Thứ sáu, 04/07/2025 14:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/06/2022 11:00 (GMT+7)

Động đất kinh hoàng tại Afghanistan khiến gần 1.000 người thiệt mạng

Theo dõi KTMT trên

Trận động đất kinh hoàng ở Afghanistan ngày 22/6 đã cướp đi gần 1.000 sinh mạng. Thiên tai này là một đòn nặng nề đối với một quốc gia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng.

Kênh Channel News Asia dẫn lời quan chức Afghanistan cho biết, trận động đất mạnh 5,9 độ Richter đã khiến ít nhất 950 dân thường thiệt mạng, 600 người bị thương cùng hàng chục ngôi nhà bị phá hủy. Nhiều người hiện vẫn bị kẹt dưới các đống đổ nát.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra vào sáng sớm 22/6 (giờ địa phương). Cơ quan này cho biết tâm chấn đất gần tỉnh Khost, phía nam thủ đô Kabul, cách biên giới Pakistan khoảng 46 km.

“Theo thông tin chúng tôi có đến hiện nay, số người chết sau trận động đất ít nhất là 920 người và 600 người bị thương” - ông Mawlawi Sharafuddin Muslim, Thứ trưởng Bộ Quản lý thiên tai Afghanistan, nói trong một cuộc họp báo ngày 22/6.

Động đất kinh hoàng tại Afghanistan khiến gần 1.000 người thiệt mạng - Ảnh 1
Động đất kinh hoàng tại Afghanistan đã khiến ít nhất 950 dân thường thiệt mạng, 600 người bị thương.

Bộ Quản lý thiên tai Afghanistan cho biết hầu hết những người chết thuộc các huyện Giyan, Nika, Barmal và Zirok của tỉnh Paktika. Tại Khost có 25 người chết, 90 ngôi nhà bị đổ sập cùng nhiều người được cho là vẫn còn kẹt trong đống đổ nát. Tỉnh Nangarhar ghi nhận năm người thiệt mạng.

“Số người chết có thể sẽ tăng lên do có một số ngôi làng ở vùng sâu, vùng xa trên núi và sẽ mất một thời gian để thu thập thông tin chi tiết” - quan chức Bộ Nội vụ Afghanistan Salahuddin Ayubi cho biết.

Theo Trung tâm Địa chấn Địa Trung Hải châu Âu (EMSC), trận động đất mạnh đến nỗi khoảng 119 triệu người ở Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ đều cảm nhận được sự rung lắc. Theo hãng tin Al Jazeera, các nước láng giềng Pakistan và Iran có thể cảm thấy chấn động. Tuy nhiên, không có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại hoặc thương vong ở hai nước.

Trận động đất này cũng đã làm phức tạp thêm các thách thức mà Afghanistan gặp phải. Mặc dù, cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài nhiều năm do hậu quả của xung đột và hạn hán, nhưng sau khi Taliban tiếp quản, nền kinh tế nước này càng chìm sâu do Mỹ và các đồng minh đóng băng khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối và cắt nguồn tài trợ quốc tế. Nguồn vốn bị đóng băng khiến kinh tế Afghanistan tê liệt và không ít trong số 20 triệu dân rơi vào tình trạng đói nghèo nghiêm trọng.

Ngày 22/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, họ đã huy động “tất cả các nguồn lực” đang còn hoạt động tại Afghanistan để cung cấp thuốc và hỗ trợ khẩn cấp.

Tuy nhiên, như một quan chức của WHO đã nói: “Các nguồn lực ở đây đều quá tải, chỗ nào cũng cần hỗ trợ”. Giới chuyên gia cho biết, các nhu cầu cấp bách nhất trước mắt bao gồm chăm sóc y tế và vận chuyển những người bị thương, tìm cho người dân phải sơ tán nơi ở tạm cũng như thức ăn, nước uống và quần áo. Liên hợp quốc đã phân phối vật tư y tế và cử các đội y tế lưu động đến Afghanistan nhưng cảnh báo rằng, nước này không có khả năng tìm kiếm và cứu nạn.

Ông Ramiz Alakbarov, Phó đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về Afghanistan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có thể cung cấp hỗ trợ nhiều nhất. Ngày 23/6, một phát ngôn viên của Taliban cho biết, viện trợ nhân đạo cũng đã đến từ Qatar, Iran và Pakistan, với các chuyến bay và xe tải chở các mặt hàng bao gồm thuốc men, lều và bạt. Ông Alakbarov, ước tính ban đầu Afghanistan có thể cần 15 triệu USD để ứng phó với thảm họa, nhưng con số có khả năng sẽ tiếp tục tăng khi thông tin về tình hình trên thực địa rõ ràng hơn.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Động đất kinh hoàng tại Afghanistan khiến gần 1.000 người thiệt mạng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0937 68 8419 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Cá chết bất thường dưới cống thủy điện Kẻ Gỗ
Sau khi mở nước phục vụ sản xuất hè thu, hàng loạt cá mè từ hồ Kẻ Gỗ bị phát hiện chết trôi dạt về hạ lưu, với dấu hiệu bị đứt đầu và đuôi. Nguyên nhân ban đầu được cho là do cá bị hút vào hệ thống tua bin thủy điện.
Thanh Hóa: Agri-Vina được đưa lợn vào nuôi tăng đàn
Sau khi thực hiện phương án khắc phục sự cố môi trường của Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Công ty CPĐT nông nghiệp Agri–Vina được đưa lợn vào nuôi tăng đàn.
Hà Tĩnh: Đốt rơm rạ sau mùa gặt – lợi bất cập hại
Sau mỗi vụ gặt, nhiều cánh đồng ở Hà Tĩnh lại chìm trong làn khói dày đặc do người dân đốt rơm rạ để "làm sạch" ruộng đồng. Dù là một tập quán lâu đời, nhưng việc này đang gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe người dân và chất lượng đất nông nghiệp.

Tin mới

Làn gió mới cho vùng chè Thái Nguyên
Định hướng và mong muốn phát triển dài hạn tại Việt Nam, thương hiệu trà sữa CHAGEE giúp bà con nông dân xây dựng mô hình vùng nguyên liệu thí điểm là hành động cần thiết để góp phần thúc đẩy nông nghiệp bền vững, minh bạch và gắn kết với địa phương.