Đồng Nai tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và chuyển đổi số, Đồng Nai đã ban hành các chính sách nhằm từng bước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hình thành cộng đồng doanh nghiệp số trên địa bàn.
Chuyển đổi số để chủ động trong sản xuất kinh doanh
Theo Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á, dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Điều này càng khẳng định, chuyển đổi số đang trở thành nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được con số ấn tượng này, Chính phủ và các địa phương đnag tích cực chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Đồng Nai, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp truyền thống có quy trình kinh doanh thường dựa trên kinh nghiệm hơn là hệ thống. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ hiện nay buộc các doanh nghiệp phải cải cách và tối ưu hóa quy trình, đồng thời cần có những điều chỉnh kinh doanh để tiến tới một nền tảng cao hơn.
Chính vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã xác định, việc tiếp cận và chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp chuyển hóa hoạt động và quá trình vận hành từ thụ động hay còn gọi là phản ứng sau (phản ứng chạy theo) với những diễn biến trên thị trường sang tâm thế chủ động theo dõi diễn biến của thực tế và dự báo, tiên đoán những gì sẽ xảy ra. Việc chủ động trong sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến lược cạnh tranh theo thời gian thực. Khả năng dự báo giúp doanh nghiệp có thể tiên lượng những vấn đề xảy ra và đưa ra những chiến lược dẫn đầu nhằm đáp ứng và xử lý trước khi có các thay đổi trên thị trường.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Chuyên gia Chuyển đổi số - khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho rằng, chuyển đổi số góp phần cũng quyết định việc nhân rộng hoặc thay đổi quy mô doanh nghiệp. Cùng với đó, nếu không có chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc nhân rộng mô hình và luôn luôn phải đi theo sau, do toàn bộ hạ tầng, cách thức vận hành cũng như cấu hình chuỗi giá trị là nằm trên không gian thực vật lý.
Còn theo ông Lê Bạch Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho biết, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có hội viên đông đảo ở khắp các địa phương trong tỉnh nên sẽ là một trong những hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong những năm tới, Hội sẽ đổi mới hoạt động của mình, trong đó tăng cường liên kết, kết nối hội viên để nâng cao sức mạnh của mỗi doanh nhiệp cũng như của tổ chức hội.
Đặc biệt, Hội sẽ đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo, mời chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số về nói chuyện, phổ biến thông tin, kinh nghiệm làm cơ sở cho doanh nghiệp hội viên áp dụng một cách rộng rãi hơn.
Từ phía doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Phạm Văn Chính, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (TP. Biên Hòa) cho biết, khi bước vào sản xuất lớn hơn, một trong những nhiệm vụ quan trọng phải nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp. Đó là điều tối quan trọng bởi chỉ có mô hình tốt mới có kết quả tốt.
Đồng thời, để hoạt động thông suốt, phải xây dựng quy trình quản lý, quy trình phối hợp giữa các nhà máy, phòng, ban một cách phù hợp. Ứng dụng công nghệ, tự động hóa, kết nối các khâu trong quy trình quản trị, sản xuất với nhau giúp cho doanh nghiệp vận hành một cách trôi chảy, nhờ vậy, tăng trưởng gần đây của doanh nghiệp luôn đạt kết quả tốt.
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ và gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số. Do đó, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số một cách bài bản theo từng giai đoạn là yêu cầu cấp thiết để giúp doanh nghiệp có thể hiểu, vận dụng và quản trị thành công các chuỗi giá trị.
Trong quá trình ấy, doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ, tiếp sức từ phía nhà nước bằng việc xây dựng chiến lược phát triển chung, chính sách hỗ trợ phù hợp. Thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất đến tường bước chuyển đổi số, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số là điều mà Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện.
Trước hết là mục tiêu đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Chương trình đổi mới công nghệ Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình hằng năm l5% và đến năm 2030 tăng 10% mỗi năm.
Năm 2025, có 10% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm tham gia xây dựng tổ chức nghiên cứu và phát triển, có 1-2 ngành sản xuất có khả năng làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao. Đến năm 2030 có 30% doanh nghiệp sản xuất mặt hàng chủ lực và xây dựng được 3 ngành sản xuất chủ lực. Tỉnh cũng sẽ đào tạo, tư vấn cho 1 ngàn kỹ sư, cán bộ quản lý trong DN về đổi mới, nâng cao công nghệ.
Cùng với đó, đối với việc xây dựng, hình thành doanh nghiệp công nghệ số, Đồng Nai đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới, 10 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực. Đến năm 2030, có ít nhất 8 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới và 350 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ số thương hiệu Việt, sản xuất công nghệ lõi, chủ lực.
Tháng 4 vừa qua, tại Hội thảo chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, những tác động của đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội cho địa phương thay đổi. Đồng Nai đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân. UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản về thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động đánh giá mức độ chuyển đổi số của đơn vị mình, từ đó đề ra lộ trình, kế hoạch phù hợp. Đây cũng là cơ sở để địa phương, đơn vị tư vấn đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế số tại địa phương.
Để nâng cao hiệu quả của chỉ số chuyển đổi số trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai tập trung từng bước phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số. Cụ thể, đầu tiên là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư công nghệ lõi. Thứ hai, nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu, tiên phong trong nghiên cứu, phát triển công nghệ số và chủ động trong sản xuất. Thứ ba là nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra sản phẩm, hàng hóa dịch vụ mới và cuối cùng là nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
Đồng Nai đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử đến 100% doanh nghiệp trên địa bàn; kê khai thuế điện tử đạt 99% so với tổng lượt hồ sơ khai thuế đã nộp; thực hiện nộp thuế điện tử đạt 99,72%; thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 100% hồ sơ hoàn thuế GTGT xuất khẩu và đầu tư. Đồng Nai cũng là tỉnh công nghiệp với hơn 27,5 ngàn doanh nghiệp và trên 156 ngàn hộ cá nhân kinh doanh đang hoạt động (số liệu thống kê doanh nghiệp 2021), việc sử dụng hóa đơn điện tử đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thanh Vũ