Thứ bảy, 23/11/2024 02:34 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/08/2019 15:21 (GMT+7)

Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI gây “ô nhiễm ánh sáng”: Chuyên gia nói gì?

Theo dõi KTMT trên

Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI lấy ý tưởng là một viên Ruby đặt trên một chiếc nhẫn kim cương. Việc sử dụng kính phản quang bọc quanh tòa cao ốc này đang gây nhiều tác hại tới người dân xung quanh và người đi đường.

Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI gây “ô nhiễm ánh sáng”: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1
Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI được thiết kế lấy ý tưởng là một viên Ruby đặt trên một chiếc nhẫn kim cương nên được sử dụng kính phản quang với nhiều góc cạnh để bọc toàn bộ mặt ngoài dự án. Ảnh: Đức Giang

Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI tọa lạc tại ngã tư phố Lê Duẩn với Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) được giới đầu tư coi là “đất vàng" tại Hà Nội.

Được DOJI giới thiệu là công trình có phong cách kiến trúc rất đặc biệt và mang nét đặc trưng của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI. Công trình lấy ý tưởng là một viên Ruby đặt trên một chiếc nhẫn kim cương, biểu tượng cho sức mạnh, bền vững và sự vĩnh cửu nên phần mặt tiền của dự án này được sử dụng kính phản quang với nhiều góc cạnh bọc toàn bộ mặt ngoài của khối công trình.

Những tổ hợp kính này trông khá đẹp mắt và có thể tiết kiệm năng lượng nhưng lại rất có hại cho người bên ngoài. Theo các chuyên gia ngành xây dựng, về mặt mỹ thuật, đúng là bọc kính nhà trông rất đẹp mắt. Ở góc độ kiến trúc, khi làm những tòa nhà bọc kính còn phô diễn được trình độ tay nghề của người thiết kế. Nhà kính, ở góc độ nào đó còn phù hợp với tiêu chí kiến trúc xanh mà thế giới đang hướng đến bởi việc tận dụng được ánh sáng trời và hạn chế phải sử dụng điện.

Đến nay, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người của các tòa nhà có bề mặt làm toàn bộ bằng kính vẫn chưa được các nhà khoa học tính toán cụ thể. Có điều, nếu giữa trưa hè, hoặc khi trời nắng, mặt trời chiếu vào tòa nhà sẽ là một thử thách lớn đối với ai vô tình nhìn trực diện vào các tòa nhà bằng kính.

Mặt khác, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ánh sáng phản quang từ các tòa nhà bọc kính đều trên 1.000 lux, trong khi mắt chúng ta chỉ chịu được độ ánh sáng khoảng 400 – 600 lux. Bên cạnh đó, nếu người nào tiếp xúc thường xuyên với các ánh sáng phản quang từ cao ốc sử dụng sẽ dẫn tới tình trạng nhức mắt, chóng mặt, thậm chí gây đau đầu, buồn nôn, mất ngủ…

Video: Tòa nhà bọc kính số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI đang khiến hàng chục hộ dân xung quanh bị đảo lộn cuộc sống.

Hàng chục hộ dân sống tại tổ dân phố số 3, 6, 7 phường Điện Biên, Ba Đình (Hà Nội) hiện nay đang khổ sở với ánh sáng gắt của toà nhà Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, chiếu hắt thẳng vào nhà từ lúc 3 - 5 giờ chiều. Vào thời điểm đó, xe cộ kể cả xe máy và xe hơi chạy qua đoạn đường này cũng đều bị chói mắt vì ánh sáng xanh trên nền đường hắt ánh sáng ngược lên, còn nhìn thẳng vào toà cao ốc là điều không thể vì nó trở thành một khối sáng trắng loá gây nhức mắt.

Bà Yên (70 tuổi) trên đường Lê Duẩn (Ba Đình). Nằm đối diện với toà nhà Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn, cứ khoảng 3h chiều, gia đình bà lại phải đóng chặt cửa tầng 2, buông rèm để chống chọi lại cái ánh nắng phản chiếu từ tòa nhà dự án. "Cứ mở cửa ra là ánh nắng lại phản chiếu vào nhà đến hoa mắt. Lúc nào nhà tôi cũng phải đóng cửa tối om và nóng như cái hầm. Nhiều khi ngồi trong nhà còn phải đeo kính râm. Lên phường kiến nghị thì họ cũng chẳng đưa ra được biện pháp xử lý. Không biết bao giờ mới thoát khỏi hoàn cảnh này", bà Yên thở dài.

Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI gây “ô nhiễm ánh sáng”: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2
Tòa nhà dự án trở thành một khối sáng trắng loá gây nhức mắt cho những ai vô tình nhìn trực diện. Ảnh: Đức Giang.

