàn 4 huyện: Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự. Mục tiêu dự án tạo ra được vùng ngập lũ, trữ lũ đầu nguồn, giảm ảnh hưởng lũ cho vùng hạ nguồn.
Thông tin về dự án WB9, ông Benoit Bosquet, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về Phát triển Bền vững, Ngân hàng Thế giới nói: “Chúng tôi rất vui là dự án WB9 của Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ cho các hoạt động rất quan trọng tại ĐBSCL. Những dự án này đã giúp thay đổi hoặc cải thiện sinh kế của hàng triệu người. Không những vậy các hoạt động này còn giúp cải thiện chất lượng của hệ sinh thái trong vùng”.
Mai Thanh