Vì sao Singapore cấm sử dụng kính phản quang quá mạnh trong xây dựng?
"Đảo quốc sư tử" Singapore là một trong số ít các quốc gia có luật quy định việc sử dụng kính và các vật liệu phản quang trong xây dựng.
Việc sử dụng kính phản quang được quy định tại Luật Kiểm soát xây dựng năm 2003 của Singapore. Trong lần sửa đổi bổ sung luật này năm 2017, Singapore đưa thêm các quy định về sử dụng vật liệu phản quang trong xây dựng. Định nghĩa vật liệu phản quang trong luật này bao gồm những vật liệu có tính phản xạ ánh sáng ban ngày.
Các toà nhà ở Singpapore không được phép sử dụng kính có khả năng phản xạ quá 20% ánh sáng. Ảnh: Inhabitat |
Theo quy định, các toà nhà không được phép sử dụng các loại kính có khả năng phản xạ quá 20% ánh sáng. Mặt tiền của các toà nhà không được phép sử dụng các vật liệu có phản xạ gương (phản xạ trực tiếp theo góc bằng với góc tới của ánh sáng) quá 10%. Mái nhà nghiêng một góc không quá 20 độ với mặt phẳng ngang cũng không được phép sử dụng các vật liệu có phản xạ gương quá 10%.
Singapore cho rằng, việc sử dụng các loại vật liệu phản quang như mái kim loại và tấm ốp có thể gây chói mắt và các vấn đề không an toàn khác.
Khi Luật Kiểm soát xây dựng năm 2013 được sửa đổi bổ sung, Ông Khaw Boon Wan, Bộ trưởng Bộ phát triển Quốc gia chia sẻ với báo chí rằng: Luật được ban hành năm 2003 chỉ quy định về việc sử dụng kính phản quang. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện nhiều phàn nàn về ánh sáng chói khó chịu từ các toà nhà, giới chức nước này quyết định sửa đổi luật, đưa vào kiểm soát việc sử dụng các vật liệu phản quang trong xây dựng.
“Một người dân nói với tôi rằng ông ấy phải đeo kính râm khi đang ở trong chính ngôi nhà của mình”, ông Khaw nói.
“Việc kiểm soát sử dụng vật liệu phản quang trong xây dựng nhằm đảm bảo bất cứ toà nhà nào mọc lên cũng sẽ không tác động đến hàng xóm, không khiến bất cứ người dân, người đi đường, người sống trong toà nhà nào cảm thấy bất tiện”, ông Khaw cho biết.
Kính phản quang được ưa chuộng trong kiến trúc hiện đại bởi loại kính này có tác dụng phản xạ ánh sáng, ngăn tia tử ngoại, cách nhiệt tốt nhưng vẫn giữ được độ trong suốt. Không ít công trình xây dựng sử dụng kính phản quang để che phủ phần mặt tiền hoặc bọc toàn bộ mặt ngoài toà nhà.
Toà nhà cao nhất Hồng Kong cũng bị phàn nàn bởi gây ra ánh sáng chói khó chịu. Ảnh: Traveltourismblog |
Kính phản quang có thể giảm tới 15% nhiệt lượng cho bên trong toà nhà nhưng lại là nỗi ám ảnh của người bên ngoài toà nhà. Vào những ngày nắng nóng, kính phản quang hắt sáng và nhiệt lượng vào những vật thể đối diện gây tổn hại cho người xung quanh.
Tháng 9/2013, những tia sáng phản quang từ toà nhà chọc trời có tên Walkie Talkie ở Luân Đôn (Anh) đã làm nóng chảy một số bộ phận của vài chiếc xe hơi, trong đó có cả chiếc xe hạng sang Jaguar có giá hàng tỉ đồng.
Toà nhà chọc trời ở Hồng Kong – Trung tâm thương mại quốc tế - cũng từng là vấn đề gây tranh cãi của quốc hội bởi ánh sáng chói gây ra sự bất tiện cho người dân xung quanh.
Hà Nội Dân ‘kêu trời’ vì bị ‘ngộ độc ánh sáng’ từ dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI. Ảnh: Đức Giang |
Gần đây, tại Hà Nội, cư dân xung quanh Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cũng đang than trời vì bị tra tấn bới ánh sáng khó chịu hắt từ kính phản quang bọc toàn bộ mặt ngoài toà nhà này.
Kim Minh