Thứ bảy, 27/04/2024 02:35 (GMT+7)
Thứ năm, 02/06/2022 18:10 (GMT+7)

Thiên tai gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, thiên tai diễn biến bất thường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 61 người chết, mất tích, 35 người bị thương, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 3.875 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới nhất về tình hình thiên tai tại Việt Nam của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, trong 5 tháng đầu năm 2022, nước ta đã xảy ra 70 trận mưa lớn, 74 trận dông lốc, 24 vụ sạt lở bờ sông, 107 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại.

Chỉ tính riêng tháng 5/2022, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 49 trận mưa lớn; 15 trận mưa dông, lốc, sét; 13 vụ sạt lở bờ sông; 17 trận động đất, khiến 35 người chết, mất tích; 15 người bị thương. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng 5/2022 là 483 tỉ đồng.

Tính chung, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 61 người chết, mất tích, 35 người bị thương; 121 nhà sập, 2.372 nhà hư hỏng, tốc mái.

Thiên tai cũng làm hơn 166.000ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại; hơn 17.400 con gia súc, gần 42.300 con gia cầm bị chết; 299 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; 3.600ha diện tích nuôi trồng thủy sản, hơn 8.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ngoài ra, có 26 cầu tạm bị cuốn trôi, sạt lở 23km đường giao thông, 463.330m3 đất đá sạt lở. Thiệt hại về kinh tế ước khoảng 3.875 tỷ đồng.

Thiên tai gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm - Ảnh 1
Mưa lớn gây ngập lụt tại TP. Hà Nội

Đặc biệt, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, loại hình thiên tai xuất hiện nhiều nhất là mưa lớn. Trong đó, mưa lớn ngày 10/5 đã gây lũ trên thượng lưu các sông suối, ngập lụt ven sông, sạt lở đất mái dốc, đường giao thông tại các địa phương, trong đó mực nước sông trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang ở mức báo động 2, một số sông trên mức báo động 3.

Từ ngày 22-24/5, tại khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An có mưa 100-300mm, riêng các tỉnh, thành phố Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa có mưa rất lớn từ 300-550mm.

Đáng chú ý, tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) mưa 925mm, tính riêng ngày 23-5 mưa 464mm là lượng mưa ngày lớn nhất trong 60 năm qua; Quân Chu (tỉnh Thái Nguyên) 675mm; Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) 505mm; Kiến Thiết (tỉnh Tuyên Quang) 540mm; Việt Quang (tỉnh Hà Giang) 542mm.

Mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ tại nhiều khu vực trũng thấp, sạt lở vào một số nhà dân, ách tắc đường giao thông, đặc biệt ngập úng tại các đô thị như tại Hà Nội, Vĩnh Yên, Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).

Trong các ngày 29/5 đến sáng 31/5, thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên đã có mưa cường suất rất lớn, gây ngập lụt nghiêm trọng khu vực nội thành Hà Nội, cụ thể: Láng (TP.Hà Nội) 132mm/2 giờ (từ 14-16h ngày 29/5); Nam Hòa (tỉnh Thái Nguyên) 302mm/5 giờ (20h ngày 30/5 đến 1h ngày 31/5).

Gần đây nhất,  lượng mưa ghi nhận tại trạm Láng (quận Đống Đa, TP.Hà Nội), từ 14 đến 16 giờ là 138 mm. Theo số liệu, lượng mưa tích lũy trong 2 giờ ngày 18/6/1986 tại trạm khí tượng này đạt 132,5 mm. Như vậy, trận mưa chiều ngày 29/5 là một trong những "kỷ lục mưa dông" được thiết lập ở Thủ đô Hà Nội trong vòng 36 năm qua. 

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, thiên tai năm 2022 diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021.

Do ảnh hưởng của La Nina nên nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới. Mưa lớn có thể tập trung nhiều ở những tháng cuối năm, nhiều cơn bão có khả năng có quỹ đạo và cường độ bất thường.

Đề cập đến tình hình mưa bão năm nay, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, tác động của biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên. Hiện tượng ENSO đang ở trạng thái La Nina (pha lạnh) và dự báo còn tiếp tục duy trì đến hết mùa hè năm 2022 với xác suất 65 - 70%. Dự báo của các mô hình toàn cầu, La Nina thậm chí kéo dài đến mùa thu như với xác suất thấp hơn, 50 - 55 %.

Theo đó, dự báo mùa mưa năm nay bắt đầu sớm hơn ở Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Trong đó, Bắc bộ có mưa nhiều, cao hơn lượng mưa trung bình nhiều năm và đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6 - 8. Các tỉnh Trung bộ khả năng sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt xảy ra trong các tháng 10 - 11.

Từ tháng 6 đến tháng 7/2022, mưa lớn ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ vẫn tiếp diễn. Chính quyền các cấp và người dân cần tiếp tục đề phòng nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét và lưu ý thời kỳ cao điểm mưa bão đang đến nên phải có những biện pháp chủ động trong ứng phó.

Do đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.

Các tỉnh ĐBSCL theo dõi sát tình hình dòng chảy thượng nguồn sông Mekong để chủ động ứng phó và điều chỉnh sản xuất phù hợp, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trước đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển.

Cùng với đó, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn, trong đó xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng, là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" của lực lượng vũ trang; đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm "bốn tại chỗ”.

Những ngày qua, tình trạng ngập lụt do mưa lớn tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội rất đáng quan tâm và cần có các giải pháp bền vững trong thời gian tới. 

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, TP.Hà Nội cần có dự án tổng thể trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu trong lịch sử và hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa lớn. Đồng thời, cần nghiên cứu một cách kỹ càng, khi thiết kế đô thị, để làm sao đô thị đó là đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo đại biểu, bài toán ứng phó như khi đã ngập rồi, phải sử dụng các máy bơm để thoát nước, đó gần như là điều mang tính trù bị bắt buộc. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới