Thứ năm, 25/04/2024 18:57 (GMT+7)
Chủ nhật, 12/07/2020 08:59 (GMT+7)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Liệu có thể chạy thương mại vào cuối năm 2020?

Theo dõi KTMT trên

Đại diện Tổng thầu EPC cho biết nếu mọi việc diễn ra theo đúng dự kiến đến cuối 2020 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đủ điều kiện đưa vào khai thác thương mại.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Liệu có thể chạy thương mại vào cuối năm 2020? - Ảnh 1
Tổng thầu cho biết đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác thương mại vào cuối năm 2020.

Tổng thầu Trung Quốc nói cuối năm 2020 chạy thương mại

Liên quan đến tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trao đổi với báo chí, ông Đường Hồng - Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Tổng thầu EPC Trung Quốc cho biết, dự kiến, trong tháng 7/2020 các hạng mục của dự án nghiệm thu xong.

Theo ông Đường Hồng, trong thời gian qua Tổng thầu EPC đã bổ sung các hồ sơ hoàn công theo yêu cầu của Ban quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ GTVT). Hiện công tác phối hợp trong việc nghiệm thu các hạng mục công trình giữa Ban quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu EPC đang diễn ra tốt. Nếu mọi việc tiếp tục diễn tiến thuận lợi thì công tác nghiệm thu sẽ hoàn thành ngay trong tháng 7/2020.

Giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ được đưa vào vận hành thử toàn hệ thống trong vòng 20 ngày dưới sự đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước do chủ đầu tư là Bộ GTVT mời vào. Cuối cùng, đích thân Bộ GTVT sẽ nghiệm thu dự án và bàn giao cho TP.Hà Nội.

"Nếu các công việc diễn ra đúng kế hoạch, cuối năm 2020, dự án đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác” - đại diện Tổng thầu EPC khẳng định.

Đại diện Tổng thầu cũng cho biết, việc chạy thử phụ thuộc vào tiến độ thanh quyết toán giữa chủ đầu tư và tổng thầu. Cụ thể, sau khi hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán, chủ đầu tư thanh toán tiền cho nhà thầu (50 triệu USD), tổng thầu sẽ đưa người sang thực hiện chạy thử trong 20 ngày trước khi nghiệm thu, bàn giao khai thác thương mại.

Được biết, hiện 31 chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam sau dịch Covid-19 đã hoàn tất cách ly, trở lại dự án làm việc. Trong đó, 12 người hàng ngày phối hợp với Ban quản lý dự án đường sắt làm công tác nghiệm thu, số còn lại kiểm tra vận hành các hạng mục ở hiện trường.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Liệu có thể chạy thương mại vào cuối năm 2020? - Ảnh 2
Ông Đường Hồng, Giám đốc dự án Cát Linh - Hà Đông, của Tổng thầu EPC (Trung Quốc).

Phải chờ chuyên gia Pháp

Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện các chuyên gia của Tư vấn ACT - Pháp vẫn chưa thể sang Việt Nam để thực hiện các công việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Sự có mặt của các chuyên gia Pháp để đánh giá an toàn dự án là điều kiện không thể thiếu để để dự án này có thể triển khai chạy thử chứ đừng nói là vận hành thương mại.

Tuy nhiên, khi nào các chuyên gia tư vấn Pháp sang hiện vẫn chưa cụ thể, do diễn biến dịch bệnh tại một số quốc gia đang có dấu hiệu phức tạp trở lại.

Được biết, Bộ GTVT đang phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để sớm đưa các chuyên gia Pháp sang thực hiện tiếp dự án theo hợp đồng.

Trước đó, từ tháng 9/2019, Bộ GTVT đã thuê tư vấn độc lập của Pháp đánh giá hệ thống an toàn trên toàn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Chậm khai thác ngày nào lãng phí ngày đó

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỉ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỉ.

Tổng thầu EPC là Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và Tư vấn giám sát thi công là Công ty trách nhiệm hữu hạn Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4/2019, nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn chưa thể đưa vào khai thác.

Theo đại diện Tổng thầu EPC, việc dự án chưa vào khai thác thương mại là rất lãng phí vì ngoài việc các thiết bị đã hoàn thiện bị bỏ không mỗi tháng mất hàng tỉ đồng để bảo dưỡng...

Trước đó, tại buổi việc với các bộ, ngành, Ban Cán sự đảng UBND TP.Hà Nội về các dự án giao thông trọng điểm nhằm chống ùn tắc giao thông trên địa bàn ngày 26/3, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã đề nghị, thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND TP làm Tổ phó và thành viên là lãnh đạo một số bộ ngành để xây dựng một Kế hoạch, phân loại các công việc của Ban quản lý dự án, Tổng thầu, từng Bộ, ngành và Hà Nội để báo cáo Chính phủ quyết định. Điều này nhằm nghiệm thu, bàn giao và vận hành có điều kiện, thúc đẩy dự án đi vào hoạt động.

“Đây là dự án quan trọng của quốc gia, cần thúc đẩy đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, lãng phí và có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại” - Bí thư Thành uỷ đề nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa vào khai thác Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) trong năm 2020, báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc, trình Quốc hội để có hướng xử lý.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Liệu có thể chạy thương mại vào cuối năm 2020?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.