Du lịch xanh - hướng đi bền vững cho ngành du lịch vùng Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam Bộ có độ che phủ rừng cao, nguồn dược liệu từ rừng phong phú, nhiều kênh rạch,... Do đó, du lịch xanh sẽ là hướng đi lâu dài, bền vững cho vùng Đông Nam Bộ.
Trong năm 2023, vùng Đông Nam Bộ đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của năm đạt 180.566 tỉ đồng, tăng 22,13%. Lượng khách chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, tuy nhiên doanh thu của khu vực Đông Nam Bộ chỉ chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, vùng Đông Nam Bộ có lợi thế lớn trong việc thu hút số lượng đông đảo khách du lịch, tuy nhiên doanh thu du lịch còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng.
“Trong thời gian tới, vùng Đông Nam Bộ cần tăng cường liên kết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách. Đồng thời phải giữ vai trò động lực, điều phối đưa khách đến với các khu vực khác trong cả nước”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ hiến nhiều kế hay tăng sức hấp dẫn, gắn kết khác biệt của từng tỉnh, thành trong vùng tạo nên sự khác biệt cho toàn vùng.
Trong đó, tập trung vào sản phẩm đáp ứng trào lưu xanh, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ số quảng bá, xúc tiến du lịch.
Về vấn đề này, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, bộ sản phẩm kết nối nội vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận rất đủ đầy, độc đáo. Thế nhưng để du khách quan tâm, đến, chi tiều, tiêu tiền, phải có lộ trình marketing ra quốc tế, trong đó vai trò nhà nước, trách nhiệm doanh nghiệp, cộng đồng hưởng lợi từ du lịch phải làm gì. Thông điệp, slogan cho toàn vùng là gì. Những cái này phải bàn bạc và có chiến lược cụ thể theo năm, giai đoạn.
Tương tự, ông Trần Văn Khoa, hội viên Hiệp hội Du lịch Bình Phước nhận định, du lịch xanh đã trở thành xu hướng ưa chuộng hậu dịch. Vùng Đông Nam Bộ có độ che phủ rừng cao, nguồn dược liệu từ rừng phong phú. Cần nghiên cứu khai thác du lịch dưới tán rừng, du lịch sức khỏe, dưỡng lão, làm đẹp, chữa lành từ thiên nhiên kết hợp giữ rừng, trồng rừng, tăng độ che phủ của rừng sẽ tạo nên bộ sản phẩm thu hút đa dạng phân khúc khách, đặc biệt là khách văn hóa cao, yêu thiên nhiên, môi trường.
Ngoài rừng, Đông Nam ộ có hệ thống sông rạch nhiều. Khai thác sản phẩm từ lợi thế sông rạch cũng là hướng đi lâu dài được TP.HCM triển khai.
“Để liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ thật sự mang lại hiệu quả, TP.HCM mong nhận được sự phối hợp của các tỉnh nhằm xây dựng hoàn chỉnh bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ cho toàn vùng, góp phần tăng cường hiệu quả truyền thông của cụm du lịch Đông Nam bộ”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đề xuất.
Yến Thanh