Thứ sáu, 19/04/2024 15:19 (GMT+7)
Thứ ba, 26/07/2022 17:50 (GMT+7)

Đồng Nai: Dẫn đầu cả nước về giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt

Theo dõi KTMT trên

Với tỷ lệ chôn lấp chất thải khoảng 15%, Đồng Nai hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau xử lý.

Tỉ lệ chôn lấp thấp hơn 4,7 lần so với bình quân chung cả nước

Trước đây, vì không có nhà máy, công nghệ xử lý nên tỉnh Đồng Nai thực hiện chôn lấp 100% chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Với thực trạng đáng báo động này, năm 2000, lần đầu tiên UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch các khu xử lý CTRSH trên địa bàn.

Trong các giai đoạn tiếp theo, tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục bổ sung và thực hiện 9 khu, 17 dự án khu xử lý CTRSH. Tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này bằng cách giảm thuế đất, giảm phí môi trường và cho chủ dự án vay vốn lãi suất thấp từ các quỹ để đầu tư nhà máy, công nghệ, phương tiện.

Đồng Nai: Dẫn đầu cả nước về giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 1
Đồng Nai là địa phương dẫ đầu cả nước về tỉ lệ giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Với những cơ chế ưu đãi trên, các khu xử lý chất thải dần hình thành, tỉnh Đồng Nai bắt đầu thí điểm thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và đề ra mục tiêu giảm chôn lấp chất thải còn 70%. Tỷ lệ này sau đó, lần lượt được điều chỉnh còn 50%, 29% và hiện tại là 15%, thấp hơn 4,7 lần so với bình quân chung cả nước (khoảng 71%). Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận đối với tỉnh có hơn 3 triệu dân, lượng rác thải ra bình quân khoảng 2 ngàn tấn/ngày.

Ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều năm qua, công tác quản lý CTRSH luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Hằng năm Tỉnh ủy đưa các chỉ tiêu thu gom, xử lý, giảm chôn lấp CTRSH vào Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, UBND chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các khu xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh phải giảm chôn lấp chất thải bằng cách đưa ra tỷ lệ cụ thể và xem đây là điều kiện để được tham gia đấu thầu, ký hợp đồng. Khu xử lý nào không đầu tư thiết bị, công nghệ, không đáp ứng tỷ lệ giảm chôn lấp CTRSH của tỉnh cũng như quá trình hoạt động không đảm bảo môi trường, tỉnh sẽ yêu cầu dừng hoạt động hạng mục xử lý CTRSH. Đối với các địa phương cấp huyện, tỉnh yêu cầu chỉ được ký hợp đồng với khu xử lý đáp ứng các yêu cầu tỉnh đưa ra; quy hoạch các điểm trung chuyển, thực hiện giám sát và chịu trách nhiệm vấn đề thu gom, xử lý chất thải của địa phương.

Tiếp đến, tỉnh chỉ đạo Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai, Quỹ Đầu tư và phát triển Đồng Nai thẩm định và ưu tiên vốn vay ưu đãi cho dự án đầu tư công nghệ, phương tiện vận chuyển, xử lý CTRSH và nước thải.

Mục tiêu phấn đấu tỉ lệ chôn lấp xuống còn 5%

Trong xử lý CTRSH, tỷ lệ chôn lấp càng thấp thì càng tiết kiệm được diện tích đất, chi phí xử lý và tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Do đó, các địa phương đều nỗ lực để giảm chôn lấp chất thải.

Giám đốc Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (Công ty CP Dịch vụ Sonadezi) Trần Thị Thúy cho biết, khu đang tiếp nhận, xử lý khoảng 1,2 ngàn tấn/ngày, chiếm khoảng 70% CTRSH của toàn tỉnh. Thực hiện yêu cầu của tỉnh, công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền, công nghệ từ Bỉ và xử lý triệt để CTRSH. Hơn 80% rác hữu cơ được tái chế thành mùn phân compost, khoảng 5% tái chế và tái sử dụng, còn lại gần 15% chôn lấp hợp vệ sinh.

“Công ty đang xúc tiến dự án Nhà máy điện rác để tiếp tục kéo giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải, gia tăng tính bền vững của khu xử lý. Dự án có quy mô giai đoạn 1 là 150 tấn/ngày”, bà Thúy thông tin.

Đồng Nai: Dẫn đầu cả nước về giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 2
Việc giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và bảo vệ môi trường

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, Đồng Nai sẽ tiếp tục giảm chôn lấp CTRSH xuống còn khoảng 5%. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu xử lý đã đảm bảo chôn lấp dưới 15%, một số khu đang đầu tư dây chuyền, lò đốt để được tham gia đấu thầu xử lý chất thải sinh hoạt.

Bên cạnh đó, Đồng Nai đang đẩy mạnh thực hiện phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện quy mô 800 tấn/ngày (giai đoạn 1), dự án này sẽ giải quyết khoảng 50% tổng lượng rác phát sinh của toàn tỉnh. Tỉnh cần các bộ, ngành hỗ trợ định hướng công nghệ, quy chuẩn kỹ thuật, khung giá xử lý chất thải theo loại công nghệ đốt.

Đi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác quản lý CTRSH mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Đồng Nai đang là địa phương dẫn đầu cả nước về giảm chôn lấp CTRSH sau xử lý. Một số địa phương có dự án đốt rác phát điện được đánh giá là hiệu quả cũng chưa đạt được tỷ lệ này.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, hiện nay Đồng Nai đang làm khá tốt công tác quản lý, xử lý CTRSH. Do đó, việc đầu tư dự án đốt rác phát điện cần lựa chọn loại công nghệ phù hợp với điều kiện của địa phương, mỗi loại công nghệ đều có ưu và nhược điểm; quy mô công suất của dự án phải dựa trên lượng chất thải phát sinh thực tế để tránh lãng phí.

Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của tỉnh Đồng Nai và sẽ kiến nghị các bộ, ngành trung ương ban hành quy định hướng dẫn, định hướng lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật dự án xử lý CTRSH; định mức xây dựng bảng giá trần xử lý CTRSH, điều chỉnh quy định đấu thầu vận chuyển và xử lý 5 năm/lần.

Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH đạt 95%, tỷ lệ chôn lấp sau xử lý là 30%. Hiện tại, Đồng Nai đã thực hiện thu gom xử lý được 1.867/2.018 tấn CTRSH/ngày, tỷ lệ chôn lấp sau xử lý 15%...

Vũ Thanh

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Dẫn đầu cả nước về giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .