Thứ sáu, 22/11/2024 17:52 (GMT+7)
Thứ ba, 12/04/2022 11:00 (GMT+7)

Du lịch Đông Nam Á: Phục hồi nhanh, đón đà tăng trưởng trở lại

Theo dõi KTMT trên

Mở cửa muộn hơn so với nhiều khu vực song du lịch Đông Nam Á đang thay đổi với những tín hiệu tích cực. Nhằm thúc đẩy phục hồi thị trường quốc tế, nhiều nước Đông Nam Á đang dần gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh, mở rộng phạm vi trải nghiệm cho khách nước ngoài.

Hàng loạt quốc gia tuyên bố mở cửa trở lại

Nhằm thúc đẩy mục tiêu phục hồi thị trường du lịch quốc tế, nhiều nước Đông Nam Á đang dần gỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh, đa dạng hóa chuỗi liên kết lữ hành và mở rộng phạm vi trải nghiệm cho du khách nước ngoài.

Đến nay, hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á đã lần lượt tuyên bố mở cửa trở lại, hy vọng sớm hồi sinh ngành du lịch trong nước. Trong đó, Campuchia, Thái Lan, Philippines và Indonesia đã mở cửa lại hoàn toàn biên giới, cho phép du khách nước ngoài miễn cách ly sau khi nhập cảnh, Malaysia và Việt Nam cũng đưa ra tuyên bố tương tự. 

Tại Việt Nam, ngày 15/3, sau 2 năm chống dịch nghiêm ngặt, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn chào đón du khách quốc tế. Khách du lịch đến đây được miễn cách ly và chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tháng 5/2022, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31). Việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến từ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tương đối cao. Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022 là đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế.

Từ ngày 1/4, Singapore cho phép khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ từ tất cả các quốc gia nhập cảnh mà không cần kiểm dịch. Động thái này diễn ra sau động thái của Thái Lan và Philippines, những quốc gia đã mở cửa biên giới cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ nhiều tháng trước đó. 

Du lịch Đông Nam Á: Phục hồi nhanh, đón đà tăng trưởng trở lại - Ảnh 1
Hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á đã lần lượt tuyên bố mở cửa trở lại, hy vọng sớm hồi sinh ngành du lịch trong nước.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, ngành du lịch chiếm 12,1% GDP Đông Nam Á và sử dụng tới 42 triệu lao động trong năm 2019. Sau đó, đại dịch bùng lên và ngành du lịch gần như bị tê liệt, khiến nhiều người thất nghiệp, thậm chí là đói nghèo. Việc mở cửa trở lại với du khách nước ngoài được đánh giá rất quan trọng với khu vực, giúp phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn người dân.

Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại Philippines và Indonesia, song vẫn ở mức cao tại Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 đang được cải thiện trên toàn khu vực, tạo ra tín hiệu tích cực cho phép các nước mở cửa trở lại.

Singapore cũng đề ra mục tiêu sớm mở cửa cho những khách du lịch tiêm phòng đầy đủ, như một phần của nỗ lực khôi phục lượng khách quốc tế lên mức ít nhất 50% của thời trước đại dịch trong năm nay.

Mở cửa muộn hơn so với nhiều khu vực trên thế giới song ngành du lịch Đông Nam Á đang thay đổi với nhiều tín hiệu tích cực. Để giúp ngành du lịch sống lại, các chính phủ trong khu vực đã và đang hỗ trợ ngành công nghiệp khó khăn này.

Theo đó, ở đỉnh điểm của đại dịch, các hãng hàng không và lữ hành Việt Nam giảm giá 50% trở lên để thu hút người dân đi máy bay, đến các khu nghỉ dưỡng và nhà hàng. Ở Indonesia, công ty RedDoorz hợp tác với Bộ Du lịch và Kinh tế hỗ trợ một đợt tiêm chủng cho hơn 700.000 người trong cả nước. Các công ty tư nhân cùng nhau tìm cách hỗ trợ sức khỏe cộng đồng để nỗ lực đẩy nhanh phục hồi ngành du lịch.

Xu hướng mới trong điều kiện bình thường mới

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những thay đổi chưa từng có trong cuộc sống, và niềm đam mê và nhu cầu khám phá các vùng đất mới của người yêu thích du lịch cũng không ngoại lệ. Bên cạnh những trải nghiệm tuyệt vời, giờ đây, ngày càng nhiều người quan tâm đến các yếu tố khác như an toàn, vệ sinh, bảo hiểm du lịch…

Theo báo cáo của Traveloka, một công ty du lịch ở Đông Nam Á, “du lịch chữa lành” cũng đang trở thành xu hướng thời kỳ hậu đại dịch, tập trung vào phục hồi thể chất và tái tạo tinh thần. Trong khi đó, nghiên cứu của Booking.com chỉ ra 46% trong số hơn 29.000 khách du lịch trên 30 quốc gia cho hay đại dịch đã thúc đẩy họ tìm đến du lịch bền vững.

Những xu hướng mới này đặt ra thách thức cho ngành du lịch quốc tế, đòi hỏi các quốc gia tập trung xây dựng tiêu chuẩn mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Visa cho thấy, khách du lịch hiện đang có xu hướng tới những điểm đến an toàn và đảm bảo phòng chống dịch, ngay cả khi Covid-19 đang có xu hướng được xem là bệnh đặc hữu. Nghiên cứu cũng cho thấy khách du lịch trở nên có cơ hội hơn và đang chọn đặt phòng gần ngày đi du lịch hơn nhiều so với trước đại dịch. Ngoài ra, ngày càng có nhiều du khách lựa chọn du lịch trong nước.

Thông tin chi tiết từ Google cho thấy, Indonesia đã chứng kiến ​​mức tăng đột biến 40% về du lịch nội địa từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2021 khi so sánh với cùng kỳ năm 2020. Một cuộc khảo sát gần đây của AirBnB cho thấy hơn một nửa (57,6%) khách du lịch trên khắp châu Á - Thái Bình Dương có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho du lịch trong nước. Con số tương tự là 66,7% ở Malaysia và 65,3% ở Thái Lan.

Du khách cũng đang tìm cách đi du lịch đến các địa điểm nông thôn trong khi tránh các địa phương phổ biến hơn thường thu hút nhiều người. Gần 3/5 (59,2%) khách du lịch Thái Lan có kế hoạch đến thăm các địa điểm nông thôn; sử dụng các khách sạn thân thiện với môi trường.

Việc áp dụng dụng công nghệ cũng góp phần vào sự tăng trưởng của ngành du lịch. Do đại dịch tác động đến thói quen, các hãng hàng không áp dụng công nghệ cho các nền tảng đặt vé, giao diện thanh toán không tiếp xúc và quy trình làm thủ tục lên máy bay. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia có kế hoạch giới thiệu công nghệ nhận dạng khuôn mặt, cho phép du khách đi qua mọi cổng kiểm tra của sân bay mà không cần xuất trình thẻ lên máy bay tại bất kỳ điểm tiếp xúc nào. Việc áp dụng kỹ thuật số đang giúp định hình lại câu chuyện về phát triển du lịch bền vững.

Đề xuất giải pháp cho Việt Nam, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm yêu cầu cả về kinh tế, xã hội, môi trường, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng tới việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; ban hành các văn bản pháp quy cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cả cấp trung ương và địa phương.

Ngoài ra, sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành các mô hình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển du lịch theo hướng này phải áp dụng trên phạm vi cấp ngành, vùng, địa phương và cho từng khu, điểm du lịch cụ thể…

Đặc biệt, các địa phương có tài nguyên du lịch phải cân nhắc bài toán giữa phát triển và bảo tồn; khai thác tài nguyên phát triển du lịch. Khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch phải tuân thủ nguyên tắc: tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện với môi trường; không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên; không phá vỡ cảnh quan và không làm biến tướng, mất đi các giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản; không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Du lịch Đông Nam Á: Phục hồi nhanh, đón đà tăng trưởng trở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới