Dự án của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI vi phạm an toàn PCCC
Công trình phụ trợ của tòa nhà số 5 Lê Duẩn, TP. Hà Nội đang vi phạm khoảng không, an toàn PCCC nhưng chủ đầu tư vẫn vô tư xây dựng.
Ngang nhiên xây dựng, bất chấp vi phạm
Nhiều hộ dân sống tại khu số 9 Điện Biên Phủ, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội bày tỏ sự bức xúc về việc xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp tại số 5 Lê Duẩn, do Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI làm chủ đầu tư. Theo đó, phần phụ trợ gồm máy phát điện, cứu hỏa… của dự án trên được chủ đầu tư xây dựng đang làm mất đi khoảng lưu không, vi phạm thiết kế và không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định của pháp luật, khiến hàng chục người sống trong cảnh bất an.
Anh Lê Hoàng Trung (ngụ tại số 9 Điện Biên Phủ, Hà Nội) cho biết, tòa nhà của Tập đoàn DOJI nằm sát cả chục nhà dân, nhưng chủ đầu tư lại đang cố tình lấn chiếm khi tự ý phá dỡ bức tường giáp ranh giữa dự án và các hộ dân mà không có bất kỳ giấy phép đồng ý nào của cơ quan chức năng hay thỏa thuận với người dân sống quanh dự án. Theo anh Trung, chủ đầu tư dự định đây sẽ là khu kỹ thuật để chứa nhiều vật dụng như máy phát điện, hệ thống PCCC. Điều này đã vi phạm quy định của pháp luật về khoảng lưu không trong xây dựng.
Trước đó, ngày 21/12/2018, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư dự án điều chỉnh vị trí lắp đặt máy móc, thiết bị để tránh ảnh hưởng tối đa đến các hộ dân xung quanh. Đồng thời, sử dụng các thiết bị có tiêu chuẩn độ ồn cho phép để không ảnh hưởng tới môi trường công cộng.
Đến ngày 14/1/2019, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ – Công an TP. Hà Nội cũng có văn bản với nội dung, hồ sơ bản thiết kế hệ thống PCCC của dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp do Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI làm chủ đầu tư chưa đảm bảo theo quy định. Các khu vực công năng sử dụng khác nhau phải được ngăn cháy bằng các kết cấu chuyên dụng, bố trí công trình phải đảm bảo lối tiếp cận cho xe chữa cháy… Tuy nhiên, theo nhiều người dân, ngày 21/3/2019, chủ đầu tư vẫn cho công nhân xây dựng các công trình phụ trợ dưới chân tòa nhà mà không thấy có sự giám sát xử lý của cơ quan chức năng.
Được biết, dự án này được xây dựng từ năm 2010 nhưng suốt 10 năm qua vẫn ì ạch tiến độ. Ban đầu được cho phép xây dựng 9 tầng nổi, 3 tầng hầm và 1 tum thang. Tuy nhiên, khi xây thô đến tầng thứ 9 thì đột ngột dừng thi công và “đắp chiếu” nhiều năm khiến giới đầu tư vô cùng bất ngờ. Đến năm 2017, dự án được tái khởi động, thi công trở lại khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Bất ngờ hơn, tòa nhà đã tăng quy mô chiều cao công trình lên 19 tầng. Đặc biệt, dự án lại án ngữ ngay giữa trung tâm nội đô, khu vực đang được chủ trương hạn chế nhà cao tầng.
Chủ đầu tư đá bóng trách nhiệm
Trước thông tin phản ánh của hàng chục hộ dân sống tại số 9 Điện Biên Phủ, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội về dự án trên. Ngày 22/3/2019, đại diện truyền thông Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI khẳng định, việc thiết kế, thi công của doanh nghiệp hoàn toàn đúng quy định, đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Cụ thể, theo thông tin từ đại diện truyền thông của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, năm 2015 doanh nghiệp xin thay đổi thiết kế tòa nhà và được duyệt dự án có 16 tầng nổi và 3 tầng hầm. Phần kỹ thuật của tòa nhà được thiết kế phía bên ngoài, thuộc khu đất của dự án. Phần kỹ thuật này được thiết kế sát với những hộ dân đang sống tại số 9 Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, chính vị đại diện này cũng cho biết, sau khi có ý kiến yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, thiết kế lại công trình phụ trợ để không ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân, phía Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI không có bản vẽ cụ thể sau khi điều chỉnh thiết kế để cơ quan chức năng phê duyệt.
Ngoài ra, phía Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cho biết, việc thiết kế phần kỹ thuật ở bên ngoài tòa nhà sẽ gây bất lợi cho công tác vận hành tòa nhà, gặp khó khăn khi hỏa hoạn xảy ra nhưng do bên tư vấn thiết kế đưa ra và được cơ quan chức năng cấp phép nên vẫn tiến hành thực hiện.
Liên quan đến vụ việc trên, Đại tá Nguyễn Thế Từ – nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Đại học PCCC cho rằng, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI không thể đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chức năng cấp phép khi bản thân cũng nhận ra những bất cập trong thiết kế, không đảm bảo an toàn PCCC của tòa nhà số 5 Lê Duẩn.
Theo Đại tá Nguyễn Thế Từ, các phần kỹ thuật phục vụ cho việc PCCC của các công trình nhà cao tầng phải được đặt bên trong của tòa nhà. Cụ thể là thường được đặt ở dưới tầng hầm. Việc đặt các hộp kỹ thuật bên ngoài tòa nhà sẽ khiến cho công tác PCCC gặp khó khăn khi có hỏa hoạn xảy ra.
Trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Vũ Nam – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, với những công trình xây dựng đang vi phạm các quy chuẩn xây dựng, có thể gây nguy hiểm cho các hộ dân sống xung quanh thì kể cả khi chưa có hệ quả xảy ra thì người dân hoàn toàn vẫn có quyền khởi kiện, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định pháp luật.
Theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định về thiết kế an toàn PCCC của công trình nhà cao tầng rất rõ, như diện tích xây dựng dự án không được quá 35 – 45% diện tích khu đất xây dựng dự án, xung quanh tòa nhà phải có đường lưu thông, mặt tiền của tòa nhà phải cách đường chính từ 15m trở lên và đường bao quanh tòa nhà phải rộng từ 6 – 10m (đối với tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên). |
Xuân Đoàn(T/h)