Thứ sáu, 22/11/2024 10:58 (GMT+7)
Thứ năm, 29/10/2020 11:48 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu sẽ khiến cho nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt cùng các hiện tượng xói mòn, sạt lở khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” vĩnh viễn.

1.Venice, Italy

Venice nổi tiếng với kiến trúc cổ điển, không gian lãng mạn cùng hệ thống kênh đào dày đặc. Tuy nhiên, thành phố tuyệt đẹp này đang phải đối mặt với một vấn đề lớn, đó là khi mực nước biển dâng cao sẽ khiến tình trạng ngập lụt ở Venice trở nên nghiêm trọng. Trong nỗ lực nhằm bảo vệ Venice, các nhà hoạt động xã hội đã đưa ra ý kiến kêu gọi đầu tư vào các cửa cống tiên tiến và các công nghệ khác để ngăn chặn các đợt nước biển dâng.

Tháng 11/2019, thành phố du lịch lừng danh ở miền bắc nước Ý, đã trải qua một đợt triều cường cao kỷ lục trong hơn 50 năm qua. Du khách phải lội bì bõm ở quảng trường thánh St. Mark trong lúc gió mạnh làm cho mặt nước nổi sóng.

Trong nhiều thế kỷ, Venice đã chuyển hướng các dòng sông để bảo vệ đầm phá và mở rộng các đảo chắn. Nhưng hiện tại, mực nước biển đang dâng lên vài mm mỗi năm.

Ngoài khơi, tại các cửa biển giữa những đảo chắn, một dự án lớn có tên MOSE nhằm tăng cường bảo vệ Venice đang bịt kín đầm phá. Ra mắt vào năm 2003, dự án từng được dự báo sẽ hoàn thành vào năm 2011, sau đó lùi sang 2014. Hiện tại, các dự án được kêu gọi hoàn thành vào năm 2022.

Một số chuyên gia nói rằng nếu mực nước biển dâng như dự đoán, các cửa biển sẽ cần phải được nâng lên vĩnh viễn, tạo ra một vấn đề nghiêm trọng không kém: Venice sẽ trở thành một đĩa petri (đĩa cạn có nắp dùng để cấy vi khuẩn) và đối mặt với các vấn đề về nước thải, tăng trưởng tảo và ô nhiễm vi sinh.

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 1

2.Maldives

Maldives được ví như thiên đường hạ giới, là quốc gia châu Á nhỏ nhất cả về dân số và diện tích. Đảo quốc Maldives cũng là quốc gia thấp nhất trên thế giới. 

Trong thế kỷ XX, mực nước biển tăng thêm 20cm đã đe dọa cuộc sống của hơn 380.000 công dân tại Maldives.

Theo các nhà nghiên cứu, do ảnh hưởng của nhà kính đến thay đổi khí hậu, mực nước dâng cao sẽ dẫn đến bão khiến cho quốc đảo này bị thu hẹp đáng kể.

Các nhà khoa học dự đoán, bắt đầu từ năm 2030 cho đến cuối thế kỷ XXI, toàn bộ lãnh thổ Maldives sẽ bị nhấn chìm trong nước biển. Người dân ở đảo sẽ di cư và thiên đường Maldives sẽ biến mất trên bản đồ thế giới.

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 2

3.Công viên quốc gia Glacier, Montana, Mỹ

Trải rộng khoảng 4.000 km2 ở Montana, trong khu vực biên giới giữa Mỹ và Canada, Glacier thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Thế nhưng khi nhiệt độ toàn cầu tăng đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nguyên sơ của công viên, đe dọa đến nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, hàng nghìn loài thực vật và khiến các dòng sông băng tan chảy.

Theo một báo cáo công bố vào tháng 5/2017, từ năm 1966, khí hậu ấm lên đã làm giảm kích thước của 39 sông băng khác nhau trong công viên, trong đó có những con sông giảm tới 85% diện tích. Các nhà khoa học đã dự đoán rằng, đến cuối thế kỷ này, công viên sẽ không còn dòng sông băng nào tồn tại.

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 3
(Ảnh: Getty)

4.Biển Chết

Biển Chết thực chất là một hồ nước mặn khổng lồ. Diện tích hồ đã thu hẹp 1/3 trong 40 năm qua.

Thuộc biên giới giữa bờ Tây, Israel, và Jordan trên thung lũng Jordan, chiều dài 76 km, nơi sâu nhất 400m, biển Chết còn là hồ chứa nước với độ mặn cao nhất thế giới tới 38% so với 2.5% của độ mặn ở biển thông thường. Chính bởi độ đậm đặc này khiến không sinh vật nào sống nổi và cái tên biển Chết cũng ra đời.

Du khách đến biển Chết không lo bị chìm bởi cơ thể sẽ tự động nổi trên mặt nước. Điều thú vị này khiến biển Chết từ lâu thành điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mọi thứ đang thay đổi. Nước rút dần khỏi biển. Bề mặt nước đang giảm đều đặn, hơn 1m mỗi năm. Và tổng tiện tích của biển Chết đang nhỏ dần. Hay nói cách khác, biển Chết đang “co lại”.

Theo các chuyên gia, nhiều nguyên nhân dẫn tới hệ lụy này. Trong đó có thể kể tới nguồn cung cấp nước tự nhiên cho biển Chết vốn chảy qua thung lũng sông Jordan từ Lebanon và Syria đã chuyển hướng sang nông nghiệp.

Ngoài ra, nhiều hoạt động du lịch tới biển Chết không được quản lý bền vững. Bên cạnh đó, hoạt động khai khoáng sản xuẩn kali ở Israel và Jordan cũng là những nguyên nhân khiến vấn đề trầm trọng hơn. Một số năm trở lại đây, những bãi biển xung quanh đã đóng cửa và tấm biển cảnh báo hố nước nguy hiểm mọc lên ở nhiều nơi.

Nếu các quốc gia dọc bờ Biển Chết tiếp tục dùng nước từ Jordan, con sông duy nhất cấp nước cho hồ, khu vực này sẽ hoàn toàn biến mất trong 50 năm nữa.

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 4
(Ảnh: Insider)

5.Alaska

Alaska rộng lớn là địa điểm du lịch mạo hiểm lý tưởng của nhiều du khách trên thế giới. Tuy nhiên, nơi đây đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trái đất ấm lên khiến băng ở Alaska tan chảy dẫn đến sạt lở đất và bờ biển.

Ngoài ra, tình trạng thời tiết này còn mang đến một hệ lụy khác đó là cháy rừng. Theo thông tin thống kê, diện tích rừng bị cháy trong 10 năm qua ở Alaska là lớn nhất so với những thập kỷ trước đây, và con số này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2050.

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 5
(Ảnh: Getty)

6.Thác Victoria

Victoria là một điểm du lịch thu hút hàng triệu du khách trong nhiều năm qua nhờ dòng sông Zambezi ở Zimbabwe ở miền Nam châu Phi đổ nước xuống từ độ cao 100m tạo ra cảnh quan vô cùng  hùng vĩ.

Theo CNN, nhiều năm qua, lượng nước của thác ngày càng giảm. Năm ngoái, thác gần như cạn hẳn suốt mùa khô, là lần giảm lượng nước nghiêm trọng nhất trong suốt một thế kỷ qua. 

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 6

7.Sông băng Perito Moreno (vườn quốc gia Glacier)

Perito Moreno là một trong 48 sông băng thuộc hệ thống dãy núi dài nhất thế giới Andes, lấy nguồn băng chủ yếu từ Patagonia. Vùng đất được xem như nơi tận cùng Trái Đất bởi chỉ cách Nam Cực khoảng 1.000 km. Như các sông băng khác, Perito Moreno được hình thành hoàn toàn từ tuyết. Nơi đây là nguồn cung cấp nước ngọt lớn thứ 3 thế giới.

Tọa lạc tại công viên quốc gia Los Glaciares, Argentina, sông băng Perito Moreno trải dài trên diện tích 250 km2 với chiều dài 30 km, chiều rộng 5 km, độ dày 170 m. Được phát hiện bởi nhà thám hiểm Francisco Moreno vào thế kỷ 10, dòng sông này ước tính có niên đại khoảng 15.000 năm. Nơi đây được đánh giá là sông băng đẹp và lâu đời nhất ở Argentina.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang khiến lượng nước dâng lên cao. Những năm gần đây, sông băng luôn ở trong tình trạng báo động. Năm 2015, 9 dòng sông đã tan chảy hoàn toàn và số còn lại bị thu hẹp diện tích dần dần cho đến ngày nay. 

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 7

8.Bãi biển Glass, Nga

Từng là bải phế thải của nhiều chai lọ, mảnh vỡ thủy tinh và được “nghiêm cấm” đặt chân đến vì độ nguy hiểm, Glass sau hàng thập kỉ được bào mòn và đánh bóng nhờ vận động của thủy triều và sóng biển đã trở thành bãi biển tuyệt đẹp với bãi sỏi thủy tinh lấp lánh.

Bắt nguồn từ sự tò mò cũng như tạo dấu ấn kỉ niệm mà nhiều du khách đã bỏ túi các viên đá về nhà. Chỉ có lấy đi không có thêm vào đã khiến số lượng sỏi giảm dần và có nguy cơ cạn kiệt. Ngoài ra, ngoại lực, sự ăn mòn của nước biển cũng là nguyên nhân biến bãi biển độc đáo như Glass về lại nguyên trạng sơ khai của biển xanh, cát trắng.

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 8

9.Rạn san hô Great Barrier Reef, Australia

Là rạn san hô lớn nhất thế giới, Great Barrier Reef là một địa điểm tuyệt vời khác nên đến trước khi nó biến mất. Sự gia tăng nhiệt độ của đại dương, lốc xoáy, san hô bị đổi màu và nước biển ô nhiễm đang phá hủy rạn san hô này qua từng năm. Các chuyên gia ước tính khoảng 60% san hô sẽ biến mất vào khoảng năm 2030. Thật đáng buồn khi sinh vật tự nhiên đã tồn tại suốt 8.000 năm này có thể biến mất khi bạn còn sống. Vì vậy hãy chắc chắn bạn sẽ làm một chuyến tham quan đến rạn san hô Great Barrier trước khi nó biến mất.

Cơ hội để thăm thành phố nhiệt đới Cairns có lẽ là điều tốt nhất để làm một chuyến du hành đến Great Barrier Reef. Cairns là nơi mà mùa hè không bao giờ kết thúc, vì vậy bạn có thể tận hưởng kỳ nghỉ của mình bất cứ lúc nào trong năm. Và nếu bạn thích ngắm nhìn cá voi, Cairns là một lý tưởng để xem cá voi cũng như cá heo, vì có đến 30 loại cá voi và cá heo sống tại đây.

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 9

10.Đảo Komodo, Indonesia

Không mang vẻ đẹp thơ mộng như Bali hay Lombok, nhưng địa điểm du lịch mang tên Komodo là hòn đảo của vẻ đẹp hoang dã và thanh bình. Bên cạnh vẻ hấp dẫn của những bãi tắm xanh ngắt, cuộn trong những dải cát vàng mềm mại thì có lẽ người ta tìm đến Komodo bởi chủng thằn lằn khổng lồ nguy hiểm bậc nhất và chỉ tồn tại ở nơi đây, được gọi dưới cái tên tôn nghiêm – Rồng.

Komodo đang phải chịu mực nước biển dâng cao, đe dọa những khu rừng đước sinh thái, những bãi biển cùng loài sinh vật quý hiếm như Rồng Komodo. Đồng thời, nó cũng tạo tình trạng axit hóa, làm thay đổi nhiệt độ nước, phá hủy các rặn san hô và giết chết cảnh quang của những bãi lặn đẹp đẽ này.

Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn - Ảnh 10

Bảo My

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng nguy cơ bị ‘xóa sổ’ vĩnh viễn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới