Thứ sáu, 19/04/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/10/2020 12:31 (GMT+7)

Du lịch nội địa: Tín hiệu lạc quan trở lại

Theo dõi KTMT trên

Dù gặp nhiều khó khăn so với lần kích cầu đầu tiên, song chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho du lịch Việt Nam đình trệ từ đầu năm 2020, gây ra những hậu quả nặng nề. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trong 9 tháng năm 2020, nhìn chung các chỉ tiêu về du lịch đều giảm mạnh. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 67,4% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa đạt 37,5 triệu lượt, trong đó có 19,2 triệu lượt khách lưu trú…

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” đã bắt đầu khởi sắc trong những tháng cuối năm.

Kết quả từ khảo sát “Tâm lý và hành vi của khách du lịch sau Covid-19 tính đến ngày 20/9/2020” của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho thấy, khoảng 50% số người tham gia khảo sát trả lời rằng sẵn sàng đi du lịch ngay trong năm 2020, mặc dù con số này có ít hơn so với số liệu khảo sát 5 tháng trước (54%). Điều này thể hiện sự thận trọng sau mùa dịch.

Du lịch nội địa: Tín hiệu lạc quan trở lại - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Internet)

Các điểm đến được đa số chọn đều là những thương hiệu du lịch Việt Nam như: Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nội… Phương tiện được ưu tiên khi du lịch là máy bay với 71%. Nhu cầu du lịch biển vẫn ở mức cao, tiếp đến là nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, khám phá và thưởng thức ẩm thực.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, số liệu khảo sát còn phản ánh tâm lý lo ngại trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, đặc biệt là sau “cú đấm bồi” hồi cuối tháng 7 và khả năng xử lý khủng hoảng của các địa phương chưa đồng đều. Có hơn 57% số người được hỏi cho rằng.

Vấn đề an toàn, bao gồm cả sự an toàn của các điểm đến, các dịch vụ du lịch và những vấn đề liên quan đến an ninh là yếu tố chính tác động đến việc quyết định có đi hay không. Và giá rẻ đã không còn là yếu tố quyết định. Nỗi lo ngại còn thể hiện ở việc có đến gần 80% du khách mong muốn được đi du lịch cùng gia đình, bạn bè thay vì đi theo tour hay cơ quan. Gần 52% số du khách cũng cho biết sẵn sàng mua thêm gói bảo hiểm để tăng thêm độ an toàn.

Khách du lịch đang đứng trước cơ hội hấp dẫn chưa từng có khi hầu hết sản phẩm, dịch vụ đều được giảm giá, ưu đãi ở mức tối đa trên quy mô toàn quốc. Tại Hạ Long, du khách được giảm 50% giá vé vào các điểm tham quan lưu trú trên vịnh Hạ Long. Thêm vào đó, nếu hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, khách du lịch sẽ được nhận thêm ưu đãi lên đến 50% các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của Tập đoàn Sun Group.

Các khu du lịch nổi tiếng trên cả nước cũng đều tung ra chính sách ưu đãi lý tưởng dành cho du khách như: Sun World Fansipan Legend áp dụng chương trình mua vé cáp treo, tặng vé buffet trưa; KDL Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) tặng vé buffet trưa 255.000 VNĐ dành cho tất cả du khách khi mua vé cáp treo đến hết tháng 12-2020; Sun World BaDen Mountain (Tây Ninh) đang áp dụng gói combo ưu đãi, thay vì mua vé cho hai tuyến cáp treo riêng, du khách có thể mua trọn gói gồm một vé khứ hồi lên đỉnh Bà Đen và một vé khứ hồi lên Chùa Bà với mức giá giảm 25% so với giá mua lẻ…

Các resort, khách sạn sang trọng cũng đồng loạt tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại để kích cầu. Theo báo cáo từ các địa phương, số lượng khách đặt phòng trong tháng 11 và 12 đã tăng trở lại ở Hạ Long, Sa Pa, TP.HCM, Đà Lạt, Hội An, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu… Ngay cả Đà Nẵng, thành phố vừa thoát khỏi tâm bão dịch Covid-19, du khách cũng bắt đầu quay trở lại. Lượng khách nội địa giai đoạn Tết 2021 được kỳ vọng có thể bù đắp lượng khách quốc tế thiếu hụt.

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội; điện thoại thông minh. Ứng dụng là sản phẩm quan trọng nhằm góp phần triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020; giúp du khách dễ dàng tra cứu mức độ an toàn tại điểm đến, cập nhật bản đồ số để biết cảnh báo an toàn, tìm kiếm thông tin về các dịch vụ nhà hàng, khách sạn.

Vào ngày 30/10, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ ký kết Quy chế phối hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.

Đây là một bước hành động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch và quyền lợi của du khách.

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong tháng 11/2020 sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 tại TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Hội nghị sẽ tập trung đánh giá tình hình phát triển ngành du lịch thời gian qua; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phục hồi và phát triển du lịch phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Hội nghị sẽ tiến hành thảo luận về việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch, tạo động lực phát triển cho du lịch Việt Nam sau Covid-19; thống nhất hành động triển khai giữa các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.

Hội nghị đề cập đến tình hình du lịch khu vực và thế giới, thách thức và cơ hội đối với du lịch Việt Nam; những xu hướng mới trong nhu cầu du lịch và sự thích ứng của du lịch Việt Nam.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Du lịch nội địa: Tín hiệu lạc quan trở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới