EVN giải thích thế nào về các trường hợp tiền điện nhiều tháng giống hệt nhau?
Tình trạng khách hàng nhận hóa đơn tiền điện giống hệt nhau nhiều tháng khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi về tính chính xác của việc ghi chỉ số?
Hoá đơn tiền điện nhiều tháng giống hệt nhau của một khách hàng tại Tiền Giang. Ảnh: NLĐ. |
Mới đây, một khách hàng điện tại Tiền Giang đã phản ánh về việc tiền điện 6 tháng giống hệt nhau. Theo đó, từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020, chỉ số điện năng tiêu thụ của gia đình này cùng là 162 kWh, số tiền phải trả là 325.000 đồng.
Tương tự, một khách hàng tại tỉnh Ninh Bình cũng phản ánh việc hóa đơn tiền điện 3 tháng giống hệt nhau. Theo đó, từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, mức tiêu thụ của gia đình này cùng là 228 kWh, số tiền phải thanh toán là 487.000 đồng.
Tình trạng khách hàng nhận hóa đơn tiền điện giống hệt nhau nhiều tháng khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi về tính chính xác của việc ghi chỉ số?
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết trong quy trình kinh doanh của EVN cho phép cho phép 2 trường hợp nhân viên không cần đến trực tiếp chốt chỉ số. Một là, khách hàng ở vùng sâu, vùng xa dùng dưới 15 kWh thì nhân viên điện lực ba tháng đến ghi chỉ số điện một lần để tiết kiệm chi phí đi lại. Với các vùng khác, EVN cho phép nhân viên hai tháng đến ghi chỉ số điện một lần.
Trong quá trình ghi chỉ số, nhân viên ghi chỉ số có trách nhiệm phát hiện và báo cáo kịp thời các hiện tượng bất thường hoặc sai sót của hệ thống đo đếm như: Công tơ hư hỏng, bị tháo mất, bị mất chì niêm phong, tính sai hệ số nhân, không có trong sổ ghi chỉ số… Khi phát hiện sai sót do chủ quan trong việc ghi chỉ số công tơ, nghiêm cấm việc tự ý thỏa thuận với khách hàng.
Trường hợp công tơ đặt trong phạm vi quản lý của khách hàng, sau 2 lần đến không ghi được chỉ số công tơ, cho phép tạm tính điện năng tiêu thụ bằng tháng trước hoặc chỉ số công tơ do khách hàng tự báo nhưng thực hiện không quá 2 chu kỳ ghi chỉ số liền kề.
Nếu việc ghi được chỉ số công tơ không thực hiện được từ 3 chu kỳ trở lên cần thoả thuận với khách hàng chuyển vị trí lắp đặt công tơ ra vị trí dễ cho việc ghi chỉ số.
(Ảnh minh họa) |
Đối với trường hợp ở Tiền Giang, ông Võ Quang Lâm cho biết do khách hàng để công tơ ở trong nhà nên nhân viên điện lực không ghi chỉ số được, phải lấy chỉ số tháng 11/2019 để ghi vào các tháng sau. Đến tháng 4/2020, nhân viên điện lực đã gặp và trao đổi với chủ nhà để kiểm tra lại và sau đó tiến hành thoái hoàn cho khách hàng.
Công ty Điện lực huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã liên hệ với khách hàng này, xin lỗi và xác nhận về chỉ số thực tế trên công tơ điện, thực hiện điều chỉnh hóa đơn tiền điện theo đúng thực tế sử dụng. Khách hàng đã đồng ý với cách xử lý này.
Đối với trường hợp ở Ninh Bình, Phó tổng giám đốc EVN cho biết hiện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đang chỉ đạo Công ty Điện lực Ninh Bình kiểm tra lại.
Đại diện EVN cho biết thêm để siết lại quy trình ghi chỉ số, từ kỳ hoá đơn tháng 7, EVN sẽ áp dụng "cứng" công cụ giám sát ghi chỉ số, lập hoá đơn... và phân giao trách nhiệm rõ ràng tới các cấp quản lý điện lực địa phương.
Trong tuần này, đoàn kiểm tra của EVN sẽ tiếp tục làm việc tới Tổng công ty Điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam và TP.HCM về công tác ghi, đo đếm công tơ, lập hóa đơn tiền điện...
Từ 1-22/6, trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội nhận gần 62.000 yêu cầu, trong đó 3.500 phản ánh, khiếu nại liên quan đến chỉ số điện, hoá đơn tăng 4,6 lần so với tháng 5.
Còn tại Điện lực Vĩnh Phúc, trong tháng 5 và 6 phát hiện 15 trường hợp ghi sai chỉ số công tơ, trong đó 7 trường hợp phát hiện do khách hàng khiếu nại, phản ánh qua trung tâm chăm sóc khách hàng và 8 trường hợp ngành điện phát hiện trong quá trình rà soát lại chỉ số ghi. Sau rà soát, kiểm tra, điện lực Vĩnh Phúc truy thu 3 trường hợp và thoái hoàn 4 trường hợp cho khách hàng.
Mai Anh