Anh Nguyễn Duy Thanh (giám đốc một công ty xây dựng) cho biết: “Thiết kế nhà kính vừa khó vừa dễ đối với kiến trúc sư. Dễ vì kính sẽ làm nổi không gian nhưng khó là việc bố cục bên trong tòa nhà sao cho hợp lý. Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có các khuyến cáo không nên dùng kính nhiều đối với các tòa cao ốc. Hiện tại, ở Việt Nam khi thiết kế các tòa nhà thì các kiến trúc sư chỉ tính đến việc tiết kiệm năng lượng tiêu thụ để làm mát cho tòa nhà chứ chưa tính đến việc có gây ảnh hưởng đến không gian bên ngoài hay không”.

Trao đổi với PV, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, hiện nay hầu hết tòa nhà cao ốc trên địa bàn Hà Nội đều bọc bằng lớp kính phản quang. Những tổ hợp kính màu xanh hay trắng này trông khá đẹp, mềm mại và có khả năng giảm tới 15% nhiệt lượng trong các toà nhà cao tầng. Nhưng trớ trêu là nếu nó làm lợi cho người bên trong bao nhiêu thì làm hại cho người bên ngoài bấy nhiêu. Vào những ngày nắng, nó trở thành một tấm gương khổng lồ hắt nắng và sáng chói chang vào khu nhà đối diện và đường đi.

Hầu hết các ý kiến đều thừa nhận, khi mặt trời chiếu mạnh vào buổi sáng và trưa, các ánh sáng phản quang từ các tòa nhà bằng kính gây “ô nhiễm ánh sáng” mỗi khi hắt trực tiếp vào sẽ gây khó chịu như chói mắt, nóng nực. Điều này gây nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, đặc biệt các bệnh liên quan thần kinh và mắt, nếu nhìn lâu sẽ lóa mắt và chóng mặt.

Ngoài ra, liên quan đến dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI này, theo tìm hiểu của PV, dự án này có đến 3 lần được cấp và điều chỉnh giấy phép xây dựng: Lần đầu, giấy phép xây dựng được cấp vào năm 2010; lần 2, giấy phép xây dựng điều chỉnh được cấp năm 2014 và lần 3 là phụ lục bổ sung được cấp năm 2017. Tổng số tầng của dự án sau 3 lần điều chỉnh là 16 tầng nổi, 3 tầng hầm trong khi lần cấp phép đầu tiên chỉ có 9 tầng nổi và 3 tầng hầm.

Khi được khởi công xây dựng, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012. Tuy nhiên, khi xây thô đến tầng thứ 9 thì dự án đột ngột dừng thi công và chậm tiến độ nhiều năm khiến giới đầu tư vô cùng bất ngờ. Đến năm 2017, dự án được tiếp tục triển khai và tăng quy mô chiều cao công trình lên 19 tầng.

Với việc dự án được điều chỉnh gấp đôi chiều cao so với ban đầu, xây gần 10 năm không xong khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Chất lượng và chiều cao công trình liệu có đúng quy hoạch của thành phố?

Dự án được thiết kế 9 tầng (cao 33m) và 3 tầng hầm được xây dựng trên khu đất rộng 1.624 m2, diện tích xây dựng công trình là 891 m2, mật độ xây dựng 55%. Đơn vị thi công là Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC). Tổng diện tích sàn xây dựng là 11.901 m2, bao gồm diện tích 3 tầng hầm là 4.500 m2, 5 tầng Trung tâm thương mại với tổng diện tích là 5.064 m2, 5 tầng văn phòng với tổng diện tích là 3.837 m2. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống phào chỉ, hoa văn chi tiết trên bề mặt ngoài công trình và hệ thống mái tiền sảnh được dát vàng 9999, riêng chi phí cho việc dát vàng đã lên tới 3 triệu USD.

Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp, số 5 Lê Duẩn được khởi công xây dựng vào ngày 30/7/2010, do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji hợp tác đầu tư. Khi được khởi công xây dựng, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012.

Ghi nhận của PV ngày 15/8, dự án vẫn ngổn ngang như một đại công trường giữa lòng Thủ đô, phần mái của công trình này đang lấn chiếm hết phần vỉa hè. Ông Tạ Nam Chiến – Phó Chủ tịch quận Ba Đình cho biết, vỉa hè Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI được gia hạn giấy phép đến ngày 20/10 vì chưa xong công trình. Tập đoàn DOJI sẽ hoàn trả lại vỉa hè theo thỏa thuận của Sở GTVT về đấu nối giao thông với phố Điện Biên Phủ.

Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI gây “ô nhiễm ánh sáng”: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 3
Phần mái sảnh của công trình số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI đang lấn chiếm hết phần vỉa hè. Ảnh: Đức Giang.

Xuân Đoàn

Bạn đang đọc bài viết Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI gây “ô nhiễm ánh sáng”: Chuyên gia nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới