Thứ sáu, 19/04/2024 14:31 (GMT+7)
Thứ hai, 30/05/2022 06:46 (GMT+7)

Khởi động dự án tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho các đô thị Bắc Trung Bộ

Theo dõi KTMT trên

Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị tăng khả năng chống chịu, phục hồi trước khí hậu tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ" giúp các đô thị tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi trước hệ quả của thiên tai và trước tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị tăng khả năng chống chịu, phục hồi trước khí hậu tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ của Việt Nam” (gọi tắt là Dự án 4 tỉnh Bắc Trung Bộ) đã chính thức được khởi động.

Dự án được tài trợ bằng một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu Euro của EU và một khoản vay ODA trị giá 123 triệu Euro của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và 28 triệu Euro vốn đối ứng. Theo đó, mục đích nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương trước thiên tai của 5 đô thị khu vực Bắc Trung Bộ bao gồm: Thị trấn Phát Diệm tỉnh Ninh Bình, thị trấn Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa, thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An, thị trấn Hương Khê và Thạch Hà tại tỉnh Hà Tĩnh.

Thông qua Dự án này, các đô thị sẽ được tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi trước hệ quả của thiên tai và trước tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Hợp phần đầu tư của dự án sẽ cho phép xây dựng các cơ sở hạ tầng đô thị cần thiết để tiêu thoát nước và bảo vệ đô thị trước ngập úng, cải thiện vệ sinh môi trường và dịch vụ cung cấp nước sạch và xử lý rác thải rắn. Song song với đó, hỗ trợ kỹ thuật sẽ cho phép củng cố tính bền vững của dự án thông qua tăng cường năng lực cần thiết để khai thác và duy tu bảo dưỡng liên tục các trạm xử lý nước thải và các công trình khác.

Khởi động dự án tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho các đô thị Bắc Trung Bộ - Ảnh 1
Mưa lớn khiến một số tuyến đường ở Nghệ An bị ngập nặng. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao hiểu biết về những tác động tiềm năng của biến đổi khí hậu tại các đô thị và sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, xây dựng công cụ và đưa ra những khuyến nghị về kế hoạch đầu tư, quản lý đô thị cho các cơ quan chính quyền địa phương.

Trong những năm qua, các vấn đề thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu hiện là trọng tâm trong các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã phân bổ nhiều nguồn lực quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, song những thách thức vẫn còn rất lớn. Do đó, sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó có hỗ trợ của Chính phủ Pháp và của Phái đoàn Liên minh châu Âu là rất cần thiết.

Trong lĩnh vực đô thị, những thách thức về biến đổi khí hậu thường kết hợp với những thách thức của quá trình tăng trưởng nhanh. Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, dân số đô thị dự kiến sẽ tăng từ 37 triệu người vào năm 2020 lên 47 triệu người vào năm 2030, và hiện nay, do việc tiếp cận với những dịch vụ cơ bản như vệ sinh môi trường, tiêu thoát nước và chất lượng nước trong các đô thị địa phương vẫn còn kém, nên cần khẩn trương cải thiện các cơ sở hạ tầng này. Ngoài ra, năng lực của các đô thị trong quản lý dự án, khai thác cơ sở hạ tầng đô thị và quản lý đô thị cũng cần phải được tăng cường để cải thiện khả năng chống chịu, phục hồi trước biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, trong những năm vừa qua, rất nhiều khu vực miền Trung Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bão lũ và ngập úng, dẫn đến nhiều thiệt hại lớn về con người và tài sản trong các khu vực nông thôn và đô thị. Khi các đô thị vẫn luôn tiếp tục mở rộng, thì thích ứng với biến đổi khí hậu trở nên thiết yếu để đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển này.

Do đó, nếu việc đầu tư các cơ sở hạ tầng đô thị mới trong khuôn khổ dự án Bốn tỉnh Bắc Trung bộ là chìa khóa để tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi, thì tăng cường năng lực cũng như vậy. Được chính những cơ quan chính quyền địa phương triển khai, các hoạt động của dự án sẽ cải thiện tính bền vững dài hạn, thông qua việc tăng cường năng lực điều phối và truyền thông, phát triển hệ thống thông tin và quản lý rủi ro, đồng thời hỗ trợ các hoạt động khai thác và duy tu bảo dưỡng.

Theo các chuyên gia, các đô thị có vai trò chủ chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Việt Nam về trung hòa carbon. Bởi đây là khu vực tập trung phần lớn lượng phát thải carbon, nhất là trong các ngành xây dựng và giao thông. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng khiến cho người dân dễ bị tổn thương hơn trước những biến đổi thời tiết, đặc biệt là do các giải pháp cứng hóa bề mặt và phát triển đô thị trải rộng ở những khu vực có rủi ro tự nhiên lớn như các vùng đồng bằng chịu lụt úng nghiêm trọng.

Do đó, phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với khí hậu sẽ mang lại môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của cư dân thành phố. Khả năng chống chịu của đô thị chính là việc giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai và cũng liên quan đến khả năng nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định. Tuy nhiên, những biện pháp thích ứng với khí hậu và khả năng chống chịu không phải lúc nào cũng được lồng ghép chặt chẽ vào các quy trình lập kế hoạch và ngân sách cho đô thị.

Bà Laura M. Hammett, Chuyên gia về thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu của đô thị, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, đầu tư cho tăng trưởng kinh tế phải song hành với đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu. Khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc dịch vụ ở các thành phố, phương thức thiết kế và xây dựng sẽ quyết định khả năng chống chịu với thiên tai của các công trình này. Các dịch vụ quan trọng như điện nước và mạng lưới giao thông là chìa khóa giúp phục hồi sau thiên tai.

Ngoài ra, các khoản đầu tư trong quá trình phục hồi sau Covid-19 nhằm mục đích kích thích nền kinh tế nên được hướng theo mục tiêu góp phần vào “phục hồi xanh”, bằng cách tăng cường mạng lưới an toàn xã hội, xây dựng các cơ sở hạ tầng phát thải thấp và thân thiện với thiên nhiên và giúp cộng đồng chuẩn bị tốt hơn cho các sự kiện thiên tai có thể xảy ra trong tương lai.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Khởi động dự án tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho các đô thị Bắc Trung Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Campuchia quyết tâm xây kênh đào Phù Nam Techo
Thủ tướng Camphuchia Hun Manet khẳng định rằng kênh đào Phù Nam Techo, với chi phí xây dựng 1,7 tỷ USD sẽ chỉ phục vụ việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .