Gần 1,1 triệu người di cư khỏi ĐBSCL trong 10 năm qua
Theo báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020, số lượng người dân rời khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người.
Báo cáo này cho biết, tình trạng người dân đồng bằng di cư về TP.HCM và Đông Nam Bộ đáng báo động. Nếu so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỉ lệ xuất cư cao nhất, nhập cư thấp nhất và do đó đây vùng duy nhất có tỉ lệ tăng dân số là 0% trong giai đoạn 2009 – 2019.
"Số lượng dân rời khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Do đó, so với trước đó 10 năm, dân số vùng ĐBSCL gần như không đổi" - báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 nêu.
Theo đó, làn sóng hồi hương của người dân đang lao động ở TP.HCM, Đông Nam Bộ hay người đi xuất khẩu lao động có thể trở thành gánh nặng của vùng trong thời gian tới.
Ở khía cạnh khác, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 chỉ ra vấn đề nữa đáng quan tâm đó là vai trò kinh tế của vùng đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Các nghiên cứu cho thấy đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vài thập kỷ qua giảm mạnh.
Nếu so với TP.HCM thì vào năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỉ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay.
Nguyên nhân là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.
Tình trạng dịch bệnh, hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng làm môi trường kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trở nên bấp bênh.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng nhất ở ĐBSCL là chế biến thủy hải sản, thế nhưng tốc độ tăng trưởng của hoạt động này lại khiêm tốn và nhiều yếu tố khác khiến công nghiệp ĐBSCL khó phát triển.
Các hoạt động sản xuất công nghiệp còn lại khá trầm lắng, nếu có tăng trưởng thì chủ yếu tập trung vào các hoạt động chế tạo, chế biến thâm dụng lao động với giá trị thấp.
ĐBSCL là một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất cả nước, cung cấp một lượng lớn gạo, tôm, trái cây... cho Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, 18 triệu cư dân sống ở đây cũng là những người dễ bị tổn thương nhất do biến đối khí hậu.
Trong nghiên cứu của mình, hai nhà nghiên cứu Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường (Đại học Văn Lang) từng chỉ ra, mong muốn thoát nghèo là nguyên nhân chính khiến người dân rời bỏ vùng đồng bằng. Do biến đổi khí hậu có mối liên hệ ngày càng phức tạp với nghèo đói, con số 14,5% thậm chí có thể là đánh giá chưa đủ.
Có hàng loạt tác động liên quan đến khí hậu đằng sau hiện tượng di cư ở ĐBSCL. Ở khu vực Tây Nam Bộ, bờ biển sạt lở khiến nhà cửa bị nước nuốt chửng, một số nơi vành đai ven biển mất sâu đến 100m chỉ trong một năm.
Hàng trăm ngàn hộ dân bị ảnh hưởng do nước biển xâm nhập đất liền, trong khi số khác do hạn hán - một xu hướng vừa do biến đổi khí hậu, vừa do các con đập xây trên thượng nguồn sông Mekong.
Theo một báo cáo mới công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đến năm 2100, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng hơn 12% dân số Việt Nam và làm giảm tốc độ tăng trưởng 10%.
IMF đánh giá Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình kinh tế, vốn lệ thuộc nặng vào nhiên liệu hóa thạch và khai thác bừa bãi tài nguyên tự nhiên, nếu muốn giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Hà Linh